Dung Mạo Hòa Bình

Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 05 -

Sứ điệp Hòa Bình

của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1972:

"Dấn Thân Phục Vụ Cho Công Bằng"

 

Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1972: "Dấn Thân Phục Vụ Cho Công Bằng"

Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter nguyễn Văn Tài)

(RVA News 8-06-1982)

Trong bài này, chúng ta sẽ chú ý đến sứ điệp hòa bình lần thứ 5 năm 1972 của Ðức Phaolô VI. Trong những sứ điệp trước, Ðức Phaolô VI đã nêu chỉ cho chúng ta thấy những con đường sau đây để dẫn đến hòa bình:

1. Kính trọng những nhân quyền.

2. Giáo dục con người có được những đức tính tinh thần cần thiết của hòa bình, như: thành thật, công bằng, thương yêu và tự do.

3. Giáo dục con người biết hòa giải với nhau, biết tha thứ cho nhau.

4. Giáo dục con người biết sống tình huynh đệ đại đồng, biết nhìn nhận mọi người là anh chị em của mình.

Với sứ điệp hòa bình lần thứ 5 năm 1972, Ðức Thánh Cha Phaolô VI tiến thêm một bước nữa trong việc nêu chỉ thêm cho chúng ta con đường dẫn đến hòa bình: đó là hãy dấn thân làm việc phục vụ cho công bằng. Chúng ta hãy phân tích nội dung sứ điệp hòa bình năm 1972 này:

Trước hết, Ðức Thánh Cha Phaolô VI lặp lại một lần nữa, hòa bình không phải là một cái gì "cứng ngắc", không phải là một trật tự ù lì tại chỗ, nhưng là một trật tự linh động, cần luôn được bồi dưỡng và xây dựng, vì cuộc sống của con người cũng luôn luôn di động, luôn luôn tiến đến những cái mới mẻ... Hòa bình cũng không phải là một sự áp đặt sức mạnh để bắt ép người ta phải tuân theo một trật tự bên ngoài. Cũng không phải là một sự quân bình những lực lượng, thường xuyên căng thẳng chống đối nhau. Tắt một lời, Ðức Phaolô VI luôn chống lại quan niệm hòa bình như là một cái gì ngoại tại bên ngoài được áp đặt lên con người. Ngài nói cần phải đi tìm hòa bình, đi tìm những gốc rễ của hòa bình trong ý thức thành thật về con người, trong sự kính trọng thật sự con người. Và theo ngôn ngữ của Ðức Phaolô VI, cái ý thức thành thực về con người đó, được gọi bằng một danh từ khác nữa, đó là công bằng.

Nhưng công bằng là gì? Phải chăng nó lại là một cái gì bất động, một trật tự không thay đổi?

Ðức Phaolô VI phân biệt hai khía cạnh của công bằng:

Khía cạnh không thay đổi, được cô đọng trong những gì chúng ta gọi là "những quyền lợi và những bổn phận", "những bộ luật", "những hiệp ước" với mục đích làm cho những tương quan xã hội, văn hóa, kinh tế, được ổn định, được có trật tự;

Và khía cạnh thứ hai của công bằng là khía cạnh "có biến đổi", từ từ được tiến phát thêm, đó là công bằng nằm trong ý thức cá nhân của con người. Trong thế giới ngày nay, ý thức cá nhân về công bằng càng ngày càng tiến hơn. Trong phương diện này, công bằng còn có một cái gì vượt ngoài cái bất động của nó, còn có một cái gì đấy linh động, cần được bồi dưỡng mãi. Từ cái ý thức mới về công bằng này, phát xuất sự đòi buộc phải thiết lập một sự công bằng nhiều hơn nữa "giữa lòng cộng đoàn quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế".

Ðến đây, Ðức Phaolô VI đưa ra những thí dụ, hay đúng hơn ngài đặt ra những câu hỏi, nhằm làm cho chúng ta ý thức được đâu là những vấn đề đang được thiết lập trong công bằng.

1. Về vấn đề tự do tôn giáo, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đặt câu hỏi như sau:

"Thử hỏi có công bằng không, khi mà có những dân tộc không được hưởng sự biểu lộ tự do và bình thường về quyền lợi quý báu nhất của tinh thần con người, đó là quyền tự do tôn giáo? Thử hỏi quyền hành nào, ý thức hệ nào, lợi lộc lịch sử hay dân sự nào, có thể tự cho mình có quyết định đàn áp hay bóp nghẹt tâm tình tôn giáo, trong hình thức biểu lộ hợp pháp và nhân bản của nó? (Chúng tôi nói đến sự biểu lộ hợp pháp và nhân bản của tâm tình tôn giáo, chứ không phải là biểu lộ mê tín, cuồng tín). Và nền hòa bình, được áp đặt bằng cách chà đạp sự công bằng đầu tiên này, chúng ta sẽ gọi nó bằng danh từ gì?"

2. Về những vi phạm công bằng khác, Ðức Phaolô VI đã đặt những câu hỏi như sau:

"Và ở đâu mà những hình thức chắc chắn của công bằng, trong bình diện quốc gia, xã hội, văn hóa, kinh tế,... bị vi phạm và bị chà đạp, thì thử hỏi chúng ta có chắc chắn rằng sẽ có hòa bình thật sự, một thứ hòa bình đến từ sự đàn áp như vậy hay không? Chúng ta có chắc là nền hòa bình đó sẽ vững bền hay không? Và giả như nó vững bền, thì thử hỏi nền hòa bình đó có công bằng và nhân bản hay không?"

3. Về sự cộng tác giữa các quốc gia, Ðức Phaolô VI đặt ra những câu hỏi như sau:

"Thử hỏi đây không phải là một phần tử của công bằng hay sao, khi người ta thi hành bổn phận làm cho từng quốc gia có được khả năng cổ võ cho chính sự phát triển riêng của mình, trong khung cảnh sự cộng tác không có hậu ý hay tính toán thống trị trên phương diện kinh tế cũng như chính trị?"

Ðức Phaolô VI công nhận đây là những vấn đề phức tạp và trầm trọng mà chính ngài không có thẩm quyền để giải quyết trên phương diện thực hành. Ngài chỉ muốn kêu gọi mọi người nhớ rằng: "Hòa bình là kết quả của công bằng", "Opus Justitiae pax" (x. Is 22,:17) và ngài chỉ muốn khuyến khích: "Nếu muốn có hòa bình, hãy hoạt động xây dựng công bằng". Khẩu hiệu này thay thế cho câu nói Roma ngày xưa: "Nếu muốn có hòa bình hãy chuẩn bị chiến tranh" (Si vis pacem para bellum). Ðức Phaolô VI đã quả quyết rằng: giữa hai điều, một là thuận theo những lý lẽ công bằng, và hai là chiến đấu để áp đặt quyền lợi của riêng mình trên kẻ thù. Thì việc làm thứ nhất (tức là thuận theo lý lẽ công bằng) là một việc làm có nhiều quảng đại anh hùng hơn. Thế giới chúng ta đang cần đến sự quảng đại anh hùng này.

Ðức Phaolô VI kết thúc sứ điệp hòa bình năm 1972 của ngài bằng lời nói tin tưởng, ngài tin tưởng, vì con người ngày nay đã biết được đâu là những con đường dẫn đến hòa bình, và do đó sẽ trở thành những người cổ võ cho công bằng, xây dựng hòa bình. Công bằng và hòa bình không thể tách rời nhau.

Ðó là sứ điệp hy vọng "ngài muốn gửi đến cho con người vào đầu năm 1972. Và hiển nhiên là nó vẫn còn đó giá trị cho chúng ta ngày nay.

Xin kính chào quý vị.

Bài Giảng của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thánh Lễ ngày Quốc tế Hòa Bình mùng 1 tháng giêng năm 1972: "Mối Tương Quan Giữa Hòa Bình Và Công Bằng"

Kính thưa quý vị, bài trước chúng ta đã tìm hiểu sứ điệp hòa bình lần thứ 5 năm 1972 của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI với chủ đề: "Muốn có hòa bình, phải dấn thân hoạt động xây dựng công bằng". Hôm nay, chúng ta hãy tìm hiểu tiếp bài giảng của Ðức Phaolô VI trong Thánh Lễ ngày hòa bình thế giới mùng 01 tháng giêng năm 1972.

Trong bài giảng này, Ðức Phaolô VI giải thích một lần nữa mối tương quan giữa hòa bình và công bằng, nhưng với một điểm khác biệt, là trong lần này - tức là trong bài giảng - ngài đã giải thích tương quan giữa hòa bình và công bằng, cho các bạn trẻ. Vì chính ngày hôm đó, Ðức Phaolô VI đã cử hành Thánh lễ cầu cho hòa bình thế giới tại thành phố các bạn trẻ, nằm ở ngoại ô Roma. Trong bài giảng, Ðức Phaolô VI đã trình bày hai điểm sau:

1. Giải thích lại hòa bình là gì và tương quan của nó đối với công bằng ra sao.

2. Giải thích lý do tại sao vào ngày cử hành hòa bình này, ngài đã muốn nói chuyện với các bạn trẻ về hòa bình và về công bằng.

Chúng tôi xin bắt đầu với điểm thứ hai trước: nghĩa là trình bày lý do tại sao Ðức Phaolô VI đã cử hành ngày hòa bình thế giới năm 1972 với các bạn trẻ và nói với họ về hòa bình và về công bằng.

Ðức Phaolô VI đã nói rõ, ngài chọn làm như vậy là vì các bạn trẻ - theo nguyên văn ngài nói - "trước hết và hơn mọi người khác là những kẻ có ý thức bén nhọn về công bằng". Các bạn trẻ là những kẻ hiểu nhanh nhất về sự cần thiết phải có công bằng để xây dựng hòa bình. Ðức Phaolô VI đã nói như sau:

"Chúng con, các bạn trẻ, với khuynh hướng tự nhiên của chúng con muốn tách rời với qúa khứ, với khả năng dễ dàng phê phán, với khuynh hướng hướng về tương lai, với sự nồng nhiệt can đảm phục vụ cho những công cuộc nhân bản, cao thượng và to lớn, chúng con có thể đi tiên phong cho công cuộc xây dựng công bằng và hòa bình".

Hơn bao giờ hết, các bạn trẻ là những kẻ hiểu được rằng người ta không còn có thể sống lãnh đạm trước những lộn xộn trong sinh hoạt xã hội. Các bạn trẻ là những kẻ đã hiểu được rằng tiến bộ hiện tại của nhân loại đã kéo theo những tai họa, những mất mát, những bất bình đẳng, những bất công, những gây hấn, mà giờ đây cần phải tìm phương thuốc chữa. Các bạn trẻ đã hiểu rằng, sẽ không có hòa bình, nếu không có một trật tự công bằng mới.

Và chính trong khung cảnh tâm lý này, Ðức Phaolô VI giải thích cho các bạn trẻ, điều mà ngài đã viết ra trong sứ điệp hòa bình năm 1972, đó là mối tương quan giữa hòa bình và công bằng.

Trước hết hòa bình là gì? Ðức Phaolô VI lặp lại nơi đây điều ngài đã định nghĩa trước đây: Hòa bình là lợi ích bao quát và căn bản cho tất cả mọi lợi ích khác. Hòa bình là một trật tự, một trật tự thật, chứ không phải trật tự do một kỷ luật bên ngoài tạo ra, nhưng là một trật tự làm cho tất cả mọi người sống yên vui với nhau, và làm cho trọn cả con người được yên lành. Hay nói một cách khác, hòa bình là trật tự thật giữa mọi người, vừa là trật tự thật trong chính con người. Hòa bình là một trật tự làm cho tất cả mọi người hưởng được điều phục vụ cho sự sống, cho cơm ăn, cho nhà ở, cho trường học, cho việc làm, cho nghỉ ngơi, cho sự kính trọng, cho sự yên lành, vv... Do đó, chúng ta thấy, hòa bình là một điều khó, thật khó, nhưng có thể có được, và đòi hỏi phải dấn thân thật nhiều để có hòa bình. Trật tự hòa bình không tự nó mà đến, không tự nó mà tồn tại. Nó là kết quả của nhiều cố gắng, nhiều chương trình. Và trước hết, nó là kết quả của công bằng. "Nếu muốn có hòa bình, hãy làm việc phục vụ cho có công bằng". Hòa bình là điều lợi ích cho tất cả mọi người, và tất cả mọi người phải cộng tác để duy trì nó, để làm cho nó được phát triển thêm.

Như thế, khi định nghĩa hòa bình là một trật tự thật, linh động, cần được bồi dưỡng mãi, do sự cộng tác của tất cả mọi người, Ðức Phaolô VI đã không đi xa ra ngoài những gì ngài đã nói trong những sứ điệp hòa bình trước đây,

Và ngài nhấn mạnh thêm "trật tự thật", bởi vì, theo ngài, hiện đang có những trật tự giả, những trật tự lòe mắt bên ngoài, đó là những bất công chống lại hòa bình. Ðức Phaolô VI đã nói như sau:

"Hòa bình thật là hòa bình phát xuất từ trật tự thật. Bởi vì có thể có trật tự giả, thử hỏi, trật tự được áp đặt từ bên ngoài do sức mạnh, do ưu thế, do sự sợ hãi, do hăm dọa, do sự lạm dụng sự yếu đuối của kẻ khác, do có thói quen muốn duy trì những tình trạng trong đó con người phải chịu đau khổ, trong đó con người không thể nào ngóc đầu dậy được, không thể nào canh tân chính cuộc sống mình được. Thử hỏi tất cả những loại trật tự này có phải là trật tự thật hay không? (Dĩ nhiên là không rồi). Dĩ nhiên đó cũng là những bất công.

Ðức Phaolô VI còn tiếp tục đặt ra những câu hỏi như sau, nhằm giúp cho các bạn trẻ - và cho tất cả mọi người nghe ngài - thấy được mối tương quan giữa hòa bình và công bằng.

"Thử hỏi sự làm nô lệ có phải là trật tự thật hay không? Sự bần cùng xã hội có phải là trật tự hay không? Sự nghèo cùng không phương thuốc chữa, không sự trợ giúp, có phải là trật tự thật không? Sự cố ý để cho người dân bị ngu dốt, để mình dễ dàng cai trị hơn, đó có phải là trật tự thật không? Sự thống trị và khai thác của con người mạnh trên kẻ yếu, của người giàu trên kẻ nghèo, đó có phải là trật tự thật hay không? Sự áp đặt đè nặng những ý tưởng của vài người trên những kẻ khác, đó có phải là trật tự thật hay không? Những kẻ có trách nhiệm thì sống dửng dưng trước sự không tuân giữ những quyền lợi của kẻ khác, trước những sự vô luân làm gương xấu hoặc trước sự thả lỏng luân lý có hại cho lợi ích xã hội, đó có phải là trật hay không? Ở đâu không có, hay không được kính trọng một bộ luật hữu lý và hữu hiệu, thì thử hỏi ở đó có một trật tự thật sự hay không?

Kính thưa quý vị, những câu hỏi được Ðức Phaolô VI đặt ra cho các bạn trẻ tham dự Thánh lễ cử hành ngày hòa bình quốc tế năm 1972, cho chúng ta thấy rõ đâu là trật tự thật, và đâu là những bất công, những trật tự giả hiệu, nghịch lại công ích, và do đó, thấy rõ mối tương quan giữa hòa bình thật và nền công bằng thật.

Bài giảng của Ðức Phaolô VI cho ngày hòa bình đầu năm 1972 này không quảng diễn thêm những điều mới, so với sứ điệp hòa bình năm 1972 mà ngài đã công bố trước đó. Nhưng nó như là một bản kiểm thảo giúp chúng ta nhìn về chính mình, nhìn về chính xã hội, nhìn về chính quốc gia mà mình đang sống, để thẩm định xem đã có hòa bình thật sự ngự trị nơi đó hay chưa. Phải, hòa bình thật không thể nào cùng đứng chung với những bất công. Thế giới chúng ta ngày này đang có nhiều chiến tranh, phải chăng vì đã có quá nhiều bất công? Hỡi tất cả những ai muốn có hòa bình, xin đừng chuẩn bị chiến tranh, nhưng xin hãy dấn thân hoạt động xây dựng công bằng, dẹp bỏ bớt dần dần những bất công.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page