Dung Mạo Hòa Bình
Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 08 -
Sứ điệp Hòa Bình
của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1975:
"Sự Hòa Giải, Con Ðường Dẫn Ðến Hòa Bình"
Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolo VI năm 1975: "Sự Hòa Giải, Con Ðường Dẫn Ðến Hòa Bình"
Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)
(RVA News 21-06-1982)
"Hãy hòa giải với nhau. Hỡi những con người trẻ, hỡi những con người mạnh mẽ, những kẻ có trách nhiệm, những người tự do, những kẻ sống tốt lành: quý vị có nghĩ đến điều này không?
Ðây là sứ điệp chúc mừng năm mới của chúng tôi: Hòa giải là con đường dẫn đến hòa bình".
Kính thưa quý vị, đó là những lời kêu gọi khẩn thiết của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI trong sứ điệp hòa bình của ngài năm 1975. Trong Giáo Hội Công giáo, năm 1975 cũng đã gọi là Năm Thánh với đề tài: "Hòa giải và Canh tân". Chính vì thế mà Ðức Phaolô VI lại nói về "Hòa giải như là con đường dẫn đến hòa bình" trong sứ điệp hòa bình của ngài cho năm 1975, mà hôm nay chúng ta muốn đọc qua.
Một cách chính thức, thì đây là lần thứ hai, Ðức Phaolô VI đã chọn sự "Hòa giải" làm chủ đề cho sứ điệp hòa bình của ngài. Lần thứ nhất là trong sứ điệp hòa bình năm 1970, Ðức Phaolô VI đã kêu gọi như sau: "Hãy giáo dục cho hòa bình, nhờ qua sự hòa giải".
Theo như chúng tôi nghĩ, thì nói cách khác: "Hãy giáo dục cho hòa bình, nhờ qua sự hòa giải" (của năm 1970) và cách nói "Hòa giải là con đường dẫn đến hòa bình" (của năm 1975). Hai cách nói này có nhiều điểm nội dung giống nhau. Cả hai đều giả thiết hòa bình phải có những yếu tố chính như sau:
1. Hòa bình là một thực tại nằm trong tinh thần cách con người trước khi được thực hiện trong những trật tự bên ngoài. Và hòa bình là một thực tại tiệm tiến cần được bồi dưỡng luôn mãi.
2. Do đó, cần phải giáo dục tinh thần con người biết đón nhận, bảo vệ và xây dựng hòa bình. Công việc giáo dục này là một công tác trường kỳ, mãi mãi, để giúp con người nhìn nhận và trung thành tuân theo những nguyên tắc của lý trí đúng đắn.
Trên phương diện giáo dục tinh thần, cần thiết để xây dựng hòa bình, đó là: tôn trọng công bằng, sự thật, kính trọng phẩm giá và những quyền lợi con người, yêu thương mọi người như anh chị em của mình, biết tha thứ những lầm lỗi, biết hòa giải với nhau, biết thương thuyết với nhau và tránh đi đến việc dùng đến bạo lực... Con người sống tình huynh đệ đại đồng, nhưng đồng thời thật là khó mà tránh đi hoàn toàn những xung đột, những chống đối. Cần phải biết vượt qua những xung đột, những chống đối này... Và do đó, sự hòa giải là điều cần thiết trong trường hợp này, sự hòa giải là con đường dẫn đến hòa bình.
Ðức Phaolô VI trích lại vài lời quả quyết, từ số 82 của Hiến chế Mục vụ "Vui mừng và hHy vọng" của Công đồng Vaticanô II như sau:
"Chúng ta phải đem hết tâm lực để sửa soạn ngày mà tất cả mọi dân tộc đều đống ý với nhau để cấm tuyệt đối mọi thứ chiến tranh...
Hòa bình phải được phát sinh từ sự tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc, chứ không phải do sự sợ khí giới của nhau. Do đó mà tất cả mọi người phải cố gắng góp phần chấm dứt việc chạy đua vũ trang...
Các vị nguyên thủ quốc gia vừa có bổn phận đối với lợi ích chung của xứ sở họ vừa có trách nhiệm đối với lợi ích của toàn thể thế giới. Nhưng họ lệ thuộc vào nhiều dư luận và tâm tình của quần chúng. Họ có mưu cầu hòa bình cũng không ích gì nếu hận thù, miệt thị, nghi kỵ, nếu thù ghét vì chủng tộc, vì ý thức hệ, còn chia rẽ, đối lập con người với con người.
Do đó, cần phải cấp bách đổi mới lối giáo dục tâm trạng thay đổi dư luận. Những ai có trách nhiệm giáo dục, nhất là đối với giới trẻ, và có trách nhiệm hướng dẫn dư luận, phải coi việc gieo rắc tư tưởng mới về hòa bình trong đầu óc dân chúng là nhiệm vụ chính yếu của mình.
Tất cả chúng ta đều phải thay đổi tâm tư và mở rộng mắt để nhìn thấy những công việc phải làm chung với nhau cho nhân loại được tiến triển tốt hơn.
Hơn bao giờ hết, sự giáo dục là cần thiết. Hòa bình cần phải được bắt đầu từ bên trong tinh thần con người, trước khi được thực hiện bên ngoài trong những biến cố.
Cần phải nội tâm hóa hòa bình. "Nội tâm hóa hòa bình", đây là một khẩu hiệu mới của Ðức Phaolô VI. Viết đến đây, ngài lại trích tư tưởng của Thánh Augustinô: Kết hiệp những con người lại với nhau dựa trên nền tảng sự giống nhau về bản tính làm người, chỉ việc này không mà thôi thì không đủ. Còn cần phải dạy cho con người biết nói cùng một ngôn ngữ, nghĩa là biết hiểu nhau, biết có chung một nền văn hóa, biết chia sẻ những tâm tình giống nhau, nếu không làm như vậy thì "con người thích sống với con chó của mình, hơn là sống với người khác" (x.De Civ. Dei, XIX, VII, P.L. 41, 631)
Ngày nay, nguy cơ tranh chấp với nhau càng ngày càng gia tăng. Chúng ta không nên chơi với những ảo tưởng, không nên quá lạc quan mà cũng không nên bi quan. Hãy nhìn vào thực tại, có một cái gì không ổn đang hiện diện trong nền văn minh nhân loại chúng ta ngày nay. Nền văn minh này có thể bị nổ tung bất cứ lúc nào, vì một lỗi lầm nào đó trong việc xây dựng nền văn minh này. Chúng ta nói "lỗi lầm" chứ không nói "sự thiếu sót". Và sự lỗi lầm đó, là lỗi lầm của yếu tố tinh thần... Vì thế chúng tôi dám quả quyết rằng: cần phải hoạt động nhiều hơn nữa, cần phải làm cho có giá trị lại và áp dụng cái yếu tố tinh thần đó, làm cho nó có đủ khả năng ngăn chặn những xung đột giữa con người với nhau, và làm cho con người sẵn sàng có những tâm tình yêu chuộng hòa bình, nhưng còn cần phải tạo ra sự hòa giải giữa con người với nhau, và tạo ra sự hòa giải, đó là tạo ra hòa bình.
Ðây là một điều khó, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Hòa bình là điều có thể có được. Hòa giải là điều có thể có được. Ðặc biệt, Ðức Phaolô VI nhắc người Công giáo hãy sống hòa giải: hòa giải trước tiên với Thiên Chúa, để rồi sau đó hòa giải với mọi người anh em. Ðặc biệt, sống hòa giải trong Giáo Hội. Ðức Phaolô VI đưa ra hai khía cạnh: Hòa giải để sống sự hiệp nhất trong Giáo Hội; đây là khía cạnh thiêng liêng sống kết hiệp với Thiên Chúa trong Giáo Hội; và hòa giải để sống sự hiệp nhất của Giáo Hội, tức là sống sự hiệp nhất đại kết giữa các cộng đoàn Giáo Hội Kitô với nhau.
Một Giáo Hội hiệp nhất trên hai bình diện vừa nói trên đây là dấu chỉ và là yếu tố thôi thúc công việc xây dựng hòa bình thế giới. Những người tin vào Chúa Kitô phải nêu gương trước, cho thấy kết quả thật sự của Hòa giải, để giúp con người tin vào khả năng hữu hiệu của Hòa giải, là con đường dẫn đến hòa bình.
Bài Giảng trong Thánh Lễ ngày Hòa bình Quốc tế mùng 1 tháng giêng năm 1975: "Tình Thương Là Linh Hồn Của Hòa Bình"
"Sự hòa giải dẫn đưa hòa bình từ lãnh vực bên ngoài vào trong lãnh vực nội tâm. Nghĩa là từ lãnh vực hết mức cụ thể của những cạnh tranh chính trị, quân sự, xã hội, kinh tế, tức là những cạnh tranh của thế giới thực nghiệm, vào trong lãnh vực không phải là ít hiện thực hơn, nhưng không thể đo lường được, đó là lãnh vực của đời sống tinh thần của con người. Thật khó mà đạt đến lãnh vực tinh thần này. Nhưng, đó là lãnh vực của hòa bình thật sự, của hòa bình trong các tâm hồn trước khi là hòa bình trong các công việc. Hòa bình trong dư luận công chúng trước khi có mặt trong những bản hiệp ước, hòa bình trong con tim con người trước khi là hòa bình trong cuộc ngưng chiến."
"Ðể có được một nền hòa bình thật, cần phải cho nó một linh hồn. "Linh hồn của hòa bình tình thương" - Amoris Aluma Pax. Hòa bình là đồ đệ của tình thương. Phải, chính tình thương làm cho hòa bình được sống... Linh hồn của hòa bình là tình thương. Tình thương này, đối với chúng tôi, những kẻ tin vào Ðức Kitô, tình thương này đến từ tình thương của Thiên Chúa Cha,và được đổ tràn xuống cho con người. Ðây là chìa khóa cho toàn bộ nền hòa bình thật, chìa khóa của tình thương mà chúng ta đang nói đến, được gọi bằng danh xưng "tình thương bác ái"."
"Tình thương bác ái làm phát sinh sự hòa giải. Tình thương bác ái là một tác động sáng tạo trong chu kỳ những tương quan giữa con người với nhau. Tình thương vượt thắng những bất đồng, những ghen tị, những chống đối... Tình thương ban cho hòa bình có được gốc rễ thật của nó, tình thương cần mất đi sự giả hình, sự mỏng dòn và tinh thần ích kỷ".
Kính thưa quý vị, đó là một đoạn trích hay nhất từ bài giảng của Ðức Phaolô VI cho ngày hòa bình thế giới mùng 01 tháng giêng năm 1975. Năm 1975 là Năm Thánh trong Giáo Hội Công giáo. Trước đó, trong sứ điệp hòa bình cho năm 1975 này, Ðức Phaolô VI đã chọn đề tài: "Hòa giải là con đường dẫn đến hòa bình". Giờ đây, vào đúng ngày cử hành hòa bình cho năm 1975, Ðức Phaolô VI quảng diễn rộng thêm tư tưởng này, bằng cách qủa quyết rõ rằng: Tình thương là linh hồn của hòa bình, và tình thương làm phát sinh sự hòa giải. Tình thương - Hòa giải - Hòa bình, đó là ba điểm cốt yếu không thể thiếu vắng được, để xây dựng một nền hòa bình thật.
Chúng ta sẽ hiểu được điều này nhiều hơn nữa, khi chúng ta đặt những quả quyết của Ðức Phaolô VI trong viễn tượng chung của ngài khi nói về hòa bình. Như chúng tôi đã nhắc trong bài đầu tiên, viễn tượng trong đó Ðức Phaolô VI nhìn về hòa bình và mô tả nó, là một viễn tượng hướng nội. Ngài đã không ngừng đòi hỏi hòa bình phải có mặt trong con tim, trong tinh thần con người trước, rồi sau đó mới được thực hiện bên ngoài, trong những biến cố. Hòa bình, như nó đang có mặt trong thế giới ngày nay là một thứ hòa bình ngoại tại, một thứ hòa bình của sự cân bằng lực lượng đang chống đối nhau, hòa bình của sự lo sợ vũ khí của nhau, một thứ hòa bình đã mất đi gốc rễ tinh thần của nó, trong con tim con người. Chính vì thế, mà trong sứ điệp hòa bình năm 1975, Ðức Phaolô VI đã lên tiếng đòi buộc mọi người chúng ta hãy thực hiện một công cuộc "nội tâm hóa hòa bình", đem hòa bình trở về ngai tòa thứ nhất của nó, đó là ngai tòa nằm trong con tim con người. Và cũng chính vì thế mà Ðức Phaolô VI đã lên tiếng kêu gọi hãy giáo dục cho hòa bình, hãy giáo dục cho tình thương yêu, hãy giáo dục cho sự hòa giải.
Và khi nói đến sự giáo dục, là nói đến quan niệm về bản tính con người. Bản tính con người không hoàn toàn tốt, có tốt có xấu. Và cần sự giáo dục để phát triển những đức tính tinh thần tốt và nhổ bỏ đi những mầm mống xấu. Trong bài giảng của chính Thánh lễ cử hành ngày hòa bình thế giới năm 1975, Ðức Phaolô VI nhìn về bản tính con người trong viễn tượng tương quan với hòa bình, như sau:
"Phải, con người có bản tính tự nhiên để đồng ý với nhau. Trong tận thâm tâm của họ, có sẵn khuynh hướng, bản năng, ước muốn, nhu cầu, bổn phận phải đồng ý với nhau, nghĩa là sống hòa bình với nhau. Hòa bình là một đòi hỏi của chính bản tính của con người. Bản tính con người, từ căn bản, là duy nhất, là y nguyên như vậy trong tất cả mọi người. Ðó là một bản tính tự nhiên được diễn tả trong đời sống xã hội, tự nhiên hướng về việc đặt để con người sống hiệp thông với nhau; con người có nhu cầu nhận lãnh đời sống từ kẻ khác, cần được những kẻ khác nuôi dưỡng và giáo dục, cần được hiểu nhau, nghĩa là cần nói cùng một ngôn ngữ chung, có bản năng và nhu cầu hiểu biết nhau, sống chung với nhau; con người là những hữu thể có đặc tính xã hội, sống kết thành từng gia đình, bộ lạc, dân tộc, quốc gia và ngày nay đang hướng đến một cách như không thể tránh được, (hướng đến) việc kết thành một đại gia đình, gồm nhiều thành phần được liên kết chặt chẽ với nhau vừa được độc lập với nhau trong mức độ nào đó. Mọi người đều nhận thấy rằng đây là một phong trào không những cần thiết, nhưng còn là một phong trào đẹp đẽ và tốt lành... Nhân loại là duy nhất và đang có khuynh hướng tổ chức với nhau trong hình thức cộng đồng. Và đó là hòa bình."
Nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Có một sự khác biệt giữa thực trạng "đang là" và điều lý tưởng "phải là" trong lãnh vực hòa bình. Lịch sử, với những chiến tranh, những cạnh tranh, những chia rẽ, cho ta thấy vắng bóng hòa bình. Hàn thử biểu dùng để đo lường hòa bình đang cho ta những tiên báo thời tiết xấu, không thuận lợi cho hòa bình. Dường như thế giới đang trở về lại tình trạng tranh chấp như lúc trước khi có thế chiến. Trong những năm vừa qua, chúng ta ghi nhận sự gia tăng những hành động phạm pháp có tổ chức, gia tăng hận thù. Rồi những chiến tranh, những nổi loạn đánh du kích, hiện diện tại những phần đất khác nhau trên thế giới, gây nên bao nhiêu đổ nát và nước mắt.
Chính vì thực trạng như vậy, mà ngày nay hơn bao giờ hết, cần phải đưa vào sự hòa giải giữa con người với nhau, để duy trì và phát triển hòa bình.
Kính thưa quý vị,
cách đây 7 năm, Ðức Phaolô VI đã kêu gọi hòa giải, vì đó là con đường dẫn đến hòa bình. Hoàn cảnh hiện tại của thế giới lại càng làm cho chúng ta nhận ra tính cách khẩn thiết và thời sự của lời kêu gọi này. Chúng ta hãy hòa giải với nhau, để có được hòa bình thật và vững bền.