Dung Mạo Hòa Bình
Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Bài diễn văn đầu tiên
của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
trước ngoại giao đoàn:
"Ý Nghĩa Phục Vụ Của Giáo Hội Ðối Với Nhân Loại"
Bài diễn văn đầu tiên của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trước ngoại giao đoàn: "Ý Nghĩa Phục Vụ Của Giáo Hội Ðối Với Nhân Loại"
Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)
(RVA News 24-10-1978)
Bài diễn văn đầu tiên của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong buổi tiếp các phái đoàn ngoại giao bên cạnh Tòa Thánh, ngày 20 tháng 10 năm 1978 về "Ý nghĩa phục vụ của Giáo Hội đối với nhân loại"
Lời giới thiệu:
Ngày 20 tháng 10 năm 1978, trong buổi tiếp các phái đoàn ngoại giao bên cạnh Tòa Thánh, sau khi vừa mới lên ngôi Giáo Hoàng, để đáp từ những lời cầu chúc của vị đại sứ Cộng hòa Guatemala, vị niên trưởng ngoại giao đoàn, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đọc bài diễn văn sau đây về "Ý nghĩa phục vụ của Giáo Hội đối với nhân loại", bài diễn văn bao hàm tính cách rất quan trọng trước những vấn đề quốc tế hiện tại. Do đó chúng tôi xin truyền thanh bản dịch từ nguyên văn bằng Pháp ngữ của đặc phái viên Ðông Pháp từ La Mã gửi về.
Bài diễn văn của Ðức Thánh Gia Gioan Phaolô II:
Kính thưa quý vị, quý bà và quý ông,
Tôi rất xúc động vì những ngôn ngữ, những lời nguyện chúc quảng đại mà vị đại diện vừa mới trình bày. Tôi được biết đã có những mối giao hảo đượm nhiều quý mến và tín nhiệm nhau giữa Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và mỗi nhiệm sở ngoại giao bên cạnh Tòa Thánh. Tạo được bầu hòa khí đó là nhờ có sự thông cảm kính cẩn và hào hiệp của vị đại Giáo Hoàng tiền nhiệm đó đã ý thức về trách nhiệm của mình đối với nền công ích giữa các dân tộc, nhất là nhờ những lý tưởng cao đẹp ngài vẫn theo đuổi trong vấn đề hòa bình và phát triển. Vị tiền nhiệm gần nhất của tôi, Ðức Gioan Phaolô I, cách đây chưa đầy 2 tháng, khi tiếp kiến quý vị cũng đã khởi mào những mối giao hảo tương tự như thế, và mỗi người trong quý vị còn ghi nhớ những câu nói, đầy vẻ khiêm tốn, ân cần và rất nhiều ý nghĩa mục vụ mà chính tôi cũng xin hoàn toàn tán đồng. Hôm nay, gánh trên vai cũng một trọng trách mà được quý vị tỏ bày, cũng một niềm tin, một sự phấn khởi, quả thật là tôi rất cảm quý và tri ân quý vị vì những cảm tình mà qua bản thân tôi quý vị vẫn một mực trung kiên dành cho Tòa Thánh.
Trước hết, đứng ở chỗ này, tôi giang tay tiếp đón từng vị một, từng quốc gia, từng dân tộc mà quý vị đại diện. Ðúng thế, nếu phải có một nơi ở đó hết mọi dân tộc phải chung vai sát cánh trong hòa bình, ở đó gặp thấy sự tôn trọng, mối thịnh tình, niềm nguyện ước chân thành cho họ có phẩm giá, có hạnh phúc, có tiến bộ, nơi đó chính là giữa lòng Giáo Hội, ở bên cạnh Tòa Thánh, nơi đã được thiết lập để làm chứng cho chân lý, cho tình thương của Chúa Kitô.
Tôi xin gửi niềm quý mến và những lời nguyện chúc đến hết mọi người, đến từng quý vị, tùy theo hoàn cảnh của quý vị, trong buổi họp mặt hôm nay quả thực là có đại diện không những các chính phủ, mà còn đại diện hết mọi xứ sở, hết mọi dân tộc. Trong số các dân tộc, có những "dân tộc cũ" đã có cả một quá khứ phong phú, một lịch sử hào hùng, một truyền thống, một văn hóa riêng biệt. Còn có những dân tộc mới vừa xuất hiện gần đây, họ có những khả năng lớn lao để thực hiện, hay là khả năng còn đang nung nấu và đang hình thành.
Giáo Hội bao giờ cũng ao ước tham gia vào cuộc sống và cộng tác vào việc phát triển các dân tộc và các quốc gia. Giáo Hội vẫn từng công nhận những nguồn phong phú riêng biệt xưa nay tiềm tàng trong các nền văn hóa khác nhau, lịch sử khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Trong nhiều trường hợp, Giáo Hội đã đóng góp một phần đặc biệt trong công cuộc thành lập các nền văn hóa này. Giáo Hội vẫn quan niệm và còn tiếp tục xác tín rằng: trong nền bang giao quốc tế cần phải tôn trọng những quyền lợi của mỗi dân tộc.
Riêng tôi, xuất phát từ một trong các dân tộc đó, ngày nay được kêu gọi lên kế vị thánh Phêrô để phục vụ Giáo Hội và phục vụ các dân tộc, tôi sẽ cố gắng minh chứng cho mỗi dân tộc sự tôn quý mà họ có quyền trông đợi. Quý vị có nhiệm vụ hồi âm những lời nguyện chúc nồng hậu này tới các chính phủ và các người đồng hương của quý vị. Ở đây tôi xin thêm rằng: bài học lịch sử của quê hương tôi, đã dạy cho tôi biết phải tôn trọng những giá trị đặc biệt của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, tôn trọng truyền thống và quyền lợi của họ giữa cộng đoàn thế giới.
Trong tư thế người tín hữu, hơn nữa trong cương vị Giáo Hoàng, hiện tôi đang chứng minh và sẽ còn chứng minh thái độ này, minh chứng tình thương tất cả, nghĩa là dành cho tất cả mọi người một mối hòa hiệp như nhau, nhất là với những ai đang chịu thử thách.
Ðã là liên hệ ngoại giao thì cố nhiên cũng là liên hệ bền bỉ, liên hệ hỗ tương, theo lễ nghi phong nhã, kín đáo, thành thực. Không có lẫn lộn quyền hạn nhau, nhưng tôi chủ trương rằng: liên hệ ngoại giao không nhất thiết phải có nghĩa là tán đồng chế độ này hay chế độ khác - cái đó không xét tới - cũng không cần có nghĩa là tán đồng hết mọi hành vi của chế độ, trong khi chế độ thực thi công vụ. Nhưng liên hệ ngoại giao có nghĩa là thẩm định các giá trị tích cực của thời gian, là có thiện chí đối thoại với những vị có thẩm quyền đang mưu đồ công ích trong xã hội, là thông cảm cái chức vụ rất nhiều khi khó khăn của họ, là lưu tâm và giúp đỡ họ trong những chương trình có tính cách nhân loại mà họ đang quyết tâm thi hành. Thực thi các mục tiêu nói trên có lần bằng cách can thiệp trực tiếp, nhất là bằng cách huấn luyện lương tâm con người, bằng cách cộng tác đặc biệt để xây dựng công lý và hòa bình thế giới. Hành động như thế, Tòa Thánh không muốn vượt ra ngoài vai trò mục vụ của mình. Phải lo lắng thực hiện mối quan tâm của Chúa Kitô, khi thi hành nghĩa vụ chính yếu của mình là mưu tìm sự cứu rỗi nhân loại, làm sao Tòa Thánh lại có thể lơ là không lo đến nền công ích và cuộc tiến phát của các dân tộc ở trần gian này?
Ðàng khác, Giáo Hội và đặc biệt là Tòa Thánh yêu cầu các quốc gia của quý vị, các chính phủ của quý vị hãy lưu tâm đến một số nhu cầu, không phải là Tòa Thánh màng tư lợi cho mình, nhưng là hợp tác với hàng Giám Mục địa phương để mưu ích cho giáo dân, cho những tín hữu hiện sống trong các quốc gia, họ không xin ân huệ riêng biệt, nhưng theo lý công bình họ yêu cầu cần được sống theo tín ngưỡng của họ, được bảo toàn tôn giáo và là những công dân chân chính, họ phải được chấp nhận vào tham gia đầy đủ đời sống xã hội. Hành động như thế, Tòa Thánh còn có ý bênh hộ con người, dù họ là ai đi nữa, là vì quyền tự do, sự tôn trọng mạng sống và nhân phẩm con người không bao giờ có thể quan niệm như một dụng cụ, sự đối xử công bằng, lương tâm nghề nghiệp trong việc làm và cộng tác mưu tìm công ích, tinh thần hòa giải, cởi mở tâm hồn đón nhận những giá trị siêu nhiên: Ðấy là những đòi hỏi căn bản cho một nếp sống hòa hợp trong xã hội, cho sự cải tiến nhân sinh và cho nền văn minh của toàn dân. Thực ra, những mục tiêu sau cùng mới kể trên đây thường được nêu lên trong chương trình hoạt động của những người mang trách nhiệm. Nhưng không phải chỉ nêu lên là đã đạt tới hiệu quả, và tất cả những phương tiện thực thi đâu có hiệu nghiệm bằng nhau. Còn có rất nhiều khổ cực vật chất, tinh thần: là vì tại còn có sự hững hờ, ích kỷ, mù quáng và chai đá của con người.
Giáo Hội muốn dự phần làm giảm bớt những khổ cực này với những phương tiện hòa bình của mình, nghĩa là qua hoạt động chân chính của giáo dân và của những người có thiện chí tạo nên một nền giáo dục luân lý. Hành động như thế, có thể là đôi khi Giáo Hội không được thông cảm, nhưng Giáo Hội xác tín rằng mình đã đem lại một dịch vụ mà nhân loại không thể bỏ qua. Giáo Hội vẫn trung thành với vị Hiền sư và vị Cứu tinh của mình là Chúa Kitô.
Chính theo chiều hướng đó mà tôi ao ước bảo toàn và phát triển những dây liên lạc thân hữu và ích lợi với tất cả những dan tộc mà quý vị đại diện. Tôi xin để lời cổ võ quý vị trong chức vụ cao cả mà quý vị đang đảm nhiệm, cổ võ nhất là các chính phủ của quý vị trong công trình đi tìm kiếm thêm công lý, thêm hòa bình trong sự cảm thông đúng nghĩa với quốc dân đồng bào, trong tinh thần hiểu biết và cởi mở đối với mọi dân tộc khác. Trên con đường thăng tiến này, xin Thiên Chúa soi chiếu cho quý vị, thêm sức cho quý vị, cũng như soi chiếu và thêm sức cho tất cả những ai mang trên mình những trọng trách. Sau cùng xin Thiên chúa chúc lành cho từng dân tộc của quý vị.
(RVA News 24-10-1978)