Dung Mạo Hòa Bình
Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 03 -
Sứ điệp Hòa Bình
của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1970:
"Giáo dục mình đón nhận hòa bình, nhờ qua sự hòa giải"
Sứ điệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1970: "Giáo dục mình đón nhận hòa bình, nhờ qua sự hòa giải"
Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)
(RVA News 25-05-1982)
Hôm nay, chúng ta tìm hiểu sứ điệp hòa bình thứ III năm 1970 của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI với chủ đề "Giáo dục mình đón nhận hòa bình, nhờ qua sự hòa giải".
Thoáng đọc qua chủ đề này nhắc chúng ta nhớ lại một tư tưởng đã được Ðức Phaolô VI nhắc đến trong sứ điệp đầu tiên của ngài năm 1968, đó là: "Giáo dục con người là con đường dẫn đến hòa bình".
Cả hai sứ điệp này cùng nói đến việc giáo dục con người, nhưng có một điểm khác biệt, đó là: trong sứ điệp hòa bình đầu tiên, năm 1968, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói đến việc giáo dục chung, việc huấn luyện những đức tính tinh thần con người, như sự thành thật, công bằng, tình thương và tự do, để tạo ra một tâm thức mới đón nhận và xây dựng hòa bình. Trong sứ điệp hòa bình năm 1970 mà giờ đây chúng ta phân tích, Ðức Phaolô VI đặc biệt chú ý đến khía cạnh đặc thù trong việc giáo dục con người, đó là việc giáo dục con người biết hòa giải với nhau, biết tha thứ cho nhau, để cùng nhau xây dựng, duy trì và kiện toàn hòa bình. Do đó chúng ta nhận thấy là càng ngày Ðức Phaolô VI càng quảng diễn rộng rãi hơn tư tưởng của ngài về hòa bình.
Và khi quả quyết hai việc giáo dục này, tức là giáo dục con người có được những đặc tính tinh thần nói chung và giáo dục con người biết hòa giải với nhau, để xây dựng, phát triển hòa bình. Ðức Phaolô VI có hai nhận định căn bản sau đây về hòa bình và về con người:
1. Về hòa bình: Ðức Phaolô VI nhìn về hòa bình như là một trật tự linh động, một trật tự cần được bồi dưỡng luôn luôn, không bao giờ nằm trong trạng thái tỉnh, bất động vì đã được hoàn toàn rồi, nhưng luôn luôn tiến tới trật tự càng ngày càng kiện toàn hơn. Ðó là khía cạnh luôn luôn tiến tới của hòa bình, mà Ðức Phaolô VI đã không ngừng nhắc đi nhắc lại trong những sứ điệp hòa bình đã qua. Hơn nữa, khi dùng danh từ trật tự, Ðức Phaolô VI không muốn chúng ta hiểu lầm "trật tự" theo nghĩa là một tình trạng trật tự bất động, nên ngài nói vội với chúng ta là cần phải hiểu "danh từ trật tự", trong quan niệm trật tự hòa bình ở đây, theo ý nghĩa linh động như một tác động của con người xây dựng trật tự. Do đó, trật tự ở đây là một trật tự linh động, luôn luôn được bồi dưỡng. Ðức Phaolô VI đã viết như sau trong sứ điệp hòa bình năm 1970:
"Chúng ta sẽ hiểu lầm câu định nghĩa thời danh của Thánh Augustinô gọi "hòa bình là trật tự trong yên hàn" (Tranquillitas Ordinis), nếu chúng ta có một quan niệm trừu tượng về trật tự, nếu chúng ta không biết rằng trật tự của con người là một tác động hơn là một tình trạng. Trật tự đó tùy thuộc vào lương tâm và vào ý chí của người sáng tạo ra nó và vui hưởng nó, hơn là tùy thuộc vào những hoàn cảnh cổ võ cho nó. Và vì thật sự là một trật tự của con người, nên nó luôn luôn được kiện toàn thêm, nghĩa là luôn luôn được khai sinh và được tiến bộ, nghĩa là nó hệ tại trong một linh động tiến bộ... "Hòa bình không phải là một bình diện đã được đạt đến rồi dừng lại đó, nhưng là một bình diện càng ngày càng cao hơn, mà tất cả và từng người chúng ta cần phải hướng đến".
2. Từ nhận định căn bản trên đây về hòa bình, như là một trật tự của con người, cần được bồi dưỡng luôn luôn, Ðức Phaolô VI đưa tiếp thêm nhận định căn bản của ngài về con người, đó là: con người là một hữu thể cần được kiện toàn luôn luôn, cần được giáo dục để trở nên tốt hơn. Con người không là một hữu thể đã hoàn toàn, nhưng là một hữu thể có tốt có xấu, và do đó, cần được giáo dục để thắng bớt cái xấu và phát triển cái tốt. Công việc giáo dục này đi song đôi với công việc xây dựng hòa bình. Hòa bình luôn luôn được liên kết với con người. Hòa bình nằm trong tim con người, trước khi được thể hiện ra bên ngoài trong những biến cố, trong những trật tự bên ngoài. Ðây là tư tưởng được Ðức Phaolô VI lặp lại nhiều lần.
Và đến đây, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Giáo dục con người đạt đến cái gì đây.
Trong sứ điệp hòa bình thứ nhất (năm 1968), câu trả lời là: Giáo dục con người có những đức tính tinh thần cần thiết cho hòa bình, như thành thật, công bằng, tình thương và tự do.
Sứ điệp hòa bình năm 1970 này trả lời bổ túc thêm: Cần giáo dục con người biết yêu thương, biết tha thứ và nhất là biết hòa giải với nhau.
Một ý thức hệ đang lan tràn ngày nay là cổ vũ sự đấu tranh giữa con người. Ý thức hệ này khó dẫn đưa con người đến hòa bình. Cần phải thay thế ý thức hệ đó bằng ý thức hệ tình thương. Con người phải tranh đấu nhưng là tranh đấu cho tình thương, tranh đấu với những tật xấu của mình, để "con người đừng là con chó sói cho con người nữa".
Và thưa quý vị, đến đây Ðức Phaolô VI ngỏ lời đặc biệt với người Kitô, với người Công giáo, nhắc họ nhớ lại bổn phận đặc biệt, đó là: "Giáo dục con người biết thương yêu nhau, hòa giải với nhau, tha thứ cho nhau". Ðức Phaolô VI nhắc đến giáo huấn của Chúa Giêsu và mẫu gương của Người. Và nhất là Lời Chúa Giêsu đặt trong môi miệng chúng ta mỗi lần cầu nguyện: "Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".
Ðức Phaolô VI thôi thúc người Kitô, vào cuối sứ điệp của ngài như sau:
"Rao giảng Phúc Âm của sự tha thứ xem ra là một điều phi lý đối với đường lối chính trị nhân loại. Bởi vì trong cách cư xử tự nhiên sự công bằng thường không cho phép làm như vậy. Nhưng trong cách xử sự Kitô, nghĩa là siêu nhiên, thì đó không phải là điều phi lý. Ðó là điều khó, nhưng không phải là điều phi lý".
Hãy biết tha thứ, hãy biết hòa giải với nhau, để xây dựng và phát triển hòa bình. Ðó là sứ điệp đầy thời sự của Ðức Phaolô VI cho thời đại chúng ta. Một sứ điệp khó thực hiện nhưng không phải là sứ điệp phi lý. Và người Kitô có sức mạnh của Chúa Kitô để thực hiện sứ điệp này.
Bài Giảng trong Thánh Lễ ngày Hòa Bình Quốc Tế mùng 1 tháng giêng năm 1970: "Hòa Bình Là Một Bổn Phận của con người"
Kính thưa qúy vị, trong bài giảng Thánh lễ ngày Hòa bình Quốc tế, ngày mùng 01 tháng giêng năm 1970, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nhấn mạnh lại một lần nữa hòa bình là một bổn phận của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ là bổn phận của những nhà cầm quyền, những kẻ có trách nhiệm chính trị quốc gia và quốc tế.
Và nói là một bổn phận, thì cũng có nghĩa là hòa bình đòi hỏi một sức mạnh tinh thần, một cố gắng của con người, để chu toàn điều mà con người thường tự nhiên không thích làm. Do đó, hòa bình là một sức mạnh, chứ không phải là một sự yếu hèn.
Và nói là một bổn phận của tất cả mọi người, mỗi người đều có trách nhiệm góp phần xây dựng hòa bình, thì cũng có nghĩa là hòa bình trước khi là một chính trị, một chính sách bên ngoài, hòa bình phải là một tinh thần nằm tận trong từng người. Ðức Phaolô VI đã nói như sau:
"Phải, hòa bình là bổn phận của các thủ lãnh quốc gia, nhưng không phải chỉ là bổn phận của những kẻ đó không mà thôi. Mọi xã hội, được tổ chức một cách dân chủ, thì phân phối quyền hành và bổn phận cho tất cả mọi thành phần của cộng đoàn. Và giả như không được như thế, thì cũng vẫn đúng thật. Hòa bình là bổn phận của tất cả mọi người, bởi vì hòa bình không chỉ ngự trị trong chính trị mà thôi, mà còn có mặt trong biết bao là những phạm vi nhỏ khác nữa, là những phạm vi mà trong thực hành cũng kêu gọi tinh thần trách nhiệm của chính cá nhân chúng ta và cũng bởi vì hòa bình có được nguồn mạch tác động của nó trong những tư tưởng, trong những tâm hồn, trong những định hướng luân lý, trước khi được có mặt trong những sinh hoạt bên ngoài.
"Hòa bình, trước khi là một nền chính trị, là một tinh thần; trước khi được biểu lộ, hoặc chiến thắng hay bị đánh bại, trong những thăng trầm của lịch sử hay trong những tương quan xã hội, thì được biểu lộ, được thành hình, được quyết định trong những lương tâm, trong nền triết lý sự sống, mà từng người chúng ta cần phải tạo ra cho chính mình, như là ngọn đèn soi những bước tiến của mình, trên những ngả đường thế gới và trong những biến cố của kinh nghiệm... Và chính vì thế, thưa anh chị em và các con, hòa bình đòi hỏi sự giáo dục".
Kính thưa quý vị, qua đoạn trích trên, chúng ta nhận thấy tư tưởng về hòa bình của Ðức Phaolô VI vẫn còn luôn trung thành với quả quyết lúc ban đầu, đó là hòa bình bắt đầu trước hết trong con tim, trong tinh thần con người, của từng người trước khi được thể hiện, được xây dựng trong trật tự, những biến cố bên ngoài. Và chính vì thế mà cần phải có sự giáo dục. Ðây là cái nhìn căn bản của Ðức Phaolô VI về hòa bình.
Tiếp sau đó, Ðức Phaolô VI kêu gọi hãy nhổ bỏ khỏi con tim con người những gốc rễ của những thành kiến tệ hại, chẳng hạn như thành kiến dùng sức mạnh và sự trả thù như là tiêu chuẩn định đoạt những tương quan giữa con người với nhau, thành kiến mắt đền mắt, răng thế răng, thành kiến cho rằng ích lợi cá nhân phải vượt trên những lợi ích của kẻ khác, mà không thèm đếm xỉa gì đến những nhu cầu của kẻ khác và đến quyền lợi chung... Ðức Thánh Cha Phaolô VI nói tiếp như sau:
"Cần phải đặt vào tận gốc rễ tâm lý chúng ta sự đói khát công chính, cùng với sự mưu tìm hòa bình, đáng làm cho chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa".
Và sau cùng, Ðức Phaolô VI, trong bài giảng ngày mùng 01 tháng giêng năm 1970, đã kêu gọi mọi người Công giáo hãy cầu nguyện. Và chính ngài đã đặt ra và đọc lời cầu nguyện như sau:
Lời cầu nguyện của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI cho hòa bình thế giới:
"Lạy Chúa, chúng con còn có những đôi tay đẫm máu trong những trận chiến vừa qua, vì thế mà giờ đây tất cả các dân tộc chưa thể bắt tay nhau trong tình huynh đệ.
Lạy Chúa, ngày nay chúng con đã được vũ trang thật nhiều đến độ chưa từng có như vậy từ những thế kỷ đầu cho đến ngày nay, và chúng con có đầy những phương tiện giết chóc, có sức mạnh đến độ trong chốc lát có thể đốt cháy trái đất này và có lẽ cũng hủy diệt nhân loại nữa.
Lạy Chúa, chúng con đã xây dựng sự tiến bộ và thịnh vượng của nhiều nền kỹ nghệ khổng lồ của chúng con, trên khả năng quỷ quái chế tạo những vũ khí đủ loại, những vũ khí hoàn toàn nhằm giết hại và hủy diệt những con người là anh chị em chúng con, như thế, chúng con đã ổn định thế quân bình tàn bạo của nền kinh tế của rất nhiều cường quốc, trên việc buôn bán vũ khí cho những nước nghèo, đang thiếu thốn những dụng cụ cày bừa, những trường học và những nhà thương.
Lạy Chúa, chúng con đã để xuất hiện lại trong chúng con những ý thức hệ, làm cho con người trở thành kẻ thù của nhau: đó là ý thức hệ say mê làm cách mạng, hận thù giai cấp, kiêu ngạo quốc gia, độc tôn chủng tộc, tranh chấp bộ lạc, những ích kỷ trong nền mậu dịch, những tinh thần cá nhân chủ nghĩa chỉ nghĩ đến vui hưởng cho mình và lãnh đạm với những nhu cầu của kẻ khác.
Lạy Chúa, mỗi ngày chúng con lo âu và cảm thấy mình bất lực khi nghe được những tin tức về ba trận chiến, còn đang tiếp diễn trên thế giới.
Lạy Chúa, đúng vậy, chúng con không tiến bước đúng cách.
Dù vậy, lạy Chúa, xin hãy nhìn đến những cố gắng của chúng con, những cố gắng không tương xứng, nhưng là những cố gắng chân thành, để phục vụ cho hòa bình thế giới. Ðã có những cơ quan đáng phục và có tầm mức quốc tế, đã có những đề nghị giảm bớt vũ khí và thương thuyết.
Lạy Chúa, đã có quá nhiều mồ người chết làm se thắt con tim, có quá nhiều những gia đình bị bẻ gãy vì chiến tranh, vì những cuộc xung đột, vì những đàn áp, đã có quá nhiều người đàn bà phải khóc than, nhiều trẻ em phải chết, nhiều người tị nạn và người bị tù phải ngã gục dưới gánh nặng cô đơn và đau khổ, và có rất nhiều người trẻ nổi dậy ngõ hầu nền công bằng được thăng tiến,và sự đồng tâm được trở thành như là quy luật cho những thế hệ tương lai.
Lạy Chúa, Chúa biết rõ, còn có những tâm hồn tốt lành, đang làm điều tốt trong thinh lặng một cách can đảm, vô vị lợi, và đang cầu nguyện với tâm hồn thống hối, với con tim trong sạch. Lạy Chúa, còn nhiều người Kitô, và rất nhiều trong thế giới, muốn sống theo Phúc Âm Chúa, và chấp nhận sống hy sinh và yêu thương.
Lạy Chúa, là Chiên Thiên Chúa, Ðấng gánh tội trần gian, xin ban cho chúng con bình an. Amen.