Quy Chế Tổng Quát
Sách Lễ Rôma
Canh tân theo nghị quyết của Công Ðồng Chung Vaticanô II
công bố theo lệnh Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI
hiệu đính dưới sự chỉ đạo của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô - năm 2002
Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009
Chương V
Cách Xếp Ðặt Và Trang Trí Thánh Ðường
Ðể Cử Hành Thánh Lễ
I. Những Nguyên Tắc Chung
288. Ðể cử hành Thánh Thể, dân Chúa thường tập họp trong nhà thờ, hoặc, khi không có nhà thờ hoặc nhà thờ không đủ lớn, thì tập họp ở nơi khác trang nghiêm và phải xứng đáng với mầu nhiệm rất thánh này. Vậy, nhà thờ và những nơi khác phải phù hợp với việc cử hành thánh và giúp tín hữu tham dự cách tích cực. Hơn nữa, nhà và các đồ dùng trong phụng tự phải thực sự xứng đáng, đẹp, và là những dấu chỉ, những biểu tượng cho những thực tại siêu nhiên.
289. Vì thế, Hội Thánh không ngừng tìm kiếm sự trợ giúp cao quý của nghệ thuật và công nhận những giá trị nghệ thuật của mọi dân tộc và địa phương. Hơn nữa, cũng như Hội Thánh đã nỗ lực bảo vệ những công trình và những kho tàng nghệ thuật của các thế hệ đã qua còn lưu truyền lại, và tùy theo sự cần thiết mà thích nghi với những nhu cầu mới, thì Hội Thánh cũng cố gắng cổ võ những gì mới mẻ phù hợp với tinh thần của mỗi thời đại.
Cho nên trong việc đào tạo các mỹ thuật gia, cũng như trong việc chọn lựa những tác phẩm cho thánh đường, phải tìm kiếm phẩm chất đích thực của nghệ thuật giúp nuôi dưỡng đức tin và lòng đạo đức, lại phải thích hợp với ý nghĩa và mục đích nhắm tới.
290. Mọi thánh đường cần được cung hiến hoặc ít nhất được làm phép. Còn các nhà thờ chánh tòa và nhà thờ giáo xứ thì phải được cung hiến theo nghi thức long trọng.
291. Ðể xây cất, sửa chữa và bài trí thánh đường cho hợp lý, tất cả những người liên hệ phải bàn hỏi với Ủy ban Phụng tự và Nghệ thuật thánh của Giáo phận. Giám mục giáo phận cũng hãy hỏi ý kiến và nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban này khi phải đưa ra những quy tắc đến vấn đề, hoặc khi chấp thuận họa đồ các thánh đường mới, hoặc khi phải giải quyết một số vấn đề có tầm quan trọng thuộc lãnh vực này.
292. Việc trang trí thánh đường phải nhắm tìm vẻ đơn sơ trang trọng hơn là vẻ lộng lẫy bề ngoài. Trong việc chọn lựa những vật liệu để trang trí, phải lo sử dụng những đồ thật, và phải nhằm mục đích giáo dục các tín hữu và làm tăng phẩm giá toàn bộ nơi thánh.
293. Ðể đáp ứng cách thích hợp những nhu cầu của thời đại bây giờ, việc trang trí nhà thờ và những cơ sở phụ thuộc đòi chúng ta không chỉ quan tâm tới những gì liên hệ trực tiếp đến việc cử hành các nghi lễ thánh, nhưng cũng phải nhìn thấy trước những tiện nghi hợp lý của tín hữu, như người ta thường dự liệu cho những nơi hội họp khác.
294. Dân Chúa tụ họp để dự Thánh lễ là một cộng đoàn có tổ chức và phẩm trật, được biểu lộ ra bằng những phận vụ và những hoạt động khác nhau tùy theo mỗi phần của cuộc cử hành. Bởi vậy, cách sắp xếp tổng quát của thánh đường phải thế nào để có thể biểu lộ cách nào đó hình ảnh của cộng đoàn đang tụ họp, giúp cho việc sắp xếp mọi sự được hài hòa và việc thực thi các phần việc của mỗi người được thuận tiện.
Các tín hữu và ca đoàn sẽ được xếp vào chỗ giúp họ dễ dàng tham dự cách tích cực hơn.
Còn linh mục chủ tế, phó tế và các thừa tác viên khác có chỗ trong cung thánh. Ở đó, cũng phải dọn ghế cho các vị đồng tế. Nếu số đồng tế đông thì dọn ghế ở nơi khác trong nhà thờ, nhưng phải gần bàn thờ.
Tuy mọi điều nói trên phải biểu lộ một thứ tự theo phẩm trật và sự khác biệt trong phận vụ, nhưng cũng phải tạo nên sự hiệp nhất thâm sâu và hữu cơ, nhờ đó, sự hiệp nhất của toàn thể dân thánh được tỏa sáng. Chất liệu và vẻ mỹ quan của nơi thánh cũng như tất cả những đồ dùng phải giúp cho lòng đạo đức và bày tỏ được sự thánh thiện của các mầu nhiệm cử hành.
II. Việc Sắp Ðặt Cung Thánh Cho Việc Cử Hành Cộng Ðoàn
295. Cung thánh là nơi đặt bàn thờ, nơi công bố lời Chúa, và là nơi linh mục, phó tế và các thừa tác viên khác thi hành phận vụ. Cung thánh phải được tách biệt cách thích hợp khỏi lòng nhà thờ, bằng cách được nâng cao hơn, hoặc nhờ một cấu trúc và sự trang trí đặc biệt. Cung thánh phải rộng rãi đủ để việc cử hành Thánh Thể có thể diễn tiến và được nhìn thấy cách dễ dàng.
Bàn thờ và cách trang trí
296. Bàn thờ, nơi hy lễ thập giá được hiện tại hóa dưới những dấu chỉ bí tích, cũng là bàn tiệc của Chúa, mà dân Chúa được mời đến tham dự trong Thánh lễ. Bàn thờ cũng là trung tâm của việc tạ ơn được thực hiện cách hoàn hảo qua Thánh lễ.
297. Trong nơi thánh, Thánh lễ phải được cử hành trên một bàn thờ. Ngoài nơi thánh thì có thể cử hành trên một bàn thích hợp, nhưng bao giờ cũng phải có khăn phủ bàn và khăn thánh, thánh giá và nến.
298. Trong mọi nhà thờ, nên có bàn thờ cố định, diễn tả cách rõ ràng hơn và thường xuyên rằng Ðức Kitô là tảng đá sống động (1Pr 2,4; x. Ep 2,20); còn những nơi khác dành để cử hành Thánh lễ, thì bàn thờ có thể là di động.
Gọi là bàn thờ cố định, khi được xây liền với nền nhà và do đó không thể di chuyển được; gọi bàn thờ di động nếu có thể di chuyển đi nơi khác.
299. Bàn thờ chính phải được xây cách vách tường để có thể dễ dàng đi chung quanh và trên đó có thể cử hành Thánh lễ quay mặt xuống tín hữu. Bàn thờ phải chiếm vị trí nào đó để có thể thực sự là trung tâm, nơi mà tất cả cộng đoàn tín hữu tự nhiên hướng về116. Theo thường lệ, bàn thờ phải cố định và được cung hiến.
300. Bàn thờ cố định cũng như di động cần được cung hiến theo nghi thức ghi trong sách Nghi thức Giám mục Rôma; tuy nhiên bàn thờ di động có thể chỉ cần được làm phép.
301. Theo tập tục cổ truyền của Hội Thánh và theo ý nghĩa, mặt bàn thờ cố định phải làm bằng đá, và là đá tự nhiên. Tuy nhiên, tùy theo sự xét đoán của Hội đồng Giám mục, cũng có thể dùng những chất liệu khác xứng hợp, bền chắc và được cấu tạo cách nghệ thuật. Chân hay phần dưới bàn thờ có thể làm bằng bất cứ chất liệu nào, miễn là chất liệu đó xứng hợp và bền chắc.
Tại Việt Nam, mặt bàn thờ có thể làm bằng các thứ gỗ quý, nhất là khi được chạm trổ theo nghệ thuật địa phương.
Bàn thờ di động có thể làm bằng bất cứ vật liệu nào quý, bền chắc, đồng thời, theo truyền thống và tập tục của mỗi miền, được coi là thích hợp với việc phụng tự.
302. Nên duy trì thói quen đặt xương thánh dưới bàn thờ được cung hiến, dù không phải là xương các thánh tử đạo. Nhưng phải cẩn thận phối kiểm để biết chắc đó là xương thánh thật.
303. Trong các nhà thờ mới xây, nên dựng một bàn thờ duy nhất để biểu thị rằng trong cộng đoàn tín hữu chỉ có một Chúa Kitô và một bí tích Thánh Thể của Hội Thánh.
Trong các nhà thờ đã xây cất trước, nếu bàn thờ cũ ở vị trí khiến tín hữu khó tham dự và không thể di chuyển mà không phương hại tới giá trị nghệ thuật, thì nên xây dựng một bàn thờ cố định khác, có nghệ thuật và được cung hiến đúng nghi thức, và chỉ dâng Thánh lễ tại bàn thờ đó mà thôi. Ðể các tín hữu chú tâm vào bàn thờ mới, đừng trang hoàng bàn thờ cũ một cách đặc biệt.
304. Vì lòng cung kính đối với nghi thức tưởng niệm Chúa và đối với bữa tiệc Mình và Máu Thánh Chúa, trên bàn thờ khi cử hành, phải trải ít là một tấm khăn trắng; khăn này phải phù hợp với cấu trúc bàn thờ về hình thức, kích thước và sự trang trí.
305. Việc trang trí bàn thờ phải có chừng mực.
Trong mùa Vọng, hãy chưng bông bàn thờ cách chừng mực, cho hợp với tính chất của mùa này, kẻo vượt quá niềm vui trọn vẹn của ngày Chúa Giáng sinh. Mùa Chay thì cấm chưng bông bàn thờ, ngoại trừ Chúa nhật "Mừng vui lên" (Chúa nhật IV mùa Chay), và các lễ trọng, lễ kính.
Luôn phải giữ chừng mực trong việc chưng bông và nên đặt bông chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ.
306. Vì trên bàn thờ chỉ nên đặt những gì cần thiết cho việc cử hành Thánh lễ, nghĩa là sách Tin Mừng từ đầu lễ cho đến phần công bố Tin Mừng; còn từ khi dâng của lễ đến khi tráng chén, thì đặt chén với đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh nếu cần, khăn thánh, khăn lau chén và sách lễ. Ngoài ra, được đặt cách kín đáo những dụng cụ khuếch đại tiếng của linh mục.
307. Mỗi khi cử hành phụng vụ, cần có những chân nến để tỏ lòng cung kính và mừng lễ (x. số 117). Phải chú tâm đến cấu trúc của bàn thờ và cung thánh, để tùy nghi đặt các chân nến trên bàn thờ, hoặc chung quanh bàn thờ cho có sự hòa hợp chung và không ngăn cản tín hữu dễ dàng nhìn thấy những gì đang thực hiện hay đặt trên bàn thờ.
308. Trên hoặc gần bàn thờ, cũng phải đặt một Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh cho dân được tập họp nhìn thấy rõ. Ðể nhắc các tín hữu nhớ đến cuộc thương khó sinh ơn cứu độ của Chúa, nên đặt cây thánh giá này gần bàn thờ, ngay cả khi không cử hành phụng vụ.
Giảng đài
309. Phẩm giá của lời Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để lời Chúa được loan báo và tín hữu tự nhiên hướng về đó trong phần phụng vụ lời Chúa.
Nơi đó thường phải là một giảng đài cố định, chứ không phải chỉ là một cái giá sách di chuyển được. Phải tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ mà đặt giảng đài để tín hữu có thể dễ dàng nhìn thấy và nghe được thừa tác viên và độc viên.
Tại giảng đài chỉ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục sinh. Cũng tại đó, có thể giảng và đọc lời nguyện chung, tức là lời nguyện tín hữu. Ðể giữ sự trang nghiêm của giảng đài, chỉ có thừa tác viên mới được bước lên đó.
Nên làm phép giảng đài mới, theo nghi thức trong Sách Nghi lễ Rôma: Sách các chúc lành, trước khi sử dụng trong phụng vụ.
Ghế dành cho linh mục chủ tế và các ghế khác
310. Ghế của linh mục chủ tế phải nói lên nhiệm vụ của ngài là chủ tọa cộng đoàn và điều hành kinh nguyện. Vì thế, chỗ thích hợp nhất là phía đầu cung thánh, nhìn xuống cộng đoàn, trừ phi kiến trúc thánh đường hoặc những hoàn cảnh không cho phép, ví dụ: khoảng cách quá xa làm cho việc hiệp thông giữa linh mục và cộng đoàn trở nên khó khăn, hoặc nếu nhà tạm đặt chính giữa phía sau bàn thờ. Phải tránh các loại ngai tòa. Nên làm phép ghế, trước khi đem dùng trong phụng vụ, theo nghi thức trong Sách Nghi lễ Rôma: Sách các chúc lành.
Cũng thế, trong cung thánh, cần đặt ghế cho các linh mục đồng tế, và các linh mục tham dự với áo các phép, nhưng không đồng tế.
Ghế của phó tế phải được đặt gần ghế dành cho linh mục chủ tế. Ghế cho các thừa tác viên khác phải xếp thế nào để phân biệt rõ ràng với ghế dành cho hàng giáo sĩ và để cho họ có thể dễ dàng thực hiện phận vụ được trao phó.
III. Cách Sắp Xếp Trong Thánh Ðường
Chỗ các tín hữu
311. Phải xếp đặt cho tín hữu có chỗ thích hợp, để họ có thể tham dự với đôi mắt và tâm hồn những nghi thức thánh cách thích hợp. Nên theo thói quen mà cho họ dùng ghế dài hay ghế một. Nhưng phải loại bỏ thói tục dành ghế cho một số cá nhân122. Các ghế dài hay ghế một, nhất là trong các nhà thờ mới xây, phải được sắp xếp làm sao cho tín hữu có thể dễ dàng có những điệu bộ cần thiết trong các phần cử hành khác nhau và cũng dễ dàng lên rước lễ.
Phải liệu sao cho tín hữu không những nhìn thấy linh mục, phó tế hay các độc viên khác, nhưng còn nghe được các ngài cách dễ dàng nhờ những phương tiện kỹ thuật hiện đại.
Chỗ của ca đoàn và nhạc cụ
312. Phải dựa vào cách sắp đặt của mỗi nhà thờ mà dành cho ca đoàn một chỗ thích hợp để nêu rõ bản chất của ca đoàn là thành phần của cộng đoàn tín hữu đang tụ họp và có một phận vụ riêng, cũng để ca đoàn thực hiện dễ dàng hơn chức năng phụng vụ của mình, đồng thời để mọi thành viên của ca đoàn dễ tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn.
313. Còn phong cầm và các nhạc cụ khác đã được chấp thuận cách hợp pháp, thì phải đặt vào chỗ thích hợp, để chúng có thể giúp ca đoàn và cộng đoàn hát, và để mọi người có thể nghe được khi chỉ tấu nhạc mà thôi. Nên làm phép đàn phong cầm, theo nghi thức trong Sách Nghi lễ Rôma: Sách các chúc lành, trước khi đem dùng trong phụng vụ.
Mùa Vọng được dùng phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, hợp với tính chất của mùa này, nhưng sao đừng vượt quá niềm vui trọn vẹn của ngày Chúa giáng sinh.
Mùa Chay chỉ được phép dùng phong cầm và các nhạc cụ khác để giữ giọng hát mà thôi, ngoại trừ Chúa nhật Mừng vui lên (Chúa nhật IV mùa Chay) và các lễ trọng, lễ kính.
Nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa
314. Tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ và theo thói quen chính đáng của mỗi địa phương, nên lưu giữ Mình Thánh Chúa trong một nhà tạm đặt trong một nơi trang trọng xứng đáng, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện.
Thông thường thì chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu cứng, chắc chắn, không trong suốt và phải được khóa kỹ để ngăn ngừa tối đa nguy cơ bị xúc phạm. Ngoài ra, nên làm phép đúng theo nghi thức trong Sách Nghi lễ Rôma: Sách các chúc lành, trước khi đem dùng trong phụng vụ.
315. Vì tính cách dấu chỉ, tốt hơn là đừng đặt nhà tạm có Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, nơi cử hành Thánh lễ.
Vì thế, tùy theo quyết định của Giám mục giáo phận, nên đặt nhà tạm ở những vị trí sau đây:
a) Hoặc ở trong cung thánh, ngoài bàn thờ dùng để cử hành Thánh lễ, theo hình dáng và vị trí thích hợp hơn, kể cả tại bàn thờ cũ không còn dùng để dâng Thánh lễ nữa (x. 306);
b) Hoặc ở trong một nhà nguyện nhỏ thích hợp để các tín hữu chầu và cầu nguyện riêng, nhà nguyện này phải nằm trong cấu trúc của nhà thờ và các Kitô hữu dễ dàng thấy được.
316. Theo tập quán xưa nay, bên cạnh nhà tạm phải có một ngọn đèn luôn cháy sáng, bằng dầu hay sáp, để chỉ rõ và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô.
317. Cũng đừng quên những điều luật đã quy định liên quan đến việc lưu giữ Mình Thánh Chúa.
Các ảnh tượng thánh
318. Trong phụng vụ tại thế, Hội Thánh được hiệp thông với phụng vụ trên trời bằng cách tiên hưởng phụng vụ được cử hành tại thành thánh Giêrusalem, nơi mà Hội Thánh lữ hành đang tiến về, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa và là nơi mà khi kính nhớ các Thánh, Hội Thánh hy vọng sẽ kết hợp và thông phần với các ngài.
Bởi thế, theo truyền thống rất cổ kính trong Hội Thánh, được phép đặt ảnh tượng Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, và các Thánh trong các nhà thờ để tín hữu tôn kính, và trong thánh đường phải sắp đặt thế nào để dẫn tín hữu vào các mầu nhiệm đức tin được cử hành tại đó. Vì vậy, phải liệu sao cho số các ảnh tượng đừng quá nhiều và phải xếp đặt thế nào để cộng đoàn khỏi chia trí khi tham dự những nghi lễ phụng vụ. Mỗi vị thánh chỉ nên có một ảnh hay tượng. Cách chung, trong việc trang trí và sắp xếp thánh đường liên quan đến các ảnh tượng, phải chú tâm đến lòng đạo đức của toàn thể cộng đoàn, cũng như vẻ đẹp và sự trang trọng của các ảnh tượng.