Dung Mạo Hòa Bình

Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 02 -

Sứ điệp Hòa Bình

của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1969:

"Cổ Võ Nhân Quyền Là Con Ðường Dẫn Ðến Hòa Bình"

 

Sứ điệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1969: "Cổ Võ Nhân Quyền Là Con Ðường Dẫn Ðến Hòa Bình"

Biên soạn: Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)

(RVA News 21-05-1982)

Hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến sứ điệp hòa bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI cho năm 1969. Sứ điệp này bàn đến ba điểm chính sau đây:

1. Sự cần thiết phải có hòa bình. Chiến tranh giết nhau là điều phi lý.

2. Cổ võ nhân quyền là con đường dẫn đến hòa bình.

3. Hòa bình, đối với người Kitô, là một cái gì sâu xa hơn, phong phú hơn.

Trở lại điểm thứ nhất: Sự cần thiết của hòa bình và cái phi lý của chiến tranh. Chúng tôi kính mời quý vị lắng nghe đoạn trích sau đây từ sứ điệp hòa bình năm 1969:

"Tất cả những gì thế giới ngày nay đang bàn đến, về sự phát triển những tương quan quốc tế, về sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc, về nhiều quốc gia mới được tự do và độc lập, về những cố gắng mà nền văn minh đang thực hiện để thiết lập một trật tự pháp lý duy nhất và có tính cách quốc tế, về những tai họa khủng khiếp không lường trước được trong trường hợp có xảy ra những cuộc xung đột vũ trang, về tâm lý của con người ngày nay ao ước được sung túc an lành và ao ước có những nhu cầu cần thiết liên quan nhân bản phổ quát, về tiến bộ của công việc đại kết, về tiến bộ trong sự kính trọng những tự do cá nhân và xã hội của nhau, tất cả những điều đó thuyết phục chúng ta rằng hòa bình là một điều lợi ích tối thượng của đời sống con người trên mặt đất, là một lợi ích hàng thứ nhất, là một khát vọng chung, một lý tưởng xứng đáng với nhân loại đang làm chủ chính mình và làm chủ thế giới, là một sự cần thiết để duy trì những thành quả đã đạt được và để đạt thêm những thắng lợi mới, là một định luật căn bản để lưu truyền trao đổi tư tưởng, văn hóa, kinh tế, nghệ thuật là một đòi hỏi không bao giờ có thể hủy bỏ được trong cái nhìn về những vận mạng của con người...

"Trở lại sử dụng chiến tranh, giết chóc là một điều phi lý đối với ai biết suy nghĩ về những bài học mà lịch sử trong quá khứ đã dạy chúng ta...".

Ðó là đoạn trích từ sứ điệp hòa bình năm 1969. Và không có gì rõ hơn để nói lên cho chúng ta biết về sự cần thiết phải có hòa bình.

Ðiểm thứ hai của sứ điệp hòa bình năm 1969 là: cổ võ nhân quyền là con đường dẫn đến hòa bình.

Trong hai bài trước, chúng tôi đã nhấn mạnh trên viễn tượng "hướng nội" của Ðức Phaolô VI khi ngài nói về hòa bình. Trong sứ điệp đầu năm 1968, và cả trong sứ điệp năm 1969 này nữa, Ðức Phaolô VI chưa thấy cần phải định nghĩa hòa bình là gì; nhưng ngài đã quả quyết trước hết cần phải tìm hòa bình ở đâu, tức là ở trong tâm hồn con người, và phải tìm xây dựng hòa bình trên những nền tảng nào, đó là bốn đức tính tinh thần: thành thật, công bằng, thương yêu và tự do. Chính khi quả quyết như thế, Ðức Phaolô VI đã không rơi vào cái nhìn trừu tượng, duy linh, lý tưởng về hòa bình. Ngài đã không chối là hòa bình cần phải được thể hiện trong trật tự bên ngoài. Nhưng ý ngài muốn nói ở đây, là đề ra một trật tự phải theo khi xây dựng hòa bình cho con người: đó là phải ưu tiên bắt đầu trong con tim con người trước, rồi sau đó mới đi đến việc xây dựng hòa bình trong những biến cố bên ngoài. Ngài đã nói rõ trong sứ điệp hòa bình năm 1969 như sau: "Hòa bình trước hết cần phải có mặt trong các tâm hồn, ngõ hầu sau đó có mặt trong các biến cố.' Và khi được thể hiện ra bên ngoài, hòa bình lúc đó có thể được gọi là "trật tự", một trật tự công bằng và linh động, và nói là "linh động" vì trật tự đó cần được xây dựng, bồi bổ luôn mãi.

Chính vì thế, theo chúng tôi nghĩ, trong sứ điệp hòa bình năm 1969 này, Ðức Phaolô VI đã bước tới một bước trong diễn tiến mô tả về dung mạo của hòa bình: đó là giai đoạn mô tả hòa bình trong sự thể hiện bên ngoài, trong các biến cố. Và Ðức Phaolô VI đã chọn đề tài cho sứ điệp năm 1969 như sau: "Cổ võ những nhân quyền là con đường dẫn đến hòa bình". Sự chọn lựa này trùng hợp với dịp mừng giáp 20 năm ngày công bố Hiến Chương Nhân Quyền vào năm 1969. Ðức Phaolô VI đã quả quyết: "Hòa bình ngày nay được mật thiết liên kết với việc nhìn nhận trên nguyên tắc những quyền con người và đồng thời với việc thiết lập trong thực hành những quyền lợi đó".

Mối tương quan giữa hòa bình và nhân quyền đã được Ðức Phaolô VI mô tả như sau:

"Ngõ hầu được bảo đảm cho con người có được quyền sống, quyền tự do, bình đẳng, quyền có văn hóa, quyền hưởng những lợi ích của văn minh, quyền có phẩm giá cá nhân và xã hội, (ngỏ hầu bảo đảm cho con người những quyền lợi đó), thì cần phải có hòa bình. Ở đâu mà hòa bình bị mất thế đứng quân bình của nó và mất đi sự hữu hiệu của nó, thì ở đó những nhân quyền trở thành mỏng dòn và bị hư hại; ở đâu mà không có hòa bình, thì ở đó quyền lợi mất đi dung mạo nhân bản của nó.

Ngược lại, ở đâu mà không có sự kính trọng, bảo vệ, cổ võ những quyền lợi của con người - ở đâu mà có bạo hành, ở đâu mà người ta không biết đến hoặc hạ thấp nhân cách con người, ở đâu mà người ta thực thi kỳ thị, bắt người khác làm nô lệ, và không bao dung - thì ở đó không thể nào có được hòa bình thật. Bởi vì hòa bình và nhân quyền là hai yếu tố có ảnh hưởng lẫn trên nhau. Hòa bình làm ích cho quyền lợi, và đến phiên mình quyền lợi cổ võ cho hòa bình".

Nhưng khi quả quyết: Cổ võ nhân quyền là con đường dẫn đến hòa bình, Ðức Phaolô VI đã không muốn nói đó là con đường duy nhất. Bởi vì, như chúng ta đã thấy, trước đó trong sứ điệp năm 1968, Ðức Phaolô VI đã kêu gọi hãy giáo dục con người, hãy giáo dục tinh thần hòa bình cho con người, để xây dựng hòa bình. Nói cách khác, giáo dục là con đường dẫn đến hòa bình. Cổ võ nhân quyền và giáo dục, đó là những con đường dẫn đến hòa bình. Như thế, chúng ta thấy Ðức Phaolô VI đã quảng diễn tư tưởng của mình rộng thêm một bậc nữa. Và khi quả quyết: "cổ võ nhân quyền là con đường dẫn đến hòa bình", Ðức Phaolô VI đã không quên nhắc đến con đường thứ nhất mà ngài đã nói trong sứ điệp 1968, là con đường giáo dục. Thật vậy, sứ điệp hòa bình năm 1969 còn nói lên những ý nghĩa sau:

"Lý trí, chứ không phải sức mạnh, lý trí phải quyết định về vận mạng của các dân tộc... Hòa bình cần phải là một kết quả của luân lý, hòa bình cần phải được phát xuất từ những tinh thần tự do và quảng đại".

Ðến đấy, Ðức Phaolô VI nhắc nhở mỗi người Kitô đừng rơi vào trong sai lầm chỉ nhìn hòa bình một cách hời hợt bên ngoài, chỉ thuần túy trên phương diện quy pháp, quyền lợi bên ngoài. Và dừng lại ở đây. Không, cần phải tiến thêm nữa: Hòa bình đối với người Kitô, phải mang một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, huyền nhiệm hơn nữa. Nó là sự "sung mãn thiêng liêng, là sự sung mãn ơn cứu rỗi" cho chính con người. Ðây là tư tưởng thứ ba và cũng là cuối cùng của sứ điệp hòa bình năm 1969. Ðức Phaolô VI đã viết như sau:

"Ðối với chúng ta, những người Kitô, hòa bình không chỉ là sự quân bình bên ngoài, một trật tự pháp lý, một toàn bộ tổng hợp những tương quan công và theo kỷ luật. Ðối với chúng ta, hòa bình trước hết là kết qủa của việc thực hiện ý định khôn ngoan và đầy tình thương, bởi đó Thiên Chúa đã muốn thiết lập những tương quan siêu nhiên với nhân loại. Hòa bình là hậu quả đầu tiên của chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, là một hồng ân sau đó trở thành mẫu mực sống cho người Kitô...

Hòa bình của Chúa Kitô thêm vào phẩm giá tự nhiên làm con người trên mặt đất, một phẩm giá mới làm con cái Thiên Chúa, thêm vào sự bình đẳng tự nhiên giữa con người một tình huynh đệ Kitô. Hòa bình của Chúa Kitô trao ban trợ lực cho sự không đủ sức của con người trong việc tạo ra một nền hòa bình vững mạnh và lâu bền. Hòa bình của Chúa Kitô thôi thúc thực hiện một đường lối chính trị của tình thương, thay cho nền chính trị gạt gẫm của sự kiêu ngạo muốn có uy quyền và lợi lộc vật chất".

Thưa quý vị, đó là nội dung của sứ điệp hòa bình năm 1969 của Ðức Phaolô VI. Ðó là điều người Kitô phải sống và là đề tài suy nghĩ cho mọi người thiện chí.

Bài giảng của Ðức cố giáo hoàng Phaolô VI trong Thánh lễ ngày Hòa bình Quốc tế, mùng 01 tháng giêng năm 1969: "Hòa Bình Là Gì"

Hôm nay, chúng ta tìm hiểu bài giảng của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI vào chính ngày cử hành Hòa bình Quốc tế, mùng 01 tháng giêng năm 1969. Trước ngày hòa bình quốc tế lần thứ hai năm 1969 này, Ðức Phaolô VI đã cho phổ biến sứ điệp hòa bình với đề tài "Cổ võ những nhân quyền là con đường dẫn đến hòa bình", mà chúng ta đã cùng nhau phân tích trong bài trước.

Như chúng tôi đã nhận xét, trong những bài trước, Ðức Phaolô VI chưa nhắc đến việc định nghĩa hòa bình là gì? Giờ đây, trong bài giảng ngày mùng 01 tháng giêng năm 1969, Ðức Phaolô VI định nghĩa về hòa bình, hay nói đúng hơn, quảng diễn rộng rãi hơn định nghĩa cổ điển về hòa bình, vừa nhấn mạnh đến tính cách linh động, cần luôn được bồi dưỡng của hòa bình. Ðiều mới mẻ đáng chúng ta chú ý trong lối giải thích của Ðức Phaolô VI về hòa bình, đó là việc ngài chú ý nhiều đến tính cách linh động, từ từ được xây dựng, của hòa bình.

Dưới đây là những điểm chính của bài giảng của Ðức Phaolô VI:

Trước hết, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI nhắc lại định nghĩa hay đúng hơn là hai câu nói cổ điển diễn tả bản chất của hòa bình:

Câu nói thứ nhất, được trích trong tập sách mang tên "De Civitate Dei" (Bàn về Thành của Thiên Chúa) của Thánh Augustinô, tại đoạn 19, câu 13: Hòa bình là Tranquillitas Ordinis - tạm dịch Hán Việt là "Trật tự yên hàn", liền sau đó, Ðức Phaolô VI thêm chú giải của ngài: "đây là một thứ trật tự linh động (dynamique), chứ không phải là trật tự bất động, cứng cỏi.

Câu nói thứ hai, được trích trong Kinh Thánh, sách Tiên tri Isaia đoạn 32, câu 17: "Opus Justitiae, Pax" nghĩa là "Hòa bình là thành quả của công bằng".

Trong cả hai câu nói này, bản chất của hòa bình được liên kết với quan niệm về Trật tự, về Công bằng. Và cả hai đều gói ghém tính cách linh động, từ từ được xây dựng, được bồi dưỡng luôn mãi của hòa bình.

Giờ đây chúng ta hãy xem Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI giải thích thế nào về định nghĩa trên đây về hòa bình. Hay nói đúng hơn, hãy xem Ðức Phaolô VI giải thích tính cách linh động của trật tự, được gọi là hòa bình đó, như thế nào.

Ðức Phaolô VI đã hiểu trật tự đó trên ba bình diện:

1. Bình diện cá nhân: trật tự nội tâm trong chính bản thân con người.

2. Bình diện giữa những cá nhân với nhau: trật tự giữa mọi người với nhau trong xã hội.

3. Bình diện các quốc gia với nhau: trật tự phổ quát giữa các quốc gia với nhau.

Trước hết, khía cạnh thứ nhất: hòa bình xét như là trật tự nội tâm trong chính bản thân con người.

Trong những bài trước, chúng tôi đã thường nhấn mạnh đến viễn tượng trong đó Ðức Phaolô VI nhìn về hòa bình, và chúng tôi đã nói là Ðức Phaolô VI có cái nhìn hướng nội về hòa bình, nghĩa là ngài đã đặt hòa bình trước hết nằm trong tim con người, rồi sau đó mới được thể hiện ra bên ngoài trong những biến cố. Giờ đây, trong cách thức nhìn về trật tự hòa bình trong ba bình diện, và bắt đầu trước hết với bình diện trong chính từng cá nhân, thì một lần nữa, chúng ta nhận thấy Ðức Phaolô VI vẫn luôn trung thành với viễn tượng hướng nội về hòa bình.

Trật tự hòa bình trong chính cá nhân con người cũng còn được Ðức Phaolô VI gọi bằng danh từ khác, đó là "Sự an bình trong lương tâm" của cá nhân. Sự an bình trong lương tâm, mọi người đều có kinh nghiệm, khi tất cả mọi khả năng của hữu thể được hoạt động trong trật tự.

Khía cạnh thứ hai: Hòa bình, xét như là trật tự giữa những cá nhân với nhau.

Ðể có trật tự này cần loại bỏ những tranh chấp, những ích kỷ, những nhu cầu đối nghịch nhau để nhường chỗ cho sự liên kết tự do và công bằng, những vai trò bổ túc cho nhau, cho sự chia rẽ những trách nhiệm và những lợi ích chung, cho sự cộng tác huynh đệ và đồng lòng với nhau.

Trong bài giảng Thánh lễ ngày hòa bình quốc tế mùng 01 tháng giêng năm 1969, Ðức Phaolô VI đã không dừng lại lâu trên hai khía cạnh vừa nói. Ngài chú ý nhiều và quảng diễn rộng rãi hơn khía cạnh thứ ba của trật tự hòa bình, đó là trật tự giữa các quốc gia với nhau.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã mô tả trật tự hòa bình giữa các quốc gia bằng những yếu tố như sau: sự chung sống với nhau, sự hòa hợp với nhau, sự bổ túc cho nhau, sự liên kết với nhau. Kế đó, Ðức Phaolô VI nhắc đến điều đang đối nghịch lại trật tự hòa bình giữa các quốc gia, đó là những xung đột hiện có giữa các quốc gia. Ðức Phaolô VI đã mong ước sao cho những xung đột đang xảy ra vào năm 1969 lúc đó, được giải quyết, không phải bằng bạo lực gây chết chóc, nhưng bằng những phương thế phù hợp với lý trí. Ðức Phaolô VI còn tiến xa hơn nữa, ngài mong muốn sao, trong khi giải quyết những tranh chấp đó, mọi phe phái phải biết duy trì đúng quyền lợi, điều lợi ích và danh dự, của những cộng đồng nhân loại, một cách quân bình, điều độ và công bằng, có thể là với vài hy sinh của cả hai bên nhưng không được hy sinh mạng người, vì những người này đôi khi không biết gì, cũng không có trách nhiệm gì về những lý do đã gây ra xung đột, và cũng không được phung phí những năng lực và những phương tiện, trong khi mà phần lớn nhân loại còn đang thiếu sự cần thiết để sống.

Ðằng khác, khi nhìn về trật tự hòa bình, trên cả ba bình diện: cá nhân, xã hội và quốc tế, với những xung đột của nó, thì người ta không thể nào không đồng ý với Ðức Phaolô VI rằng: hòa bình là một điều khó, hòa bình là cần thiết, hòa bình là mỏng dòn và hòa bình là một điều từ từ được xây dựng, được bồi dưỡng. Hòa bình là một điều trong trạng thái linh động, cần được "sinh ra và phát triển" luôn mãi, chứ không ở trong trạng thái tỉnh, dừng lại một chỗ. Trật tự hòa bình giữa các quốc gia đã có mặt trong lịch sử con người, nhưng trong nhiều hình thức khác nhau, từ hình thức cổ sơ nhất, là hình thức sống xa nhau, không để ý gì đến nhau, không va chạm gì với nhau (đây là hình thức thời xưa, đông tây xa cách, chứ ngày nay thì không thể được nữa), rồi đến hình thức "tạm thời ngưng tranh chấp, nhưng sự tranh chấp vẫn còn nằm âm ỉ đó". Rồi đến hình thức được gọi là quân bình các lực lượng, nhưng sẵn sàng dùng đến sức mạnh để tấn công hay để bênh vực. Rồi có hình thức liên minh liên kết chia thành từng khối... Tất cả những hình thức trên này, đều là những hình thức không hoàn toàn của trật tự hòa bình.

Và khi quả quyết rằng trật tự hòa bình là điều từ từ được xây dựng, Ðức Phaolô VI cũng lưu ý chúng ta rằng, đây không phải là điều tự nó được từ từ xây dựng, không thể nào tự nhiên mà có hòa bình. Nhưng rằng hòa bình là "kết quả của một sự biến đổi luân lý của nhân loại". Hòa bình đòi phải có một sự rèn luyện tư tưởng, tập tành nhân đức, huấn luyện tâm lý, xây dựng pháp luật. Chính vì thế mà sự giáo dục là con đường cần thiết để đi đến hòa bình.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI kết luận bài giảng bằng lời kêu gọi người Công giáo hãy tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Kitô với con người, để nâng con người lên làm con cái Thiên Chúa, và dạy chúng ta biết nhìn nhận một cách hữu hiệu những quyền lợi con người, nhất là ở đâu mà những quyền lợi đó bị hạ nhục, bị đàn áp. Cần phải tiến đến việc nhìn nhận những quyền lợi đó nhờ qua đức bác ái, đã được Thánh Thần đổ tràn vào trong lòng người tin vào Chúa Kitô. Ðó là cách mới mẻ, và quý báu mà người Công giáo có trách nhiệm phải sống.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page