Quy Chế Tổng Quát

Sách Lễ Rôma

Canh tân theo nghị quyết của Công Ðồng Chung Vaticanô II

công bố theo lệnh Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI

hiệu đính dưới sự chỉ đạo của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô - năm 2002

Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009


Tông Hiến Công Bố Sách Lễ Rôma

 

Tông Hiến công bố Sách Lễ Rôma

được canh tân theo nghị quyết của Công đồng Chung Vaticanô II

Phaolô Giám Mục tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa, để muôn đời ghi nhớ

 

Sách lễ Rôma đã được Vị Tiền nhiệm của chúng tôi là thánh Piô V công bố năm 1570, theo nghị quyết của Công đồng Trentô1. Không ai lại không công nhận đó là một trong nhiều kết quả và là những kết quả lợi ích lạ lùng Công đồng này đã đem lại cho toàn thể Hội Thánh Chúa Kitô. Qua bốn thế kỷ, không những các linh mục nghi lễ Latinh, đã coi sách lễ này như quy luật để cử hành hy lễ Thánh Thể, mà cả những sứ giả rao giảng Tin Mừng, cũng đã du nhập sách lễ đó vào hầu hết mọi đất nước. Ngoài ra, muôn vàn người rất thánh thiện đã tìm được của ăn dồi dào hơn hầu nuôi dưỡng lòng đạo đức của mình đối với Thiên Chúa nhờ những những bài đọc Sách Thánh, những lời kinh rút ra từ Sách lễ này mà phần lớn đã được thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả sắp xếp lại theo một thứ tự nhất định.

Nhưng từ thời đó, sự chuyên cần học hỏi cổ võ cho Phụng vụ thánh đã bắt đầu lớn mạnh hơn trong dân Kitô giáo. Theo ý kiến Ðức Piô XII, vị Tiền nhiệm đáng kính nhớ của chúng tôi, chính sự chuyên cần học hỏi cổ võ cho Phụng vụ này đã xuất hiện như dấu chỉ tỏ rõ ý muốn của Chúa quan phòng đối với con người thời đại, cũng như một việc Chúa Thánh Thần đến viếng thăm mang luồng gió cứu độ đến cho Hội Thánh. Vì thế đã rõ là phải duyệt lại một phần những công thức trong Sách lễ Rôma và thêm vào đó những điều khác cho phong phú hơn. Cũng chính vị Tiền nhiệm của chúng tôi đã khởi sự làm công việc này khi ngài cải tổ Nghi thức Ðêm Vọng Phục sinh và Tuần Thánh. Như vậy xem ra ngài đã đặt bước đầu cho việc thích ứng Sách lễ Rôma cho hợp với tâm thức mới của thời đại ngày nay.

Mới đây, khi công bố Hiến chế Thánh Công đồng, (Sacrosanctum Concilium), Công đồng Chung Vaticanô II đã đặt nền móng cho việc canh tân Sách lễ Rôma cách tổng quát. Công đồng ấn định rằng: trước hết Các bản văn và nghi lễ phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ hơn những điều thiêng thánh chúng biểu thị, rồi Nghi thức Thánh lễ phải được duyệt lại sao cho thấy rõ ý nghĩa của từng phần, cũng như sự liên kết giữa các phần với nhau, cũng để việc tham dự cách sốt sắng và tích cực của các tín hữu được dễ dàng hơn. Cũng thế, phải mở rộng hơn nữa kho tàng Thánh Kinh, để bàn tiệc lời Chúa dọn ra cho các tín hữu được dồi dào hơn và sau cùng phải soạn một nghi thức đồng tế mới đưa vào Sách Nghi thức Giám mục và Sách lễ Rôma.

Tuy nhiên, đừng tưởng rằng việc canh tân Sách lễ Rôma đã được thực hiện cách ngẫu nhiên: Chắc chắn những tiến bộ trong các môn học về Phụng vụ đạt được từ bốn thế kỷ gần đây đã dọn đường cho công việc canh tân này. Vì chưng, nếu sau Công đồng Trentô, công việc tra cứu các cổ bản của thư viện Vaticanô và các cổ bản khác thu thập được từ khắp nơi, đã giúp ích không nhỏ cho việc duyệt lại Sách lễ Rôma, như thánh Giáo Hoàng Piô V, vị Tiền nhiệm của chúng tôi đã nói trong Tông huấn Ngay từ đầu (Quo primum), thì sau đó, một đàng những nguồn tài liệu phụng vụ rất cổ đã được tìm thấy và đưa ra ánh sáng, một đàng các công thức phụng vụ của Hội Thánh Ðông phương được nghiên cứu kỹ hơn, khiến nhiều người đã mong ước rằng không nên để cho sự phong phú cả về giáo lý lẫn lòng đạo như thế bị chôn vùi trong bóng tối các thư viện, nhưng ngược lại, phải đưa chúng ra ánh sáng hầu soi sáng và dưỡng nuôi tâm trí và linh hồn các Kitô hữu.

Nay để trình bày cơ cấu mới của Sách lễ Rôma ít là trong những nét đại cương, trước hết chúng tôi xin lưu ý rằng, Bản Quy chế Tổng quát được dùng như bài tựa của sách, sẽ đưa ra những quy luật mới về việc cử hành hy lễ Thánh Thể, cả về các nghi lễ phải giữ, cả về phận vụ riêng của mỗi thành phần tham dự, cả về lễ phục và nơi chỗ cần thiết cho việc cử hành phụng vụ.

Phải coi điểm mới mẻ chính yếu của việc cải tổ nằm trong kinh nguyện Thánh Thể, như người ta thường gọi. Mặc dầu, trong nghi lễ Rôma, phần đầu của kinh này, tức kinh Tiền tụng, suốt nhiều thế kỷ đã tiếp nhận những công thức khác nhau; tuy nhiên, phần sau, thường gọi phần Lễ Qui, thì từ thế kỷ thứ IV và V đã mặc một hình thức không thay đổi. Ðang khi đó, trái lại, thì các nền phụng vụ Ðông phương đã tiếp nhận những công thức khác nhau trong chính các kinh nguyện Thánh Thể mà người ta thường gọi là kinh Tiến dâng (Anaphora). Giờ đây, ngoài việc kinh nguyện Thánh thể được thêm nhiều kinh Tiền tụng, một phần trích từ truyền thống xa xưa của Hội Thánh Rôma, một phần mới được soạn thảo lần đầu, vừa để trình bày rõ hơn những khía cạnh riêng biệt của mầu nhiệm cứu độ, vừa để nêu lên những lý do khác biệt và phong phú cho việc tạ ơn Chúa, chúng tôi còn ấn định cho soạn thêm 3 kinh nguyện Thánh Thể mới. Tuy nhiên, vì những lý do được coi là lý do mục vụ và để cho việc đồng tế diễn ra cách dễ dàng hơn, chúng tôi đã truyền giữ y nguyên như nhau những lời của Chúa trong tất cả các kinh nguyện Thánh Thể. Như thế, chúng tôi muốn rằng trong bất cứ kinh nguyện Thánh Thể nào cũng phải đọc những lời như sau khi truyền phép bánh: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con, và khi truyền phép rượu: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Còn những lời Ðây là mầu nhiệm đức tin rút ra từ mạch văn gồm những lời của Chúa Kitô và do linh mục đọc được coi như mở đường cho lời tung hô của các tín hữu.

Còn về Nghi thức Thánh lễ, các lễ nghi theo bản chất vẫn giữ y nguyên, nhưng đã được sửa lại cho đơn giản hơn. Nghĩa là loại bỏ những gì theo thời gian đã được thêm vào như thể lặp lại hai lần hay thêm vào nhưng không ích lợi bao nhiêu, nhất là những gì liên quan tới lễ nghi dâng bánh rượu, lễ nghi bẻ bánh và hiệp lễ.

Thế rồi, cũng lấy lại ít nhiều lễ nghi theo tiêu chuẩn ban đầu thời các Giáo phụ mà nay đã bị thời gian làm cho mai một đi, chẳng hạn bài giảng, lời nguyện chung, tức lời nguyện tín hữu, và nghi thức thống hối hay nghi thức hòa giải với Thiên Chúa và anh em ở đầu lễ. Cần phục hồi giá trị cho nghi thức này như nó phải có.

Ngoài ra, theo lệnh truyền của Công đồng Chung Vaticanô II, trong khoảng một số năm nhất định, phải đọc cho dân chúng nghe phần quan trọng của Thánh Kinh, nên toàn bộ các bài đọc trong các Chúa nhật phải sắp xếp thành chu kỳ 3 năm. Vả lại, trong bất cứ ngày lễ kính nào, trước khi đọc Thánh thư và Tin Mừng, cũng đọc một bài khác, trích từ Cựu ước hoặc sách Tông đồ công vụ, nếu là mùa Phục sinh. Cách thức trên đây làm sáng tỏ hơn tiến trình liên tục của mầu nhiệm cứu độ, là tiến trình được lời mạc khải của Thiên Chúa chứng thực. Phần quan trọng của Thánh Kinh đã được đọc cho các tín hữu trong những ngày lễ kính, một số rất lớn các bài đọc Thánh Kinh thuộc các phần khác của các Sách Thánh sẽ được đọc trong những ngày thường.

Tất cả được sắp đặt như vậy để càng ngày càng thúc đẩy các tín hữu khao khát lời Chúa hơn, và nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dân giao ước mới như bị thúc bách đi đến chỗ làm cho Hội Thánh được hoàn toàn hợp nhất. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nhờ sắp xếp như vậy, linh mục và các tín hữu sẽ chuẩn bị tâm hồn mình cách thánh thiện hơn để tham dự bữa tiệc của Chúa, đồng thời khi suy niệm Thánh Kinh cách sâu rộng hơn, càng ngày họ càng được lời Chúa nuôi dưỡng dồi dào hơn. Sau hết, sẽ phát sinh ra hiệu quả này đúng như Công đồng Vaticanô II đă nhắc bảo, là Thánh Kinh được mọi người coi như nguồn suối bất tận cho đời sống thiêng liêng, như luận chứng chính yếu để truyền đạt giáo lư Kitô giáo, và cuối cùng, như cốt tủy cho bất cứ việc giảng dạy thần học nào.

Tuy nhiên, trong việc duyệt lại Sách lễ Rôma lần này, không phải chỉ có ba phần được thay đổi như chúng tôi vừa nói trên, đó là kinh nguyện Thánh Thể, Nghi thức Thánh lễ và Sách mục lục các bài đọc; mà cả các phần khác của Thánh lễ cũng được duyệt lại và sửa đổi nhiều: đó là phần về các mùa, phần về các Thánh, phần chung về các Thánh, các lễ có nghi thức riêng và các lễ ngoại lịch như quen gọi. Trong các lễ trên đây đã có một sự lưu ý đặc biệt nào đó đến các lời nguyện: không những tăng thêm số, để những lời nguyện mới đáp ứng được những nhu cầu mới của thời đại, nhưng cũng có những lời nguyện xa xưa nhất được sửa lại cho trung thành với các bản văn cũ. Do đó các ngày trong tuần của những mùa chính yếu, như mùa Vọng, Giáng sinh, mùa Chay và Phục sinh, đều có lời nguyện khác nhau cho mỗi ngày.

Lại nữa, mặc dù bản văn trong sách Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma (Graduale Romanum) đã không thay đổi, ít là về bài hát, nhưng để dễ hiểu hơn, cả thánh vịnh đáp ca, mà thánh Augustinô và thánh Lêô Cả thường nhắc tới, cả ca nhập lễ và ca hiệp lễ phải dùng trong các Thánh lễ đọc, đã được sửa lại khi cần thiết.

Sau cùng, do những gì chúng tôi vừa trình bày về Sách lễ Rôma mới, bây giờ thấy cũng phải bó buộc và thực hiện đôi điều. Khi thánh Giáo Hoàng Piô V, vị Tiền nhiệm của chúng tôi, công bố ấn bản chính của Sách lễ Rôma, ngài đã trình bày cho dân Kitô giáo sách lễ đó như một phương thế thống nhất Phụng vụ và như một bằng chứng của nền phụng tự chính thống và thánh thiện trong Hội Thánh. Chúng tôi cũng không làm khác, mặc dù theo lệnh Công đồng Vaticanô II, chúng tôi đã đưa vào Sách lễ Rôma mới những thay đổi và những thích nghi chính đáng, tuy nhiên chúng tôi vẫn tin tưởng rằng các Kitô hữu sẽ đón nhận sách lễ này như một khí cụ giúp chứng minh và củng cố sự hiệp nhất mọi người với nhau, vì nhờ sách lễ này, từ bao nhiêu ngôn ngữ khác biệt, một lời cầu nguyện duy nhất của mọi người, như làn hương thơm tho, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế của chúng ta và trong Chúa Thánh Thần, được dâng lên Cha trên trời.

Với tông hiến này, những gì chúng tôi đã quy định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30 tháng 11 sắp tới, tức là từ Chúa nhật I mùa Vọng.

Chúng tôi muốn rằng những quyết định và những lệnh truyền của chúng tôi, từ bây giờ và sau này phải được coi là vững chắc và có hiệu lực, bất chấp những Tông hiến và những chỉ thị Tông Tòa các vị Tiền nhiệm của chúng tôi đã ban hành mà trái với Tông hiến này, nếu có, kể cả những quy định khác, mặc dù đáng lưu ý đặc biệt và có hiệu lực sửa đổi.

 

Ban hành tại Rôma, cạnh Ðền thờ thánh Phêrô, ngày mồng 3 tháng 4, lễ Tiệc ly của Chúa Giêsu Chúa chúng ta, năm 1969, năm thứ 6 triều đại Giáo Hoàng của chúng tôi.

Phaolô VI, Giáo Hoàng

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page