Quy Chế Tổng Quát
Sách Lễ Rôma
Canh tân theo nghị quyết của Công Ðồng Chung Vaticanô II
công bố theo lệnh Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI
hiệu đính dưới sự chỉ đạo của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô - năm 2002
Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009
Chương VI
Những Gì Cần Phải Có
Ðể Cử Hành Thánh Lễ
I. Bánh Và Rượu Ðể Cử Hành Thánh Lễ
319. Noi gương Chúa Kitô, Hội Thánh luôn dùng bánh, rượu với nước để cử hành bữa tiệc của Chúa.
320. Bánh lễ phải là bánh miến thuần túy, mới làm, và theo truyền thống xưa của Hội Thánh Latinh, phải là bánh không men.
321. Tính cách dấu chỉ đòi chất liệu dùng vào việc cử hành Thánh Thể phải thực sự tỏ ra là của ăn. Vậy, dù là bánh không men và làm theo hình thức cổ truyền, nhưng phải làm bánh Thánh Thể thế nào để trong Thánh lễ có giáo dân tham dự, linh mục có thể thực sự bẻ bánh đó ra nhiều phần và phân phát cho ít là một số tín hữu rước lễ. Tuy vậy, không hề có ý loại bỏ những bánh lễ nhỏ, khi số người rước lễ và những lý do mục vụ khác đòi phải có. Cử chỉ bẻ bánh, một tên gọi đơn giản chỉ bí tích Thánh Thể thời các Tông đồ, sẽ cho thấy rõ rệt hơn sức mạnh và tầm quan trọng của dấu chỉ nói lên sự hiệp nhất giữa mọi người trong một tấm bánh, và dấu chỉ biểu thị lòng yêu thương, vì các anh em cùng chia nhau một tấm bánh.
322. Rượu dùng trong Thánh lễ phải là rượu nho (x. Lc 22,18), tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn chất gì khác.
323. Phải cẩn thận liệu sao cho bánh và rượu được giữ trong tình trạng tốt, nghĩa là phải coi chừng kẻo rượu ra chua và bánh bị hư hoặc trở nên quá cứng, khó bẻ.
324. Nếu sau truyền phép hay lúc rước lễ, linh mục mới thấy đó là nước chứ không phải rượu, thì đổ nước đó vào một bình, rồi rót rượu có pha nước vào chén và đọc phần tường thuật liên quan đến việc truyền phép chén rượu mà không buộc phải truyền phép bánh một lần nữa.
II. Các Ðồ Thánh Nói Chung
325. Cũng như đối với việc xây cất thánh đường, thì trong việc chế tạo toàn thể các đồ thánh, Hội Thánh công nhận nghệ thuật của mỗi địa phương và tiếp nhận những thích nghi hợp với não trạng và truyền thống của mỗi dân tộc, miễn là tất cả những vật dụng ấy thực sự đáp ứng được mục đích khi sử dụng chúng.
Về vấn đề này, luôn phải cẩn thận lo cho có sự đơn sơ trang nhã: đó là điều luôn đi đôi với nghệ thuật đích thực.
326. Khi lựa chọn vật liệu để làm các đồ thánh, thì ngoài những vật liệu truyền thống quen dùng, còn có thể dùng các vật liệu mà não trạng ngày nay coi là quý, bền chắc và thích hợp với công việc thánh.
Tại Việt Nam, những chất liệu này có thể là những kim loại hoặc những chất liệu bền chắc và thích hợp với mục đích sử dụng trong Phụng vụ. Sẽ nói rõ khi bàn đến từng loại đồ thánh.
III. Các Bình Thánh
327. Trong các vật dụng cần phải có để cử hành Thánh lễ, các bình thánh phải được đặc biệt tôn trọng, và trong số đó, có chén thánh và đĩa thánh, dùng để dâng bánh, dâng rượu, để truyền phép và để rước lễ.
328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được làm bằng kim loại có thể bị gỉ sét hoặc không quý bằng vàng, thì thường bên trong nên được mạ vàng.
329. Theo quyết định của Hội đồng Giám mục và khi đã được Tòa Thánh chấp thuận, các bình thánh cũng có thể được làm bằng những chất liệu cứng khác và theo cách đánh giá chung của mỗi miền coi là quý, ví dụ: ngà hoặc một loại gỗ cứng, miễn là thích hợp để dùng vào công việc thánh. Trong trường hợp này, luôn ưu tiên cho những vật liệu khó vỡ và khó mục nát. Ðiều này có giá trị đối với các loại bình để đựng Mình Thánh, như đĩa thánh, bình thánh, hộp đựng Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt, mặt nhật (hào quang) và những loại khác như vậy.
Tại Việt Nam, các bình thánh cũng có thể được làm bằng những chất liệu cứng khác mà theo cách đánh giá chung được coi là quý, ví dụ: những đồ làm bằng ngà voi, gỗ quý, đồ sơn mài, miễn là thích hợp để dùng vào công việc thánh. Trong trường hợp này, luôn ưu tiên cho những vật liệu khó vỡ và khó mục nát, và không phải là những chén dĩa thường dùng trong các bữa ăn (x. số 332). Ðiều này có giá trị đối với các loại bình để đựng Mình Thánh, như đĩa thánh, bình thánh, hộp đựng Mình Thánh để đưa cho kẻ liệt, mặt nhật (hào quang) và những loại khác như vậy.
330. Chén thánh và các bình khác dùng để đựng Máu Thánh Chúa, phải có phần chén làm bằng một chất không thấm nước; còn phần chân thì có thể làm bằng chất khác bền chắc và xứng đáng.
331. Ðể truyền phép Mình Thánh, có thể dùng một đĩa lớn hơn cho thuận tiện; trên đó sẽ đặt đủ bánh cho linh mục, phó tế, các thừa tác viên và cho các tín hữu.
332. Về hình thức các bình thánh, mỹ thuật gia có thể làm kiểu nào thuận tiện hơn, phù hợp với phong tục của mỗi miền, miễn là các bình ấy hợp với mục đích của chúng là dùng vào việc phụng vụ và phải phân biệt rõ ràng với các đồ dùng trong đời sống thường ngày.
333. Về vấn đề làm phép hay hiến thánh các bình thánh, hãy theo nghi thức đã ghi trong các sách phụng vụ.
334. Nên giữ thói quen xây trong phòng thánh một chỗ để đổ nước đã dùng rửa chén thánh và giặt khăn thánh (x. số. 280).
IV. Phẩm Phục Thánh
335. Trong Hội Thánh là Nhiệm thể Chúa Kitô, các chi thể không thi hành cùng một phận vụ như nhau. Khi cử hành việc phụng tự, sự khác biệt về chức vụ được biểu lộ ra bề ngoài nhờ sự khác biệt về phẩm phục thánh; do đó phẩm phục phải là dấu chỉ chức vụ của mọi thừa tác viên. Tuy nhiên, phẩm phục thánh cũng phải làm tăng vẻ trang trọng của chính nghi lễ phụng vụ nữa. Các phẩm phục dành cho linh mục và phó tế cũng như các thừa tác viên giáo dân, nên được làm phép theo nghi thức sách Nghi lễ Rôma: Sách các chúc lành.
336. Phẩm phục chung cho các thừa tác viên có chức thánh và các thừa tác viên đã được thiết lập thuộc bất cứ cấp bậc nào là áo trắng dài, có dây thắt ngang lưng, trừ phi áo đã được may sát vào người, không cần dây lưng. Trước khi mặc áo trắng dài, nếu áo này không che kín cổ áo thường, thì dùng khăn vai. Áo các phép không thể thay cho áo trắng dài dù mặc ngoài áo dòng (chùng thâm), khi phải mặc áo lễ hay mặc áo phó tế, hay khi theo luật chỉ mang dây các phép mà không mặc áo lễ hoặc áo phó tế.
337. Phẩm phục riêng của linh mục chủ tế trong Thánh lễ và trong các nghi lễ phụng vụ khác trực tiếp liên quan đến Thánh lễ, là áo lễ mặc ngoài áo trắng dài và dây các phép, trừ khi được trù liệu cách khác.
338. Áo riêng của thầy phó tế là áo phó tế, mặc ngoài áo trắng dài và dây các phép. Nhưng có thể bỏ áo phó tế khi cần và trong những cử hành ít trọng thể.
339. Các thừa tác viên giúp lễ, đọc sách, và các thừa tác viên giáo dân khác có thể mặc áo trắng dài hay một kiểu áo khác được Hội đồng Giám mục chấp thuận cách hợp pháp cho mỗi miền.
Tại Việt Nam, ngoài áo trắng dài chung cho các thừa tác viên phụng vụ, các thừa tác viên nam không chức thánh, có thể mặc âu phục với cà vạt hoặc áo dài khăn đóng; nữ có thể mặc áo dài thông thường hoặc áo dài với khăn vành truyền thống Việt Nam.
340. Linh mục mang dây các phép chung quanh cổ và rủ xuống trước ngực; phó tế mang dây các phép trên vai trái, chéo qua ngực sang phía thân mình bên mặt và ghim lại.
341. Linh mục mang áo choàng khi đi rước và trong những nghi lễ phụng vụ khác, theo chữ đỏ của từng nghi thức.
342. Về hình thức phẩm phục, các Hội đồng Giám mục có thể định đoạt và đề nghị sang Tòa Thánh những thích nghi phù hợp với nhu cầu và phong tục của mỗi miền.
Tại việt Nam, đang khi còn cần phải nghiên cứu về lễ phục phụng vụ sao cho hợp với truyền thống dân tộc, trong khi cử hành Thánh lễ, không được sử dụng những lễ phục chưa được Hội Ðồng Giám mục chuẩn nhận và Tòa Thánh châu phê.
343. Ðể may phẩm phục, ngoài những chất liệu truyền thống, còn có thể sử dụng những tơ lụa tự nhiên của từng địa phương và một vài thứ tơ lụa nhân tạo, phù hợp với phẩm giá nghi lễ phụng vụ và chức vị. Về vấn đề này, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ có quyết định sau.
344. Vẻ đẹp và sự cao quý của phẩm phục không hệ tại đính thêm vào nhiều vật trang trí, mà ở tại chất liệu và hình thức của phẩm phục. Những vật trang trí này là những hình, ảnh hoặc biểu tượng biểu thị điều thiêng thánh thông dụng, vì thế phải tránh những gì bất xứng với sự thiêng thánh quen gặp. Nếu muốn vẽ hoặc thêu những biểu tượng dân tộc, thì phải liệu sao cho những biểu tượng này có mầu sắc Kitô giáo, ví dụ, muốn dùng hình ảnh cây tre, khóm trúc, con rồng, thì phải thêm vào cây thánh giá hay một hình ảnh nào biểu thị những thực tại thánh thiêng.
345. Các màu sắc khác nhau của phẩm phục nhằm biểu lộ ra bề ngoài cách hữu hiệu, khi thì đặc tính của mầu nhiệm cử hành, khi thì ý nghĩa của đời sống Kitô giáo đang diễn ra trong năm phụng vụ.
346. Về màu sắc của phẩm phục thánh, hãy giữ các tập quán cổ truyền, nghĩa là:
a) Màu trắng được dùng trong Thần vụ và các lễ mùa Phục sinh và mùa Giáng sinh; cũng dùng trong các lễ kính, lễ nhớ về Chúa, không phải là lễ kính nhớ cuộc Thương khó của Người; trong các lễ kính, lễ nhớ Ðức Trinh Nữ Maria, các Thiên thần, các Thánh không phải là thánh tử đạo, trong lễ các Thánh nam nữ (1-11), lễ thánh Gioan Tẩy Giả (24-6), lễ thánh Gioan tông đồ (27-12), lễ kính Tông Tòa thánh Phêrô (22-2), lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại (25-1);
b) Màu đỏ được dùng trong Chúa nhật Thương khó và thứ Sáu Tuần Thánh, trong Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong các cử hành cuộc Thương khó của Chúa, trong lễ kính các thánh tông đồ, các thánh tác giả sách Tin Mừng và trong lễ kính các thánh Tử đạo;
c) Màu xanh dùng trong Thần vụ và các lễ mùa Thường niên;
d) Màu tím dùng trong mùa Vọng, mùa Chay. Cũng có thể dùng trong Thần vụ và các lễ cầu cho người đã qua đời. Không được dùng lễ phục trắng trong tang lễ, vì như vậy vừa làm lẫn lộn ý nghĩa của màu phụng vụ truyền thống, vừa trái ngược với quy định về chất liệu phẩm phục. (Theo phong tục Việt Nam, tang phục màu trắng thường được may bằng vải xô, vải mùng).
e) Màu đen có thể dùng trong lễ cầu cho người qua đời ở nơi nào có thói quen này;
f) Màu hồng có thể dùng trong Chúa nhật Hãy vui lên (Chúa nhật III mùa Vọng) và Chúa nhật Mừng vui lên (Chúa nhật IV mùa Chay).
g) Trong những ngày lễ long trọng hơn, có thể dùng phẩm phục ngày lễ hay những phẩm phục quý trọng hơn, dù không phải màu của ngày lễ. Tại Việt Nam lễ phục màu vàng được coi là lễ phục long trọng vì là màu vương giả quý phái.
347. Trong những lễ có nghi thức riêng, thì dùng màu riêng hay màu trắng hoặc màu của ngày lễ; các lễ cho những nhu cầu khác nhau, thì dùng màu riêng của ngày lễ hay của mùa hoặc dùng màu tím, nếu đó là ngày lễ có tính sám hối như những lễ số 31, 33, 38; trong những lễ "ngoại lịch", thì dùng màu hợp với lễ cử hành, hoặc cũng có thể dùng màu riêng của ngày hay của mùa.
V. Những Vật Dụng Khác Dành Ðể Dùng Trong Thánh Ðường
348. Ngoài các bình thánh và phẩm phục là những vật dụng làm bằng chất liệu riêng được chỉ định, các vật dụng khác hoặc trực tiếp được sử dụng vào việc phụng tự hoặc vì một lý do nào đó sử dụng trong thánh đường, cũng phải xứng đáng và hợp với mục đích của mỗi vật dụng.
349. Phải đặc biệt lo sao cho các sách phụng vụ thực sự là dấu chỉ và biểu tượng những thực tại siêu nhiên trong công việc phụng vụ, do đó phải là những sách xứng đáng, trang trọng và đẹp. Ðặc biệt, sách Tin Mừng và sách Bài đọc, là những sách dùng để công bố lời Chúa, phải được tôn kính cách riêng.
350. Hơn nữa, hết sức quan tâm đến những gì trực tiếp liên quan đến bàn thờ và việc cử hành Thánh lễ, chẳng hạn như: Thánh giá để trên bàn thờ và Thánh giá cầm đi rước.
351. Phải hết sức cố gắng sao cho những vật dụng ít quan trọng cũng theo đúng tiêu chuẩn nghệ thuật, và vẻ cao quý phải luôn đi đôi với sự đơn sơ tinh sạch.