Quy Chế Tổng Quát
Sách Lễ Rôma
Canh tân theo nghị quyết của Công Ðồng Chung Vaticanô II
công bố theo lệnh Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI
hiệu đính dưới sự chỉ đạo của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô - năm 2002
Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009
Chương III
Những Nhiệm Vụ
Và Thừa Tác Vụ Trong Thánh Lễ
91. Việc cử hành Thánh Thể là hành động của Chúa Kitô và Hội Thánh nghĩa là dân thánh được quy tụ và tổ chức dưới quyền của Ðức Giám mục. Vì thế, việc cử hành này thuộc về toàn Thân thể Hội Thánh, nó biểu lộ Hội Thánh và ảnh hưởng tới Thân thể ấy; việc cử hành liên hệ đến mỗi thành phần của Thân thể ấy một cách khác nhau, tùy theo sự khác biệt về chức bậc, phận vụ và sự tham dự thực tế của mỗi người. Nhờ thế, dân Kitô giáo, "dòng giống tuyển chọn, linh mục hoàng vương, dân thánh, dân được cứu chuộc" biểu lộ ra bên ngoài sự tổ chức chặt chẽ và có phẩm trật của mình. Chính vì thế, mọi người, dù là thừa tác viên chức thánh hay Kitô hữu giáo dân, trong khi thi hành phận vụ hoặc nhiệm vụ của mình, thì làm tất cả và chỉ những gì liên quan đến mình mà thôi.
I. Những Nhiệm Vụ Của Chức Thánh
92. Mọi cử hành Thánh Thể hợp pháp đều do Ðức Giám mục chủ trì hoặc trực tiếp, hoặc qua các linh mục là những trợ tá của ngài.
Khi Giám mục hiện diện trong Thánh lễ có tín hữu tham dự, thì điều thích hợp hơn cả là chính ngài cử hành Thánh lễ và liên kết các linh mục đồng tế lại với ngài trong một hành động thánh.
Ðiều này không nhằm làm tăng phần long trọng bề ngoài cho nghi lễ, nhưng nhằm làm sáng tỏ hơn mầu nhiệm Hội Thánh là bí tích hiệp nhất.
Nếu Giám mục không cử hành Thánh lễ và để cho người khác cử hành, chính ngài nên mặc áo trắng dài, đeo thánh giá ngực, dây các phép và khoác áo choàng, chủ tọa phần phụng vụ lời Chúa và ban phép lành cuối lễ.
93. Trong Hội Thánh, linh mục cũng đã lãnh nhận bí tích truyền chức, được quyền dâng hy lễ trong tư thế của Chúa Kitô 81. Bởi vậy, ngài chủ tọa đoàn dân tín hữu đang được quy tụ lại nơi đây và trong lúc này để chủ tọa kinh nguyện của họ, công bố cho họ sứ điệp cứu độ, liên kết họ với ngài để, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, dâng hy lễ lên Chúa Cha, ban cho anh em mình bánh trường sinh và cùng với họ lãnh nhận bánh trường sinh đó. Vậy khi cử hành Thánh Thể, ngài phải phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn cách trang nghiêm và khiêm tốn; và qua thái độ cử chỉ cũng như cung cách đọc lời Chúa, phải gợi lên cho các tín hữu thấy sự hiện diện sống động của Chúa Kitô.
94. Sau linh mục, thì phó tế, do chức thánh đã lãnh nhận, là người thứ nhất trong những người phục vụ việc cử hành Thánh Thể. Quả vậy, thánh chức phó tế đã rất được tôn trọng trong Hội Thánh ngay từ ban đầu thời các Tông đồ. Trong Thánh lễ, phó tế giữ những phận vụ riêng biệt trong việc công bố Tin Mừng và đôi khi trong việc giảng lời Chúa, trong việc xướng các ý cầu nguyện của lời nguyện chung, trong việc phụ giúp linh mục, chuẩn bị bàn thờ và giúp cử hành hy lễ, cho tín hữu rước lễ, nhất là dưới hình rượu, và thỉnh thoảng hướng dẫn các cử chỉ và điệu bộ của toàn thể cộng đoàn.
II. Phận Vụ Của Dân Chúa
95. Trong khi cử hành Thánh lễ, các tín hữu hợp thành dân thánh, dân được cứu chuộc làm dân riêng của Thiên Chúa, hoàng tộc chuyên lo tế tự, để tạ ơn Thiên Chúa, dâng lên Chúa lễ vật tinh tuyền, không những nhờ tay linh mục, nhưng còn cùng dâng với ngài, và để học cho biết dâng chính mình nữa. Họ phải chú tâm biểu lộ những điều ấy nhờ một tinh thần đạo đức sâu xa và nhờ lòng bác ái đối với anh em cùng chung tham dự một cử hành.
Vì thế, họ phải tránh mọi cách sống cá nhân và chia rẽ; nhưng phải nhớ rằng: họ chỉ có một Cha ở trên trời và như vậy mọi người đều là anh em với nhau.
96. Họ phải hợp thành một thân thể, cả khi nghe lời Chúa, cả khi tham gia cầu nguyện và ca hát, đặc biệt khi cùng nhau dâng hy lễ và tham dự bàn tiệc của Chúa. Sự hợp nhất này được biểu lộ cách tốt đẹp qua những cử chỉ và điệu bộ mọi tín hữu cùng làm như nhau.
97. Các tín hữu không nên từ chối phục vụ dân Chúa cách vui tươi, khi được yêu cầu thi hành một thừa tác vụ riêng biệt nào hay một phận vụ nào trong việc cử hành.
III. Những Thừa Tác Vụ Riêng Biệt
Thừa tác vụ của thầy Giúp lễ và Ðọc sách
98. Thầy giúp lễ lãnh tác vụ để phục vụ bàn thờ, giúp linh mục và phó tế. Công việc chính của thầy là chuẩn bị bàn thờ và các bình thánh; nếu cần, thầy còn là thừa tác viên ngoại lệ cho tín hữu rước lễ.
Trong khi phục vụ bàn thờ, thầy giúp lễ có những phận vụ riêng phải thi hành (x. số 187-193).
99. Thầy đọc sách lãnh tác vụ để đọc các bài đọc Thánh Kinh, trừ bài Tin Mừng. Thầy cũng có thể xướng các ý nguyện của lời nguyện chung, và, khi không có người xướng thánh vịnh, thầy cũng có thể đọc thánh vịnh giữa các bài đọc.
Trong khi cử hành Thánh Thể, thầy đọc sách có phận vụ riêng (x. số 194-198), mà thầy phải đích thân thi hành.
Những phận vụ khác
100. Khi không có thừa tác viên được chính thức thiết lập, để phục vụ bàn thờ và giúp linh mục và phó tế, có thể cử những thừa tác viên giáo dân mang thánh giá, đèn nến, bình hương, bánh, rượu, nước, và cũng có thể được cử làm thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa.
101. Khi không có thầy đọc sách được chính thức thiết lập, thì có thể cử những giáo dân khác để đọc Sách Thánh. Họ phải là những người có khả năng thi hành nhiệm vụ này và được chuẩn bị kỹ lưỡng để, khi nghe đọc Sách Thánh, các tín hữu cảm nghiệm được trong lòng sự ngọt ngào và sức sống của Sách Thánh.
102. Người xướng thánh vịnh có nhiệm vụ đọc hoặc hát thánh vịnh hay ca khúc Thánh Kinh, xen vào giữa các bài đọc. Ðể chu toàn phần việc của mình, người xướng thánh vịnh cần biết nghệ thuật hát thánh vịnh, có khả năng phát âm và đọc cho đúng.
103. Trong hàng tín hữu, ca đoàn có phận vụ của họ trong phụng vụ, họ phải lo chu toàn cách thích đáng các phận vụ riêng của mình, tùy theo các loại ca khúc khác nhau; họ lại phải lo giúp tín hữu tham dự cách linh động vào việc ca hát. Những điều nói về ca đoàn cũng có giá trị đối với các nhạc công khác, nhất là đối với người sử dụng phong cầm, trừ những gì phải giữ riêng.
104. Nên có ca viên hay ca trưởng để điều khiển và trợ giúp cộng đoàn khi họ hát. Hơn nữa, nếu không có ca đoàn, ca viên sẽ điều khiển các bài hát, còn cộng đoàn sẽ tham dự hát phần dành cho họ.
105. Những người sau đây cũng có phận vụ trong phụng vụ:
a) Người coi phòng thánh phải sắp đặt cẩn thận các sách phụng vụ, lễ phục và những thứ khác cần thiết trong việc cử hành Thánh lễ.
b) Người dẫn lễ là người tùy nghi nói vài lời vắn tắt giải thích và hướng dẫn, để đưa tín hữu vào Thánh lễ và giúp họ hiểu Thánh lễ hơn. Những lời hướng dẫn của người dẫn lễ phải được soạn kỹ trước và phải vắn tắt rõ ràng. Trong khi lo phần vụ của mình, người dẫn lễ sẽ đứng ở nơi thuận tiện, trước mặt cộng đoàn, nhưng không được đứng ở giảng đài.
c) Những người làm nhiệm vụ xin tiền trong nhà thờ.
d) Trong một vài miền, còn có những người đón tiếp tín hữu ở cửa nhà thờ, dẫn họ vào chỗ xứng hợp và xếp đặt chỗ cho họ khi đi rước.
106. Nên có một thừa tác viên có khả năng chuyên môn gọi là trưởng nghi, ít nhất là trong các nhà thờ chánh tòa và nhà thờ lớn, để lo cho các hành động phụng vụ được diễn tiến cách thích hợp và được các thừa tác viên thánh chức và các tín hữu giáo dân thực hiện cách trang nghiêm, trật tự và đạo đức.
107. Những phận vụ phụng vụ không phải là phận vụ của riêng linh mục hay phó tế, như đã nói trên (số 100-106), có thể được cha sở hoặc cha quản thủ thánh đường trao cho những giáo dân có khả năng bằng sự chúc lành theo phụng vụ hoặc bằng sự ủy nhiệm tạm thời. Còn về việc giúp linh mục tại bàn thờ thì hãy tuân theo những chỉ thị do Giám mục ban hành cho giáo phận mình.
IV. Phân Phối Phận Vụ Và Chuẩn Bị Cho Việc Cử Hành
108. Cùng một linh mục phải chủ tọa mọi phần của Thánh lễ, ngoại trừ những điều liên quan tới Thánh lễ có giám mục hiện diện (x. số 92).
109. Nếu có nhiều người có thể thi hành cùng một tác vụ, thì không có gì cản trở, nếu họ chia nhau các phần vụ và nhiệm vụ để thi hành. Ví dụ: phó tế này phụ trách các phần ca hát, phó tế kia phụ trách công việc bàn thờ. Nếu có nhiều bài đọc, thì nên chia cho nhiều độc viên và các việc khác cũng vậy. Nhưng hoàn toàn không nên để nhiều người chia nhau cùng một yếu tố trong một cử hành. Ví dụ: hai người cùng đọc một bài đọc, mỗi người một nửa, trừ bài Thương Khó.
110. Nếu trong Thánh Lễ có cộng đoàn tham dự mà chỉ có một thừa tác viên, thì người này có thể thi hành nhiều phận vụ khác nhau.
111. Mọi người có trách nhiệm, hoặc về nghi thức, hoặc về mục vụ và âm nhạc, phải đồng tâm nhất trí với nhau để chuẩn bị cách thiết thực cho cuộc cử hành phụng vụ dưới sự điều khiển của vị quản thủ thánh đường. Cũng phải nghe ý kiến các tín hữu trong những gì trực tiếp liên quan đến họ. Còn linh mục chủ tọa Thánh lễ luôn có quyền sắp đặt những gì thuộc phạm vi của mình.