Dung Mạo Hòa Bình
Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 06 -
Sứ điệp Hòa Bình
của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1973:
"Hòa Bình Là Ðiều Có Thể Có Ðược"
Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1973: "Hòa Bình Là Ðiều Có Thể Có Ðược".
Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)
(RVA News 10-06-1982)
Năm 1973 là năm giáp 10 năm thông điệp "Hòa bình trên mặt đất" của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ðức Phaolô VI đã dành sứ điệp hòa bình năm 1973 của ngài theo chủ đề "Hòa bình là điều có thể có được". Quả quyết này không phải là một cái gì mới mẻ trong tư tưởng về hòa bình của Ðức Phaolô VI. Trong những sứ điệp hòa bình trước đây, hầu như mỗi sứ điệp ngài đều có nhắc đến khía cạnh này.
Và khi quả quyết "Hòa bình là điều có thể được", Ðức Phaolô VI đã muốn quảng diễn hai tư tưởng căn bản sau đây:
1. Chống lại những ai cho rằng hòa bình là điều hiện đang có rồi, thì lời quả quyết "Hòa bình là điều có thể có được" muốn nêu lên rằng: hòa bình hiện đang chưa có như nó phải có, hòa bình hiện tại là một thứ hòa bình chưa trọn, cần phải xây dựng nó trong tương lai.
Trên phương diện này, Ðức Phaolô VI không đồng ý với những kẻ nói được là "ù lì, bằng lòng với hiện tại", bằng lòng với thứ hòa bình chưa trọn, trong hiện tại, và không muốn tiến thêm nữa.
2. Nhưng quả quyết "Hòa bình là điều có thể được", Ðức Phaolô VI còn muốn nhắm đến khía cạnh thứ hai nữa, đó là chống lại những kẻ "bi quan", thất vọng về hòa bình, cho rằng hòa bình là một ảo tưởng không bao giờ được thực hiện trong lịch sử nhân loại.
Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu rộng rãi thêm hai quả quyết này của chủ đề "Hòa bình là điều có thế được" của sứ điệp hòa bình năm 1973.
1. Hòa bình hiện tại chưa phải là một hòa bình trọn đủ, cần phải xây dựng nó trong tương lai.
Ðây là một quả quyết chống lại những kẻ "quá lạc quan" về hòa bình, cho rằng hòa bình đã được thiết lập rồi, và giờ đây không còn cần làm thêm gì nữa. Thái độ tự mãn, dừng lại trong hiện tại, và ỷ lại vào những cơ cấu đã được thiết lập để bảo vệ cho hòa bình. "Sinh hoạt quốc tế đã được tổ chức chặt chẽ bằng những tài liệu chắc chắn không thể bàn cãi được nữa, và bằng những dụng cụ có sức tác động ngay tức khắc, để giải quyết mọi xung khắc có thể có, bằng quyền lợi và công bằng. Cuộc đối thoại giữa các dân tộc là điều xảy ra hằng ngày và thành thực; và hơn thế nữa, một liên lạc chặt chẽ kết thành những lợi ích chung đã làm cho các dân tộc liên đới với nhau. Thế thì đủ rồi. Ðã có hòa bình rồi. Cần gì phải mong chờ một hòa bình có thể có trong tương lai nữa.
Nhưng Ðức Phaolô VI không được thuyết phục bằng những lập luận của lập trường này. Ngài không xác tín là hòa bình đã có sẵn và đủ rồi. Vì nhìn kỹ vào thực trạng của thế giới hiện tại, với những biến cố đau thương, những chiến tranh nổi lên đây đó, chúng ta không thể nào an tâm cho rằng hòa bình đã có mặt trọn đủ cho con người rồi. Hiện đang có những xung đột sâu xa, phức tạp, vì tất cả những phương thế thương thuyết đã được sử dụng, nhưng xem ra dường như không hiệu quả. Bạo lực đã xuất hiện lại như điều hợp thời trang... những ích kỷ tập thể, gia đình, xã hội, chủng tộc, quốc gia đang xuất hiện lại. Tội phạm không còn là điều đáng sợ nữa. Sự bạo tợn đã trở thành như là điều không thể tránh được, sự giết người được nhìn như là một phương thuốc chữa tận căn. Cuối cùng mà nói, sự ích kỷ đã nằm ở tận trong thâm sâu con người, rất khó mà chữa trị.
Ðành rằng hòa bình có thể sống sót và sống chung một cách nào đó, giữa những hoàn cảnh đau thương, giữa những trận đánh, giữa những đổ nát, bao lâu mà còn có một chút gì yên lành còn sót lại. Nhưng loại hòa bình "sống sót" này, làm sao ta có thể cho nó là hòa bình lý tưởng cho con người, cho nhân loại? Một cuộc đình chiến, chúng ta gọi nó là hòa bình hay sao? Một trật tự bên ngoài được áp đặt dựa trên sức mạnh và sự sợ hãi, chúng ta gọi nó là hòa bình hay sao? Hay là một thế quân bình tạm thời giữa những lực lượng thường xuyên xung khắc với nhau, chúng ta gọi đó là hòa bình hay sao? Lịch sử thế giới đã có đầy những thứ hòa bình giả hình như vậy.
2. Nhưng từ nhận định này, người ta không thể rơi vào một lầm lẫn khác, cho rằng hòa bình là điều không thể có được. Con người được dựng nên để chống lại con người. Con người là con chó sói đối với nhau (Homo homini lupus). Chiến tranh là điều không thể tránh được. Không phải vậy đâu, chống lại hạng người bi quan này, Ðức Phaolô VI quả quyết mạnh mẽ thêm: "Hòa bình là điều có thể có được". Ðức Phaolô VI đã viết như sau:
"Phải, đúng vậy, hòa bình là điều có thể có được, bởi vì hòa bình đã chiến thắng những ý thức hệ đối nghịch với nó. Hòa bình trước hết là một điều kiện tinh thần. Nó đã thành công xâm nhập vào trong lương tâm của biết bao người, đặc biệt trong ý thức của những thế hệ trẻ: họ cho rằng, sống không thù hận, không giết nhau là điều có thể được. Cần phải có một khoa sư phạm mới và phổ quát, đó là khoa sư phạm của hòa bình."
"Phải, hòa bình là điều có thể được, bởi vì sự trưởng thành của lẽ khôn ngoan dân sự đã nói lên dự định hiển nhiên này, đó là: thay vì trao phó giải pháp của những căng thẳng giữa con người với nhau cho cuộc chiến phi lý và dữ tợn giữa sức mạnh quân sự mù quáng và giết người, thay vì làm như vậy, chúng ta hãy thiết lập những cơ cấu mới, trong đó lời nói, sự công bằng, quyền lợi được biểu lộ và trở thành định luật vững mạnh và có sức sáng tạo hòa bình cho những tương quan quốc tế."
"Phải, hòa bình là điều có thể được, bởi vì trong những cơ cấu đó, hòa bình gặp lại những dặc tính căn bản của nó, đó là: hòa bình phải là điều hợp với lý trí con người, chứ không phải là tùy theo đam mê tình cảm, phải là quảng đại, chứ không được ích kỷ. Hòa bình không nên là một điều ù lì, tiêu cực, nhưng linh động, tích cực, từ từ tiến tới, tùy theo những đòi hỏi công bằng của những nhân quyền đã được công bố và là những nhân quyền bằng nhau cho tất cả mọi người".
Kết luận sứ điệp hòa bình năm 1973, Ðức Phaolô VI công nhận rằng: để thực hiện hòa bình lý tưởng cho con người, thì cần phải có những sức mạnh tinh thần, cần phải có những can đảm, sự can đảm của tình thương. Ðức Phaolô VI kêu gọi tất cả mọi người như sau:
"Xin quý vị, tất cả hãy xây dựng, hãy thiết lập trong sự thật, trong công bằng, trong tình bác ái và trong tự do, hãy thiết lập hòa bình cho những thế kỷ tương lai sắp đến, kể từ năm 1973 này trở đi...".
Ðặc biệt với những người Công giáo, Ðức Phaolô VI kêu mời hãy tiếp tục suy tư thêm về hòa bình, và nhất là hãy ý thức về sự thật hết sức đặc biệt của mọi người Công giáo, đó là: chúng ta là người Công giáo, chúng ta đang có trong chúng ta nguồn mạch sâu kín và không bao giờ cạn của hòa bình, là Chúa Giêsu Kitô, "Ngài là hòa bình của chúng ta" (Ephêsô 2:14) và hãy nhớ rằng: Nếu hòa bình hiện hữu được trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, thì hòa bình là điều có thể được giữa con người với nhau, và cho con người. Người Công giáo đừng để cho niềm hy vọng về hòa bình bị tiêu tan. Lời nhắn nhủ của Ðức Phaolô VI trong cuối sứ điệp hòa bình năm 1973 cho người Công giáo đó là:
"Chúng ta hãy làm cho hòa bình có thể được, bằng việc rao giảng tình bằng hữu và thực hành tình thương người lân cận, thực hiện công bằng và sự tha thứ Kitô. Chúng ta hãy mở rộng mọi cửa nẻo đón nhận hòa bình... Chúng ta đừng từ chối vài hy sinh, là những hy sinh làm cho hòa bình trở nên mau đến hơn, thân tình hơn và vững bền hơn".
Thưa quý vị, đó là những lời dạy thật thời sự của Ðức Phaolô VI để giúp nhân loại sống năm 1973, cách đây 10 năm.
Huấn đức của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI trong giờ kinh Truyền Tin trưa ngày Quốc tế Hòa Bình mùng 1 tháng giêng năm 1973.
Kính thưa quý vị, trong sứ điệp hòa bình năm 1973, Ðức Phaolô VI đã quả quyết lại một lần nữa hòa bình là điều có thể được và kêu gọi mọi người hãy dấn thân tích cực xây dựng hòa bình cho tương lai. Vào đúng ngày mùng 01 tháng giêng năm 1973, ngày quốc tế hòa bình, Ðức Phaolô VI, vì một cơn bệnh cảm cúm, nên không thể đến dâng Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình ở học viện Don Orione tại Monte Mario, như đã được dự trù trước. Ðể bù lại, vào giờ trưa, lúc đọc kinh truyền tin trưa, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xuất hiện ở cửa sổ văn phòng làm việc của ngài, hướng về quảng trường Thánh Phêrô để nói vài lời cầu chúc năm mới hòa bình, và tiện dịp, ngài nhắc lại hai điểm:
1. Hòa bình là điều có thể có được mặc cho những khó khăn hiện tại xem ra chống đối lại quả quyết này.
2. Hòa bình cũng là hồng ân của Thiên Chúa, Ðấng hướng dẫn con tim con người và hướng dẫn vận mạng thế giới.
Hai tư tưởng này đã được nhắc đến nhiều lần trong những sứ điệp hòa bình trước. Ðó là tiếng nói của niềm hy vọng Kitô, giúp chúng ta kiên trì dấn thân hoạt động cho hòa bình, vì biết rằng Thiên Chúa Cha chúng ta vẫn hằng hiện diện bên cạnh chúng ta.