Quy Chế Tổng Quát
Sách Lễ Rôma
Canh tân theo nghị quyết của Công Ðồng Chung Vaticanô II
công bố theo lệnh Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI
hiệu đính dưới sự chỉ đạo của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô - năm 2002
Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009
Chương VIII
Thánh Lễ Và Lời Nguyện
Trong Những Hoàn Cảnh Khác Nhau
Và Thánh Lễ Cầu Cho
Những Người Ðã Qua Ðời
I. Các Thánh Lễ Và Lời Nguyện Trong Những Hoàn Cảnh Khác Nhau
368. Vì phụng vụ các bí tích và các á bí tích nhằm thánh hóa hầu như mọi biến cố của đời sống đối với các tín hữu đã được chuẩn bị, nhờ ơn thánh phát xuất từ mầu nhiệm vượt qua, và vì Thánh Thể là bí tích cao trọng nhất, Sách lễ đã trù liệu nhiều bài lễ và nhiều lời nguyện, có thể dùng vào những hoàn cảnh khác nhau thuộc đời sống Kitô hữu, để đáp ứng những nhu cầu của toàn thế giới, của Hội Thánh phổ quát hay Hội Thánh địa phương.
369. Vì đã được quyền chọn lựa cách rộng rãi các bài đọc và các lời nguyện, nên chỉ dùng những Thánh lễ tùy theo nhu cầu cách chừng mực, nghĩa là khi hoàn cảnh đòi phải sử dụng mà thôi.
370. Trừ khi đã dự liệu rõ ràng cách khác, còn trong mọi lễ thuộc những hoàn cảnh khác nhau, được phép dùng các bài đọc trong tuần và các bài ca xen giữa các bài đọc, nếu chúng thích hợp với Thánh lễ cử hành.
371. Thuộc loại lễ này là các lễ có nghi thức riêng, các lễ cầu cho những nhu cầu khác nhau, các lễ trong những hoàn cảnh khác nhau và các lễ ngoại lịch.
372. Các lễ có nghi thức riêng được liên kết với việc cử hành một số bí tích hay á bí tích. Các lễ này không được cử hành trong các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, trong các lễ trọng, các ngày trong tuần bát nhật Phục sinh, trong ngày lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời (2-11), Thứ Tư lễ Tro và tuần Thánh, ngoài ra, còn phải giữ các quy luật được trình bày trong các sách nghi thức, hoặc trong chính các bài lễ đó.
373. Lễ cầu cho những nhu cầu khác nhau hay trong những hoàn cảnh khác nhau là những lễ được cử hành trong một số hoàn cảnh hoặc đôi lúc xảy ra hoặc vào những thời kỳ nhất định. Các vị có thẩm quyền có thể chọn trong các lễ cho các nhu cầu khác nhau làm lễ Khẩn cầu (Suppicationibus), mà Hội đồng Giám mục ấn định phải cử hành vào những dịp nhất định trong năm.
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ định những ngày khẩn cầu và sám hối trong năm như sau:
a) Những ngày Cầu mùa
1. Mồng Một Tết: Cầu cho Năm Mới
2. Mồng Hai Tết: Cầu cho Ông bà Tổ tiên
3. Mồng Ba Tết: Cầu cho công việc làm ăn
4. Tết Trung Thu: Cầu cho Thiếu nhi
b) Những ngày sám hối
1. Thứ Sáu quanh năm và mùa Chay (GL điều 1250).
2. Thứ Tư lễ Tro. Vì Thứ Tư lễ Tro thường hay trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nên Hội Ðồng Giám mục Việt Nam đã quyết định và đã xin Tòa Thánh phê chuẩn để được dời việc xức tro và ăn chay vào ngày Thứ Sáu hay Thứ Bảy tiếp theo. Khi phải dời, Hội đồng Giám mục sẽ có thông báo cụ thể (x. Notitiae số 35 năm 2000, tr. 32).
374. Khi gặp một nhu cầu hay một lợi ích mục vụ quan trọng, Giám mục giáo phận có thể ra lệnh hoặc cho phép cử hành một Thánh lễ thích hợp vào bất cứ ngày nào, trừ các lễ trọng, các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, các ngày trong Tuần Bát nhật Phục sinh, ngày lễ mọi tín hữu đã qua đời (2-11), thứ Tư lễ Tro và Tuần Thánh.
375. Lễ ngoại lịch kính các mầu nhiệm của Chúa, hoặc kính Ðức Trinh Nữ Maria, các Thiên thần, một vị Thánh hoặc tất cả các Thánh, theo lòng đạo đức của các tín hữu, thì được phép cử hành vào các ngày trong tuần thuộc mùa Thường niên, dù có lễ nhớ không bắt buộc. Tuy nhiên, không được cử hành như lễ ngoại lịch, các lễ kính các mầu nhiệm thuộc đời sống của Chúa hoặc của Ðức Trinh Nữ Maria, trừ lễ Ðức Maria Vô Nhiễm nguyên tội, vì việc cử hành các lễ này gắn liền với diễn tiến của năm phụng vụ.
376. Trong những ngày có lễ nhớ bắt buộc, những ngày mùa Vọng từ đầu tới 16 tháng 12, và trong mùa Giáng sinh từ ngày 2 tháng giêng trở đi, các ngày trong mùa Phục sinh sau tuần bát nhật Phục sinh, thì thông thường cấm cử hành lễ cầu cho những nhu cầu khác nhau hay trong những hoàn cảnh khác nhau và lễ ngoại lịch. Tuy nhiên, nếu thực sự có một nhu cầu hay một lợi ích mục vụ nào đó, thì khi cử hành với dân chúng, tùy theo phán quyết của linh mục quản thủ thánh đường hay của chính linh mục chủ tế, có thể cử hành lễ thích hợp để đáp ứng nhu cầu hoặc lợi ích mục vụ đó.
377. Những ngày trong tuần mùa Thường niên, khi gặp lễ nhớ tự do, hoặc lễ về ngày trong tuần, thì được phép cử hành bất cứ bài lễ nào, hay đọc bất cứ lời nguyện nào thuộc những lễ được cử hành trong những hoàn cảnh khác nhau, ngoại trừ các bài lễ có nghi thức riêng.
378. Rất khuyến khích việc cử hành Thánh lễ kính Ðức Mẹ ngày Thứ Bảy, bởi vì trong phụng vụ, Hội Thánh dành cho Mẹ Ðấng Cứu Chuộc sự tôn kính đặc biệt trên các vị thánh khác.
II. Thánh Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Ðã Qua Ðời
379. Hội Thánh dâng hy lễ Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, cầu cho những người đã qua đời, để nhờ sự hiệp thông giữa các chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, thì điều mang lại ơn trợ giúp thiêng liêng cho các chi thể này cũng đem lại niềm an ủi cậy trông cho các chi thể khác.
380. Trong những Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, thì đứng đầu là lễ an táng. Có thể cử hành lễ này mọi ngày trừ những lễ trọng buộc, thứ Năm Tuần Thánh, Tam Nhật Vượt Qua, và các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh. Ngoài ra phải giữ mọi điều luật đã quy định.
381. Khi được tin người chết, ngày cuối của tang lễ, ngày giỗ đầu, có thể cử hành Thánh lễ cầu cho người đã qua đời cả trong những ngày thuộc tuần bát nhật Giáng sinh, những ngày có lễ nhớ buộc, những ngày trong tuần mùa Chay và mùa Phục sinh mà không phải là thứ Tư lễ Tro hay Tuần Thánh.
Các Thánh lễ khác cầu cho những người đã qua đời, gọi là "lễ hằng ngày", được cử hành vào các ngày trong tuần thuộc mùa Thường Niên, trong đó, khi có lễ nhớ không bắt buộc hoặc lễ theo ngày trong tuần, miễn là thực sự chỉ lễ cho những người đã qua đời.
382. Trong Thánh lễ an táng, thường nên có một bài giảng ngắn, nhưng phải tránh tất cả những lối điếu văn ca tụng người chết.
383. Hãy thúc đẩy giáo dân, nhất là những người thuộc gia đình người quá cố tham dự hy lễ Thánh Thể, kể cả rước lễ, để cầu cho người quá cố.
384. Nếu nghi thức tiễn biệt được cử hành tiếp liền sau Thánh lễ an táng, thì sau lời nguyện hiệp lễ, bỏ nghi thức kết thúc, tiếp ngay nghi thức phó dâng lần cuối hay tiễn biệt, nghi thức này chỉ cử hành khi có thi hài.
385. Khi sắp xếp và chọn lựa các phần trong Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, nhất là trong Thánh lễ an táng, là Thánh lễ có thể thay đổi (ví dụ như các lời nguyện, bài đọc, lời nguyện chung), thì phải lưu tâm đến những điểm mục vụ liên quan đến người quá cố, đến nhà hiếu và những người có mặt.
Ngoài ra, các vị mục tử cũng cần đặc biệt lưu ý đến những người, nhân dịp lễ an táng có mặt trong nghi thức phụng vụ hoặc nghe bài đọc Tin Mừng: những người này hoặc là không Công giáo hoặc là người Công giáo, nhưng không hề hoặc ít khi tham dự Thánh lễ, hoặc là những người coi như đã mất đức tin, vì, các linh mục là thừa tác viên Tin Mừng của Chúa Kitô cho hết mọi người.