Dung Mạo Hòa Bình

Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 01 -

Sứ điệp Hòa Bình

của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1968:

"Giá Phải Trả Cho Hòa Bình"

 

Sứ điệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1968: "Giá Phải Trả Cho Hòa Bình"

Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)

(RVA News 20-05-1982)

1. Lời Nói Ðầu

Chính Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đặt ra ngày quốc tế cầu nguyện cho hòa bình, vào ngày mùng 01 tháng giêng hằng năm. Ngày thế giới hòa bình đầu tiên là ngày 01 tháng giêng năm 1968.

Vào mỗi dịp cử hành, Ðức Giáo Hoàng thường gửi đến toàn thể Giáo Hội và thế giới một sứ điệp hòa bình, theo một chủ đề đặc biệt.

Chúng tôi xin được nhắc lại đây 16 chủ đề của 16 sứ điệp hòa bình từ năm 1968 tới năm 1983 như sau:

1. Năm 1968: "Giá phải trả cho hòa bình"

2. Năm 1969: "Những quyền lợi của con người là con đường dẫn đến hòa bình"

3. Năm 1970: "Giáo dục cho hòa bình, nhờ sự hòa giải"

4. Năm 1971: "Mọi người là anh em tôi"

5. Năm 1972: "Nếu muốn có hòa bình, hãy dấn thân cho công bằng"

6. Năm 1973: "Hòa bình là điều có thể có được"

7. Năm 1974: "Hòa bình cũng tùy thuộc ở bạn"

8. Năm 1975: "Sự hòa giải, con đường dẫn đến hòa bình"

9. Năm 1976: "Những vũ khí thật sự của hòa bình"

10. Năm 1977: "Nếu muốn có hòa bình, hãy bênh vực sự sống"

11. Năm 1978: "Hãy nói không với bạo lực, và vâng với hòa bình"

12. Năm 1979: "Ðể đạt đến hòa bình, hãy giáo dục cho hòa bình"

13. Năm 1980: "Sự thật, sức mạnh của hòa bình"

14. Năm 1981: "Tự do, sức mạnh của hòa bình"

15. Năm 1982: "Hòa bình, quà tặng của Thiên Chúa cho con người"

16. Năm 1983: "Ðối thoại để xây dựng hòa bình, đó là một thách thức cho thời đại chúng ta"

Trong sứ điệp đầu tiên cho ngày quốc tế hòa bình lần thứ nhất, năm 1968, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói rõ: dù sáng kiến thiết lập ngày quốc tế hòa bình đến từ phía Giáo Hội Công giáo, nhưng Giáo Hội Công giáo không nhìn ngày đó như là ngày riêng biệt của mình. Giáo Hội, vì muốn phục vụ nên đã đề ra sáng kiến này với hy vọng là được mọi người, mọi tầng lớp xã hội dân sự hưởng ứng và tham gia cử hành. Sứ điệp hòa bình của Ðức Giáo Hoàng vì thế không những chỉ ngỏ lời với toàn thế thể những người Công giáo, nhưng còn với tất cả những người thiện chí, những ai yêu chuộng Hòa Bình.

Sứ điệp Hòa Bình năm 1968: "Giá Phải Trả Cho Hòa Bình"

Kính thưa quý vị, trong chuyến công du mục vụ vừa tại Bồ Ðào Nha, khi dâng thế giới cho Ðức Mẹ tại Fatima, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến những nguy cơ trầm trọng đang đe dọa nền hòa bình thế giới. Trong loạt bài này, chúng tôi muốn trình bày cùng quý vị một dung mạo của hòa bình, như nó được quan niệm, được mô tả trong những sứ điệp hòa bình của các vị Giáo Hoàng thời đại chúng ta, từ Ðức Phaolô VI, người sáng lập ra ngày hòa bình thế giới, vào mỗi ngày mùng 01 tháng giêng hằng năm, cho đến Ðức Ðương Kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trước hết, Ðức Phaolô VI đã nhắc con người nhớ lại bốn nguy cơ đang hăm dọa hòa bình:

1. Nguy cơ thứ nhất: sự ích kỷ được thắng thế trong những mối tương quan giữa các quốc gia với nhau.

2. Nguy cơ thứ hai: vài dân tộc bị thu hút muốn dùng bạo lực, vì họ đã bị thất vọng, khi thấy quyền lợi của mình không được nhìn nhận và kính trọng.

3. Nguy cơ thứ ba: người ta càng ngày càng có khuynh hướng dùng đến những vũ khí có tầm tàn sát khủng khiếp mà hiện các cường quốc đang có trong tay.

4. Nguy cơ thứ tư: người ta có tâm trạng nghĩ rằng những tranh chấp quốc tế không thể nào được giải quyết bằng những con đường của lý trí, nghĩa là bằng những thương thuyết dựa trên công pháp, trên công bằng, nhưng chỉ bằng những sức mạnh hăm dọa và giết chóc.

Kế đến, nói một cách tích cực hơn, Ðức Phaolô VI mời những con người "khôn ngoan, mạnh mẽ" hãy dấn thân hoạt động cho một nền hòa bình thật, một nền hòa bình công bằng, trong sự chân thành nhìn nhận những quyền lợi của con người, và nhìn nhận sự độc lập của từng quốc gia.

Hòa bình không thể được căn cứ trên những lời nói suông và thật hay ho, chúng có thể thu hút người ta lúc đó - vì ai ai cũng khao khát hòa bình - nhưng thật ra, chúng chỉ là những lời khoa trương bên ngoài, để che đậy những tâm tình và những hành động bực tức gây hấn hay mưu mô lợi lộc riêng, hoặc để che đậy đừng cho người ta thấy sự trống rỗng, sự thiếu vắng tinh thần muốn có hòa bình.

Một câu hỏi được đặt ra: vậy thì, khi muốn nói về hòa bình, thì phải làm sao, để chúng đừng là những lời nói suông bên ngoài?

Ðức Phaolô VI đã đề ra những điều kiện. Chúng tôi xin trích lại nguyên văn một đoạn từ sứ điệp hòa bình năm 1968 như sau:

"Người ta cũng không thể nói về hòa bình một cách hợp lý, danh chính ngôn thuận, ở đâu mà người ta không nhìn nhận và không kính trọng những nền tảng vững chắc của hòa bình, đó là sự thành thật, nghĩa là sự công bằng và tình thương trong những tương quan giữa các quốc gia, và trong một quốc gia, giữa những người dân với nhau và giữa người dân với chính quyền của họ. Rồi ra, còn phải có tự do, sự tự do cho cá nhân cũng như sự tự do cho những dân tộc, trong tất cả mọi khía cạnh của nó, dân sự, văn hóa, luân lý và tôn giáo".

Từ lời trích dẫn trên đây, chúng ta thấy Ðức Phaolô VI đã đề ra những điều kiện cho hòa bình, đó là: thành thật, công bằng, tình thương và tự do. Ðó là những đức tính của tinh thần.

Thiếu bốn điều kiện này, thiếu bốn đức tính này thì không thể nào có hòa bình, mặc dù người ta có thể dùng sức mạnh đàn áp để tạo ra một tình trạng trật tự bên ngoài, nhưng vẫn luôn luôn còn những mầm mống nổi loạn và chiến tranh, mà người ta không thể nào dập tắt được.

Cuối cùng, đối chiếu những điều vừa nói với hoàn cảnh của thế giới vào năm 1968 lúc đó, Ðức Phaolô VI công nhận là con đường dẫn đến hòa bình thật sự thì còn xa, bởi vì cần thời gian để tạo ra một tâm thức, một tinh thần mới nơi tất cả mọi người. Ở đây chúng ta có thể nói là Ðức Phaolô VI có cái nhìn hướng nội về hòa bình, nghĩa là ngài quan niệm hòa bình được xây dựng trên những đức tính tốt của tinh thần (đặc biệt bốn đức tính đã được nhắc đến trên đây: thành thật, công bằng, tình thương và tự do), chứ không phải trên sức mạnh áp đặt bên ngoài vũ khí. Và cần đến sự giáo dục để có được những đức tính đó. Chính vì thế mà vào cuối sứ điệp hòa bình năm 1968, Ðức Phaolô VI đã kêu gọi hãy dấn thân "giáo dục những thế hệ mới" biết kính trọng nhau, sống tình huynh đệ và cộng tác với nhau. Cần phải giáo dục con người biết yêu chuộng hòa bình, biết xây dựng hòa bình và biết bảo vệ hòa bình. "Cần phải khơi dậy nơi con người thời đại chúng ta và nơi những thế hệ tương lai một ý thức và một tình thương đối với nền hòa bình được xây dựng trên sự thật, công bằng, tự do và tình thương."

Thật không có gì thời sự hơn những lời vừa trích của Ðức Phaolô VI về nền hòa bình cho con người ngày nay.

Bài giảng của Ðức cố giáo hoàng Phaolô VI trong Thánh lễ ngày Hòa bình Quốc tế đầu tiên mùng 1 tháng giêng năm 1968: "Hòa bình là một điều khó"

Ngày hôm nay chúng tôi lưu ý điểm này: đó là trong sứ điệp hòa bình đầu tiên năm 1968, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhận định về hòa bình, theo cái nhìn mà chúng tôi tạm gọi là "cái nhìn hướng nội", nghĩa là Ðức Phaolô VI đã đặt hòa bình trên nền tảng những đức tính của tinh thần như: sự thật, công bằng, tình thương và tự do, chứ không phải trên sức mạnh đàn áp bên ngoài, hay trên sức mạnh của vũ khí. Chính vì thế mà lúc kết thúc sứ điệp, Ðức Phaolô VI đã kêu gọi hãy dấn thân giáo dục con người, giáo dục nên một tinh thần, một tâm thức mới, để xây dựng và bảo vệ hòa bình.

Mười một năm sau đó, tức là năm 1979, Ðức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dành sứ điệp hòa bình năm 1979 với đề tài: "Ðể đạt đến hòa bình, cần phải giáo dục cho hòa bình", để quảng diễn rộng rãi hơn khía cạnh đã được Ðức Phaolô VI đề ra trong sứ điệp hòa bình năm 1968.

Hôm nay, chúng tôi chưa bàn ngay đến sứ điệp năm 1979 về việc giáo dục cho hòa bình. Với bài này, trong loạt bài về dung mạo hòa bình, chúng tôi muốn bàn thêm một khía cạnh nhỏ, nhưng cũng quan trọng, và đi liền với đề tài trên đây, đó là:

Hòa bình, chính vì nó được đặt nền tảng trên những đức tính tinh thần, mà con người có được nhờ qua công việc giáo dục, nên hòa bình là một điều khó, nhưng có thể thực hiện được.

Ðây là nội dung của bài giảng của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thánh lễ cử hành ngày hòa bình đầu tiên, do chính ngài lập ra, ngày mùng 01 tháng giêng năm 1968. Bài giảng này đi kèm và bổ túc cho sứ điệp hòa bình mà chúng tôi đã phân tích trong bài trước.

Nhân dịp này, chúng tôi muốn nhắc lại cách thức Giáo Hội Công giáo hay đúng hơn, vị thủ lãnh Giáo Hội Công giáo, là Ðức Giáo Hoàng cử hành ngày hòa bình thế giới. Ðó là, vào trước ngày hòa bình thế giới, trong khoảng chừng từ một tháng đến sáu tháng, Ðức Giáo Hoàng ban hành một sứ điệp, được gọi là "Sứ Ðiệp Hòa Bình", để phổ biến trong toàn thể Giáo Hội cũng như gửi đến những cơ quan quốc tế, những nhóm người hay những người thiện chí, nhằm kêu gọi suy tư về hòa bình hay thức tỉnh ý thức về hòa bình. Chẳng hạn như sứ điệp hòa bình năm 1968 đã được phổ biến vào ngày 08 tháng 12 năm 1967. Rồi việc thứ hai là vào chính ngày Hòa Bình Thế Giới, mùng 01 tháng giêng, Ðức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình, với bài giảng được hướng về chủ đề hòa bình. Thông thường thì bài giảng này đi đôi và bổ túc cho tư tưởng đã được trình bày trong sứ điệp hòa bình đã được phổ biến trước đó, cho ngày cử hành này. Do đó, mỗi năm, về ngày hòa bình thế giới, Ðức Giáo Hoàng luôn có hai bài: Sứ điệp hòa bình và bài giảng trong Thánh lễ đúng vào ngày hòa bình.

Trong bài hôm nay, như đã nói trên đây, chúng tôi muốn phân tích bài giảng của Ðức Phaolô VI trong Thánh lễ hòa bình ngày mùng 01 tháng giêng năm 1968 để bổ túc thêm những gì đã được nói trong bài trước đã được phát thanh.

Trước hết, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI quả quyết rằng hòa bình là một điều khó.

Trong sứ điệp hòa bình, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nêu lên bốn nguy cơ hăm dọa hòa bình: 1. Sự ích kỷ trong những mối tương quan giữa các quốc gia; 2. Sự muốn dùng đến bạo lực; 3. Khuynh hướng muốn dùng đến những vũ khí tàn sát khủng khiếp; 4. Tâm trạng cho rằng chỉ có thể giải quyết những tranh chấp bằng bạo lực. Trong bài giảng này, Ðức Phaolô VI tiến thêm một bước nữa, bằng cách nêu ra những nguyên do cản trở hòa bình, nằm tận trong thâm tâm con người, trong viễn tượng "cái nhìn hướng nội" về hòa bình của ngài. Sau đây chúng tôi xin đọc đoạn trích từ bài giảng của ngài:

"Quả thật, hòa bình là một điều rất khó, bởi vì, mặc cho những tuyên bố về ý định ngay lành, trước khi hòa bình có mặt trong những biến cố và trong những hoàn cảnh bên ngoài, thì hòa bình cần phải có mặt trong những tâm hồn con người, là nơi đang hiện diện sự ích kỷ, kiêu ngạo, mơ ước quyền thế và thống trị, ý thức hệ độc tôn, tinh thần gây hấn, nổi loạn cùng với sự khao khát trả thù và giết chóc".

Qua những lời vừa trích, chúng ta thấy rõ những khó khăn ngăn cản hòa bình là những tâm tình, những ý tưởng mà Ðức Phaolô VI đã gọi là "vô nhân" nằm sẵn trong tim con người. Chính vì thế mà hòa bình là điều khó thực hiện.

Dù khó thực hiện, hòa bình không phải là một ảo tưởng, nhưng là một điều có thể thực hiện được. Ðức Phaolô VI, cũng chính trong bài giảng này, đã đưa ra bốn lý do hy vọng có thể có hòa bình như sau:

1. Hòa bình có thể có được, vì con người, cuối cùng vẫn có bản tính tốt, hướng về lý trí, về trật tự và công ích.

2. Hòa bình là điều có thể có được, vì nó nằm sẵn trong con tim của những con người mới, của những người trẻ, của những người nhìn thấy con đường của văn minh.

3. Hòa bình là điều có thể có được, vì có những tiếng nói càng ngày càng tha thiết hơn yêu cầu cho có hòa bình, đó là tiếng nói của những con cái chúng tôi, tiếng nói của những nạn nhân những cuộc xung đột, những kẻ bị thương, những người tị nạn, những kẻ có của cải bị tàn phá, những người mẹ đang khóc vì mất con, của những người vợ đang khóc vì mất chồng, những tiếng nói của những người đã ngã gục, tất cả đều cầu khẩn phải có hòa bình.

4. Vì Chúa Kitô đã đến trong thế gian, đã công bố tình huynh đệ đại đồng và đã giảng dạy tình yêu thương.

Ðó là bốn lý do giúp hy vọng hòa bình là điều có thể được.

Cuối cùng bài giảng được kết thúc bằng lời cầu nguyện thống thiết cho hòa bình, được chính Ðức Phaolô VI sáng tác như sau:

"Lạy Cha là Thiên Chúa của hòa bình,

Cha đã dựng nên con người và hằng yêu thương săn sóc, để thừa hưởng vinh quang Cha.

Chúng con chúc tụng và cảm tạ Cha, vì đã sai Chúa Giêsu, Con rất yêu dấu Cha, đến với chúng con. Trong Mầu Nhiệm Phục Sinh, con đã biến Người trở nên người thợ xây dựng ơn cứu rỗi, nguồn mạch hòa bình và mối dây liên kết mọi tình huynh đệ.

Chúng con cảm tạ Cha vì những ước muốn, những cố gắng, những thực hiện mà Chúa Thánh Thần Hòa Bình của Cha đã khơi dậy trong thời đại chúng con.

Ðể thay thế hận thù bằng yêu thương, thay thế ngờ vực bằng thông cảm, lãnh đạm bằng tình liên đới tương trợ lẫn nhau.

Xin Cha hãy mở rộng tinh thần và con tim chúng con hơn nữa, trước những đòi hỏi cụ thể của tình thương yêu tất cả mọi người là anh chị em chúng con, ngõ hầu chúng con luôn trở thành nhiều hơn nữa những người xây dựng hòa bình.

Lạy Cha nhân từ, xin hãy nhìn đến tất cả những ai đang cực nhọc, đau khổ và phải chết, để khai sinh một thế giới huynh đệ hơn. Ước gì Nước Cha, nước của công bằng, của hòa bình và tình thương được đến với tất cả mọi người thuộc mọi ngôn ngữ. Ước gì trái đất được tràn đầy vinh quang của Cha. Amen.

Kính thưa quý vị,

Chúa Kitô là người xây dựng ơn cứu rỗi, là nguồn mạch ban hòa bình, là mối dây nối kết mọi tình huynh đệ. Thời đại chúng ta đang khao khát hòa bình. Và hòa bình đang bị đe dọa. Nhưng chúng ta vẫn tin tưởng, vì có Chúa đang hoạt động trong con tim, trong tinh thần của con người, để biến đổi con người biết sống tình anh chị em với nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page