Dung Mạo Hòa Bình

Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 07 -

Sứ điệp Hòa Bình

của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1974:

"Hòa Bình Cũng Tùy Thuộc Ở Bạn"

 

Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1974: "Hòa Bình Cũng Tùy Thuộc Ở Bạn"

Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)

(RVA News 17-06-1982)

Kính thưa quý vị, trong sứ điệp hòa bình năm 1973, Ðức Phaolô VI đã quả quyết lại một lần nữa hòa bình là điều có thể được và kêu gọi mọi người hãy dấn thân tích cực xây dựng hòa bình cho tương lai.

Trong bài hôm nay, chúng tôi mời quý vị tìm hiểu sứ điệp hòa bình năm 1974, đây là sứ điệp hòa bình thứ 7 của Ðức Phaolô VI. Một lần nữa, Ðức Phaolô VI nhắc lại và nói rộng thêm tư tưởng: "Hòa bình là điều có thể có được" bởi vì hòa bình, xét trước hết như là một hoa quả của tinh thần con người, là một điều có thể được triển nở trong con tim và trong tinh thần con người. Nhận xét đầu tiên của chúng tôi nơi đây, đó là sứ điệp hòa bình năm 1974 này, Ðức Phaolô VI, khi trình bày lý do tại sao hòa bình có thể có được, trở lại với tư tưởng căn bản đầu tiên của ngài là "Hòa bình là một kết quả của tinh thần, hòa bình cần có mặt trong tinh thần và con tim của con người trước, rồi sau đó mới được diễn tả trong những trật tự an ninh bên ngoài. Ðức Phaolô VI đã viết như sau:

"Hòa bình phải được mọc lên từ một quan niệm nền tảng và thiêng liêng về nhân loại: nhân loại phải là một nhân loại yêu chuộng hòa bình, nghĩa là sống hiệp nhất với nhau, liên kết chặt chẽ với nhau, liên đới với nhau từ trong chính bản thể sâu xa nhất của mình. Sự thiếu vắng quan niệm này đã là và còn đang là nguồn gốc sâu xa của những tai ương tàn phá lịch sử nhân loại.

Quan niệm sự tranh đấu giữa con người với nhau như là một đòi buộc không thể tránh phát xuất từ cơ cấu xã hội, (quan niệm như vậy) không những là một sai lầm triết lý, mà là còn một tội phạm thường xuyên chống lại nhân loại. Văn minh nhân loại cuối cùng phải từ bỏ sự lầm lẫn ngày xưa, nhưng đồng thời vẫn còn tác động ngày nay. Ðó là sai lầm nhìn "con người là con chó sói cho con người" (homo homini lupus). Con người ngày nay cần phải có can đảm tinh thần để giải thoát mình khỏi tính xấu dữ dằn từ bẩm sinh này, và để đạt đến kết luận này là "hòa bình là điều có thể được".

Từ trích đoạn này, chúng ta thấy Ðức Phaolô VI muốn nói hòa bình là điều có thể được, nhưng để nó có thể có được thì cần phải có một sự thay đổi trong tinh thần con người. Hòa bình là điều có thể có được, nhưng hòa bình cũng tùy thuộc ở con người, tùy thuộc vào cố gắng tu luyện của con người. Ðến đây, chúng ta thấy được một điểm này nữa, đó là tư tưởng về hòa bình của Ðức Phaolô VI trong sứ điệp hòa bình năm 1974 này, gặp lại với tư tưởng ngài đã nói trước về sự cần thiết phải giáo dục con người, để biến con người trở thành người bạn của hòa bình. Trong sứ điệp hòa bình năm 1974, Ðức Phaolô VI đã không dùng đến danh từ "giáo dục" con người cho hòa bình, nhưng những gì ngài đã trình bày trong đó, cho chúng ta hiểu rằng: "cần phải có cố gắng giáo dục" này, để hòa bình có thể được thực hiện. Chính vì thế mà sứ điệp của hòa bình năm 1974 này, được quả quyết như sau: "Hòa bình là điều tùy thuộc ở bạn".

"Hòa bình là điều có thể được, nếu từng người trong chúng ta yêu thương hòa bình, nếu từng người trong chúng ta giáo dục và huấn luyện chính tâm thức mình đón nhận hòa bình, nếu từng người chúng ta biết bênh vực hòa bình, và làm việc phục vụ cho hòa bình. Từng người trong chúng ta cần phải lắng nghe trong chính lương tâm của mình lời mời gọi đầy tính cách bó buộc: Hòa bình là điều tùy thuộc ở bạn."

Kết thúc sứ điệp, Ðức Phaolô VI ngỏ lời đặc biệt với những người Công giáo, những kẻ cùng chia sẻ đức tin và đức mến với ngài. Ðức Phaolô VI cho rằng, người Công giáo chúng ta có nhiều phương thế hơn và do đó có nhiều bó buộc hơn, để làm cho hòa bình có thể được thực hiện. Những phương thế người Công giáo dùng là những phương thế đặc biệt riêng không ai có, và là những phương thế siêu nhiên, trong sự kết hiệp với Chúa Kitô và cùng với Ngài. Chúng ta rao giảng hòa bình trong lương tâm con người. Chúng ta rao giảng hòa bình và sống hòa bình. Và cuối cùng, chúng ta, người Công giáo cần phải cầu khẩn cùng Thiên Chúa, là Cha nhân từ, ban hòa bình cho con người. "Hòa bình là điều có thể được, và hòa bình là điều tùy thuộc ở chúng ta, nhờ qua Chúa Kitô, Ngài là hòa bình cho chúng ta".

Bài Giảng của Ðức Giáo Hoàng Phaolo VI trong Thánh Lễ ngày Quốc tế Hòa Bình mùng 1 tháng giêng năm 1974

"Văn minh mà chúng ta đã kiến tạo nên là một nền văn minh đẹp tuyệt diệu. Chúng ta tỏ lòng cúi mình khâm phục khi nhận thấy rằng con người đã và đang biết làm, biết tổ chức công việc như thế nào, biết thống trị trên những yếu tố vật chất như thế nào, và biết đi qua các không gian. Chúng ta nhận thấy rằng những phương tiện đang nằm trong đôi tay con người, một khi càng ngày càng được kiện toàn hơn, càng tiến bộ hơn, càng có sức mạnh hơn, thì lại càng trở nên nguy hiểm cho chính đời sống con người. Con người ngày nay biết bắt buộc thiên nhiên và những định luật của thiên nhiên phục vụ cho mình, nhưng đồng thời cũng biết đảo ngược lại dùng những định luật thiên nhiên, đó là chống lại sự sống con người. Sức mạnh tàn phá của vũ khí giờ đây, rủi thay đã trở thành to lớn."

Thưa quý vị, đó là những lời trích từ bài giảng của Ðức Phaolô VI nhân ngày mùng 01 tháng giêng năm 1974, ngày hòa bình thế giới lần thứ 7.

Trước đó, Ðức Phaolô VI đã lo âu đặt câu hỏi: "Hòa bình liệu có được tồn tại lâu dài hay không? Liệu chúng ta có thể xây dựng được cho thế hệ con cháu chúng ta một nền hòa bình hay không?" Trước những hăm dọa, những khó khăn, những căng thẳng đang xảy ra trên thế giới, làm sao mà chúng ta không đặt ra những câu hỏi trên như Ðức Phaolô VI.

Hòa bình là trật tự, là huynh đệ giữa mọi người, là sự cộng tác, là nhân tính lý tưởng mà chúng ta đang tìm xây dựng. Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường: chúng ta có thể tiến tới trên con đường xây dựng hòa bình, nhưng chúng ta cũng có thể đi sang con đường chiến tranh tàn phá, hủy diệt nhân loại. Ðây là một chọn lựa sống chết. Chính vì thế mà một lần nữa, Ðức Phaolô VI lên tiếng kêu gọi mọi người, từng người, hãy dấn thân cho hòa bình.

Chúng ta không thể chỉ để dành việc xây dựng hòa bình cho những kẻ có trách nhiệm, những nhà chính trị, những thủ lãnh quốc gia. Những con người này có bổn phận của họ rồi, nhưng chính chúng ta cũng có phần trách nhiệm trong việc xây dựng hòa bình đó.

Và một cách cụ thể, người thường dân chúng ta có thể làm gì để xây dựng hòa bình? Ðức Phaolô VI đã đề nghị trong bài giảng của ngài như sau:

"Chúng ta, tất cả là anh chị em với nhau, là sống trong bình đẳng với nhau, chúng ta không nên chia ra làm hai phe: chúng ta và những kẻ khác, tất cả chúng ta cần phải cộng tác để tạo dựng sự hiệp thông chung này, tất cả mọi người, trước nói về chính trị, về những chuyện bên ngoài, tất cả mọi người chúng ta cần phải biết nhìn nhận những cách sống của kẻ khác, cả khi chúng ta không thích những cách sống đó, và nhìn thấy những nhu cầu chúng ta, chúng ta cần phải nhìn về lương tâm chúng ta và biến nó trở thành tốt lành, thành yêu chuộng hòa bình theo giáo lý của Ðức Kitô: Hãy yêu thương nhau, và hãy tha thứ cho nhau.

Thử hỏi chúng ta có sẵn sàng tha thứ sự xúc phạm chưa? Chúa bắt chúng ta lặp lại nhiều lần, mỗi lần chúng ta cầu nguyện Kinh Lạy Cha, chúng ta xin: "Xin Chúa tha thứ cho con, như con cũng tha thứ cho những kẻ khác". Thử hỏi chúng ta có áp dụng những lời này chưa? Lời xin này, lời nài van chạy đến cùng lòng nhân từ của Thiên Chúa này, có thật sự tác động trong chúng ta chưa?

Thử hỏi chúng ta có để cho mình mang lấy những thái độ sau đây hay không: đó là sống sự công bằng giả hiệu, là sống trả thù, là sống muốn loại bỏ hay đàn áp kẻ thù. Chúng ta có mắc phải những điều này hay không? Chúng ta có ăn năn hối tiếc đủ chưa?...

Chúng ta cần phải mang Hòa Bình, cần phải mang sự công bằng thật trong con tim chúng ta, trước khi chúng ta lên tiếng đòi hỏi nó hay mang nó ra, trên bình diện sinh hoạt công cộng và sinh hoạt quốc tế. Chúng ta hãy cố gắng trước hết trở thành những con người, những người công dân chính trực và tốt lành. Ước gì sự tốt lành trở thành chương trình cho cuộc sống chúng ta, bởi vì, nếu chúng ta là người Kitô, chúng ta có với mình không những quy luật cho cuộc sống dân sự an bình, nhưng còn có thêm những lý do mà ngời khác không có, kể từ giây phút chúng ta được múc lấy nguồn mạch sâu xa của tình thương và lòng nhân từ. Chúa Kitô, Ðấng đã trao ban sự sống mình cho chúng ta, Ngài dạy chúng ta biết sống tốt lành, biết tha thứ, biết sống tế nhị, thành thực và đầy tình huynh đệ.

Nói đến đây, Ðức Gioan Phaolô VI nhắc lại những mẫu gương sống hiến thân cho kẻ khác, sống tình huynh đệ của linh mục Maximilian Kolbê, của Ghandhi, của bác sỹ Schweitzer. Và ngài kết luận:

"Chúng ta sẽ phải nên như vậy, chúng ta sẽ phải yêu thương người lân cận chúng ta như thế. Những vĩ nhân đó đã làm gương cho chúng ta. Ước gì mọi người chúng ta giữ chặt trong tâm hồn niềm xác tín này là: Hòa bình là điều tùy thuộc từng người chúng ta. Niềm xác tín này không làm cho chúng ta nên hèn yếu, trở thành những con người chạy trốn những phiền phức, đứng khoanh tay lãnh đạm trước công ích, nhưng làm cho chúng ta trở thành những con người biết bênh vực cho công bằng, sự công bằng thật, được liên kết với hòa bình, với lòng nhân lành, với tình bác ái của Chúa Kitô, Ðấng đã yêu thương chúng ta và đã thiết lập sự công bằng của Ngài trong việc trao hiến mạng sống Người cho chúng ta."

"Chúng ta hãy cố gắng nới rộng vòng dây tình bác ái chúng ta, nới rộng vòng dây tình bạn hữu chúng ta, vượt qua bên kia ranh giới gia đình, thành phố, quốc gia chúng ta, và nới rộng nó bao gồm toàn thế giới, như Chúa Kitô đã làm. Và như thế, chúng ta cũng sẽ nới rộng được những biên giới của hòa bình và công bằng, và làm chứng cho Vương Quốc mới của Thiên Chúa trong thế gian".

Kính thưa quý vị, qua những lời trích trên từ bài giảng của Ðức Phaolô VI trong Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới ngày mùng 01 tháng giêng năm 1974, chúng ta hiểu thêm được quan niệm của Ðức Gioan Phaolô VI về hòa bình. Hòa bình phải là một cái gì nằm trong tinh thần con người trước, và để được như vậy, chính con người, hay từng người, cần phải cố gắng tự luyện, để có được những đức tính cần thiết của yêu thương và tha thứ. Ðức Phaolô VI đã chỉ cho chúng ta thấy Dung Mạo Hòa Bình. Giờ đây, chúng ta củng cố về nó trong đời sống chúng ta.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page