Dung Mạo Hòa Bình

Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 04 -

Sứ điệp Hòa Bình

của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1971:

"Mọi Người Là Anh Em Tôi"

 

Sứ điệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI Năm 1971: "Mọi Người Là Anh Em Tôi"

Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)

(RVA News 4-06-1982)

Hôm nay chúng ta hãy tìn hiểu dung mạo hòa bình như được mô tả trong sứ điệp hòa bình lần thứ tư của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI cho ngày mùng 01 tháng giêng năm 1971.

Vào thời gian này, nhân loại đang sống trong thời gian 25 năm sau thế chiến thứ 2 chấm dứt. Bởi đó, cho nên sứ điệp hòa bình năm 1971 của Ðức Phaolô VI bắt đầu bằng việc mô tả tình trạng nhân loại, tình trạng các quốc gia, trong khoảng thời gian này, 25 năm sau thế chiến thứ 2. Trước hết Ðức Phaolô VI đã nhận xét điều gì?

Liền sau trận thế chiến thứ 2 chấm dứt, nhân loại, các quốc gia dường như đã tỉnh ngộ, thôi không còn thèm chiến tranh nữa mà đã cố gắng xây dựng để băng bó lại những vết thương của chiến tranh. Ai ai cũng cảm thấy cần phải đổi mới, cần phải tạo cho trái đất này một bộ mặt mới mẻ, không còn những nguyên nhân gây chiến tranh chết chóc nữa. Tất cả mọi người xem ra sẵn sàng thay đổi tận căn, để tránh những xung đột mới. Trước hết đổi mới những cơ cấu chính trị, xã hội, kinh tế, rồi lần lượt đến những đổi mới trên phương diện luân lý xã hội: người ta lúc đó đã bắt đầu nói đến công bằng, đến nhân quyền, đến việc thăng tiến giúp cho những kẻ yếu, đến sự chung sống có trật tự, đến sự cộng tác có tổ chức, đến tình liên đới thế giới. Và không những chỉ nói mà thôi, đã có nhiều công tác cụ thể đã được thực hiện trong thực tế: thí dụ như những kẻ chiến thắng đã biến mình thành những kẻ trợ giúp cho những kẻ chiến bại, rồi những tổ chức quốc tế đã được thành lập, thế giới đã bắt đầu được tổ chức dựa trên nền tảng những nguyên tắc của tinh thần liên đới và hạnh phúc chung. Con đường dẫn đến hòa bình dường như đã được vạch ra trước mắt.

Thế nhưng, sau 25 năm trôi qua, tình trạng thế giới xem ra như bị thụt lùi. Chiến tranh lại bắt đầu xuất hiện đây đó, và xem ra như là những vết ghẻ lở không thể được chữa lành, và càng ngày càng trở nên nặng hơn. Chúng ta thấy xuất hiện và tăng trưởng những kỳ thị xã hội, chủng tộc, tôn giáo. Sứ điệp hòa bình của Ðức Phaolô VI viết tiếp như sau:

"Chúng ta thấy xuất hiện lại tâm thức ngày trước, con người xem ra trở về với những tâm thức tâm lý, rồi chính trị, như thời trước thế chiến. Những điều xấu của ngày trước nay lại sống lại. Ngự trị lại việc đặt những lợi lộc kinh tế lên trên hết, cùng với sự dễ dàng lạm dụng bóc lột những kẻ yếu thế: Ðược trở lại tâm thức nghiêng về thù hận, về chiến tranh giai cấp, và như thể xuất hiện như là một bệnh dịch chiến tranh quốc tế và dân sự; xuất hiện lại ý muốn độc tôn uy quyền quốc gia và quyền hành chính trị; xuất hiện lại bàn tay sắt của những tham vọng đối nghịch nhau, của những tinh thần hẹp hòi đóng kín đề cao chủng tộc, đề cao hệ thống ý thức hệ; người ta dùng đến sự tra tấn và khủng bố; đến tội phạm và sự bạo hành, như là chơi với lửa mà không sợ gì hỏa hoạn có thể xuất phát từ đó. Người ta quan niệm hòa bình như là một sự quân bình những lực lượng có thể nổ tung bất cứ lúc nào, như là một sự quân bình những vũ khí khủng khiếp..."

Ðó là nhận định về những khía cạnh tiêu cực, đang in dấu trên dung mạo nhân loại ngày nay, 25 năm sau thế chiến thứ 2 chấm dứt.

Nhưng thưa quý vị,

Ðức Phaolô VI không phải chỉ nhận định một chiều bi quan như vậy. Sứ điệp hòa bình của ngài tiếp đó cũng mô tả cho chúng ta thấy một vài tia hy vọng: đó là hòa bình vẫn được từ từ xây dựng ít ra là trong tâm trí con người, hòa bình đã chiếm được chỗ đứng của nó: ai ai cũng nhìn nhận hòa bình là điều cần thiết. Nhân loại càng ngày càng ý thức hơn về sự hiệp nhất và duy nhất của mình. Hòa bình và hiệp nhất, khi được tự do liên kết lại với nhau, thì cả hai là chị em với nhau. Dư luận thế giới cũng càng ngày càng nhìn thấy khía cạnh phi lý của chiến tranh... rồi một tình liên đới căn bản đang từ từ được xây lên. Tình liên đới này cổ võ cho hòa bình. Những tương quan quốc tế được càng ngày càng phát triển, làm bảo đảm cho sự đồng tâm thật, và do đó, cho hòa bình...

Với cái nhìn lưỡng diện, tốt và xấu lẫn lộn, về hiện trạng nhân loại ngày nay, Ðức Phaolô VI, trong sứ điệp hòa bình năm 1971 mà chúng ta đang phân tích hôm nay, đặt ra câu hỏi:

Ðâu là yếu tố chung xuất hiện lên từ cái nhìn lưỡng diện này? Hay đặt câu hỏi cách khác như sau: điều gì ngày nay làm giảm thiểu hòa bình? Và điều gì ngày nay làm phát triển hòa bình? Và Ðức Phaolô VI đã trả lời liền cho chúng ta:

"Thưa đó là con người. Con người bị hạ giá thì làm giảm thiểu hòa bình, và con người được kính trọng, làm phát triển hòa bình. Từ đó, Ðức Thánh Cha Phaolô VI kết luận:

"Chỉ tình thương đối với con người là giá trị đầu tiên của trật tự thế trần này. Tình thương và hòa bình là hai thực thể liên kết với nhau. Hòa bình là hậu quả của tình thương".

Sứ điệp còn đi xa hơn nữa, khi ngài viết như sau:

"Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhìn nhận sự cần thiết phải thiết lập hòa bình trên những nền tảng vững chắc hơn, và nền tảng vững chắc đó không nên là hoặc là sự thiếu những liên lạc với nhau để khỏi có chuyện xích mích (bởi vì ngày nay những tương quan liên lạc là điều không thể tránh được), hoặc là nền tảng những tương quan lợi lộc ích kỷ (bởi vì nếu như thế thì những tương quan đó mỏng dòn, không sống lâu được), hoặc là nền tảng những tương quan thuần túy văn hóa và tùy phụ mà thôi (vì những loại tương quan như vậy là con dao hai lưỡi, cho hòa bình mà cũng có thể cho chiến tranh). Hòa bình chân thật cần phải được thiết lập trên công bằng, trên ý thức về phẩm giá con người không thể bị xúc phạm, trên sự nhìn nhận sự bình đẳng không thể xóa được giữa mọi người với nhau, trên chân lý nền tảng tình huynh đệ nhân loại. Nghĩa là trên nền tảng sự kính trọng và yêu thương phải có đối với từng người, bởi vì là con người, bởi vì đó là người anh em, là người anh em tôi, là người anh em của chúng ta".

Từ đoạn trích trên đây, chúng ta nhận thấy tư tưởng về hòa bình của Ðức Phaolô VI đã được quảng diễn rộng thêm. Chúng ta còn nhớ rõ, trước đây trong sứ điệp hòa bình đầu tiên (năm 1968): Ðức Phaolô VI đã nói cần phải xây dựng hòa bình trên những đức tính tinh thần: sự thật, chân thành, công bằng, yêu thương và tự do. Ðến với sứ điệp Hòa bình thứ tư này, Ðức Phaolô VI thêm một điểm mới: đó là xây dựng hòa bình trên sự kính trọng, trên tình thương đối với con người là anh em chúng ta.

Từ điểm mới này, Ðức Phaolô VI đi đến kết luận cho hành động mà mọi người chúng ta đều biết: đó là hãy giáo dục cho những thế hệ mới có được xác tín rằng: mọi người là anh em mình.

Xây dựng cho hòa bình, những ai dấn thân vào công việc này.

Xây dựng cho hòa bình, những ai đưa vào trong dư luận chung ý thức về tình huynh đệ đại đồng.

Xây dựng cho hòa bình, những ai quan niệm không dùng hận thù và tranh chấp để bảo vệ những lợi ích chính trị.

Xây dựng cho hòa bình, những ai dấn thân giúp cho kẻ khác biết khám phá ra sự bình đẳng giữa con người, vượt qua bên kia những khác biệt chủng tộc, thể xác... những ai biết biến đổi trái đất như là trung tâm của những chia rẽ, chống đối, thù hận, trả thù, trở thành môi trường làm việc với cộng tác với nhau để xây dựng sự chung sống dân sự.

Sứ điệp quả quyết mạnh mẽ: "Bởi vì bất cứ ở đâu tình huynh đệ giữa mọi người bị hiểu sai ở gốc rễ của nó thì ở đó hòa bình cũng bị hư hại ở gốc rễ của nó".

Và thưa quý vị, kết thúc sứ điệp hòa bình lần thứ tư năm 1971, Ðức Phaolô VI nhắc lại cho những người Công giáo nhớ lại chân lý nền tảng Ðức Kitô đã dạy, đó là mọi người là anh chị em với nhau, vì cùng có một Cha chung trên trời. Chúng ta, người Công giáo - như sứ điệp nhắc nhở trước - bị cản "không được tiến đến bàn thờ dâng của lễ nếu trước đó chính chúng ta không dẹp bỏ trở ngại bằng việc giao hòa với người anh em" (Mt 5: 23tt). Ðó là điểm thời sự và hết sức quý báu của Ðạo Chúa Kitô, để xây dựng thật sự hòa bình.

Bài giảng trong Thánh lễ ngày Hòa bình Quốc tế mùng 1 tháng giêng năm 1971: "Mọi Người Là Anh Em Tôi"

Trong bài giảng Thánh lễ ngày Quốc tế Hòa bình mùng 01 tháng giêng năm 1971, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã quả quyết: Hòa bình là bổn phận của tất cả mọi người, là bổn phận của những nhà cầm quyền cũng như bổn phận của những người thường dân.

A. Hòa bình, bổn phận của những nhà cầm quyền:

Hơn ai hết, những nhà lãnh đạo chính quyền là những kẻ có bổn phận xây dựng hòa bình, cổ võ cho những mối tương quan yên lành, hòa thuận và hòa bình giữa các dân tộc. Các vị đó là những kẻ quyết định về vận mệnh của các dân tộc, các quốc gia, là những kẻ có trách nhiệm quân bình những lợi ích các quốc gia với nhau, để cổ võ cho hòa bình thế giới. Tại sao phải chiến tranh, phải đổ máu? Ðiều này không phải là văn minh. Nhân loại đã tiến bộ nhiều, đã văn minh, thì càng phải có nhiều phương thế, khác hơn là phương thế chiến tranh, để định đoạt cho những mối tương quan giữa các dân tộc với nhau. Ðức Phaolô VI đã nói tiếp như sau:

"Chúng ta, những kẻ cầm quyền, phải quyết định về những lợi ích của các dân tộc một cách khác, bằng những thương thuyết. Chúng ta phải bảo vệ bằng những phương thế khác, nền công bằng, quyền lợi đúng, và lợi ích hợp pháp, bảo vệ bằng một cách khác, chứ không phải bằng máu và sức mạnh, là điều mà sau đó thường luôn gây ra sự bất công".

Ðó là những lời hết sức thời sự của Ðức Phaolô VI cho những nhà cầm quyền giữ vận mệnh các dân tộc trong tay. Liền sau đó, vì hòa bình là bổn phận của tất cả mọi người, nên Ðức Phaolô VI trình bày tư tưởng của ngài về việc những người thường dân có thể góp phần xây dựng hòa bình. Và đây là tư tưởng thứ hai của bài giảng trong Thánh lễ cử hành trong ngày Quốc tế Hòa bình, mùng 01 tháng giêng năm 1971.

B. Hòa bình, bổn phận của tất cả mọi người thường dân:

Những thường dân, họ không có quyền để quyết định trực tiếp về những lợi ích tối cao của quốc gia. Nhưng họ có quyền hợp pháp và không thể bị chối bỏ được, để đòi hỏi những nhà cầm quyền phải điều hành công việc làm sao, để họ đừng phải khổ đau, đừng phải bị hại do bởi những vũ khí khủng khiếp của chiến tranh. Trong một thể chế dân chủ, người dân có quyền trình bày những nguyện vọng của mình, và do đó, trên vấn đề hòa bình này, người dân cần phải nói rõ cho các nhà cầm quyền biết rằng mình không muốn có chiến tranh, không muốn giết nhau. Ðây là cách thứ nhất, để thực hiện bổn phận xây dựng hòa bình của mọi người thường dân.

Ngoài ra, còn cách thức thứ hai để người dân đóng góp phần xây dựng hòa bình: đó là huấn luyện chính con người mình cho hòa bình. Kính mời quý vị theo dõi đoạn trích sau đây từ chính bài giảng của Ðức Phaolô VI:

"Chúng ta, những người dân, chúng ta cần phải huấn luyện mình, giáo dục mình, cần phải làm lại tâm thức chúng ta, làm lại tâm lý chúng ta. Nhưng thử hỏi các bạn có thật sự sẵn sàng loại bỏ những mối tương quan dựa trên sự đấu tranh, sự hận thù, sự bạo hành hay không? Thử hỏi các bạn có sẵn sàng đứng về phía những người cổ võ hòa bình, và là những người muốn rằng: những lợi ích khác biệt nhau, và đôi khi đối nghịch nhau, không nên được điều chỉnh bằng hận thù, bằng sự đấu tranh, cũng không bằng sức mạnh của bạo lực và của con số, các bạn có sẵn sàng làm như vậy không?

Chúng ta phải giáo dục mình biết nghĩ và muốn như thế. Các bạn hãy nhìn xem, dưới khía cạnh này, chúng ta còn đứng trên nguyên tắc. Tại sao? Bởi vì chúng ta từ lâu đã bị đầu độc do bởi tư tưởng này, là chỉ với sự hận thù, chỉ với bạo lực, chỉ với những con đường thực hành như vậy mà người ta mới có thể thành công làm được một cái gì. Nếu không đi đến những hành động cực đoan, thì người ta không đạt được gì cả. Ðây là một tâm thức cần phải được vượt qua.

Ðiều đau buồn là từ kinh nghiệm, từ sự kiện cụ thể, chúng ta còn thấy những giai cấp ích kỷ, những giai cấp bất động không muốn thay đổi gì cả, họ làm chủ cho mình nhưng không muốn cho đi gì cả, họ muốn dùng sức mạnh và địa vị của họ để khai thác lạm dụng những người khác nhằm làm lợi cho chính họ. Ðây không phải là cách sống dân chủ, cũng không phải cách sống tinh thần xã hội tốt. Lại càng không phải là cách sống tình bác ái mà Chúa đã dạy chúng ta.

Chúa đã dạy chúng ta một sự thật to lớn, tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Thử hỏi chúng ta đã có được được tư tưởng về tình huynh đệ đại đồng này chưa? Câu trả lời là: có và không. Nhiều lần chúng ta đã nói lên tư tưởng này trên môi miệng, vừa nghĩ rằng đó là một điều đẹp đẽ, nhưng có tính cách ảo tưởng, nghĩa là không thể thực hiện được. Là một giấc mơ tốt đẹp nhưng không thực tế, không thể áp dụng trong thực tại. Và như thế, chúng ta cần phải thuyết phục chính bản thân chúng ta, trước khi đi thuyết phục những kẻ khác, rằng tình huynh đệ phải là định luật, là nguyên tắc, là tiêu chuẩn chính cho một tương quan giữa con người với nhau.

"Chúng ta cần phải trở thành - nếu chúng ta chưa là như vậy - người anh em của kẻ khác, và phải quen nhìn thấy nơi gương mặt của người khác như là một tấm gương soi cho chính chúng ta, nhìn thấy nơi những người khác "chính một cái tôi khác" sẵn nơi đó. Chúa đã nói: "Chúng con hãy thương nhau như chính đó là chúng con", nghĩa là chúng ta cần phải đặt vào nơi những kẻ khác tâm tình về nhân cách đang xác định chính nhân cách chúng ta..., nghĩa là nới rộng, là phổ quát hóa nhân cách chúng ta, để sao cho những kẻ khác cũng được đối xử như thể là chính chúng ta muốn được đối xử như vậy. Ðó là Lời Chúa. Ðó là điều cao cả và khó, mà chúng ta phải huấn luyện mình... Khó, nhưng đó là đường lối chính trị cao cả có tính cách nhân bản và Kitô. Chúng ta phải biết nhìn những người khác, không phải như là những người chống đối, không phải như là những kẻ thù của mình, cũng không phải như là những kẻ tranh đua với mình, nhưng như là những người anh em".

Kính thưa quý vị, đọc đến đây, chúng ta nhận ra được tư tưởng nền tảng của sứ điệp hòa bình năm 1971 mà chúng ta đã phân tích trong bài trước: "Mọi người là anh chị em với chúng ta". Và đồng thời chúng ta cũng nhận ra được mối quan tâm to lớn của Ðức Phaolô VI ngay từ những sứ điệp hòa bình đầu tiên, đó là mối quan tâm: cần phải giáo dục con người, cần phải huấn luyện chính bản thân chúng ta cho nó trở thành tốt và biết phục vụ cho hòa bình. Không ai có thể chối bỏ tính cách thật thời sự của những tư tưởng này của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI.

Và thưa quý vị,

kết thúc bài giảng Thánh lễ cử hành ngày Hòa bình Quốc tế mùng 01 tháng giêng năm 1971, Ðức Phaolô VI còn tiến đến một điểm cụ thể quan trọng khác nữa, trong cuộc sống tình huynh đệ đại đồng. Ðó là: sự tha thứ cho nhau. Ðức Phaolô VI đã hỏi: "Chúng ta có đủ sức mạnh để tha thứ cho nhau hay không? Nếu rủi chưa có, thì chúng ta cần phải đạt đến cho mình. Ðặc biệt, Ðức Phaolô VI nhắc những người Kitô hằng ngày đọc Kinh Lạy Cha: "Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con tha kẻ có nợ chúng con". Chúng ta muốn được Chúa tha thứ, thì phải biết tha thứ cho nhau. Chúng ta phải làm sao huấn luyện mình để thành công có được sức mạnh này, sức mạnh của tình thương, sức mạnh của tha thứ, để góp phần xây dựng hòa bình. Một lần nữa, hòa bình bắt đầu từ con tim con người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page