Nhân Thần Hội Ngộ
Quan Ðiểm Thần Học của Karl Rahner
Nguyên bản tiếng Hoa của Linh Mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ
Lời Giới Thiệu
của Linh mục Aloisius Luis Gutheinz, SJ,
Giáo sư tại Trường Ðại Học Phụ Nhân, Ðài Loan
Lời giới thiệu của Linh mục Aloisius Luis Gutheinz, SJ, Giáo sư tại Học Viện Thần học Giáo Hoàng Thánh Rober Bellarmine, Trường Ðại Học Phụ Nhân, Ðài Loan, về tác phẩm "Nhân Thần Hội Ngộ" của Linh mục Giáo sư Vũ Kim Chính:
Trong sự chuyển biến của thiên niên kỷ, toàn thể nhân loại và Kitô giáo đã ý thức được một sự thay đổi lớn về giai đoạn lịch sử, đó là, trong thiên niên kỷ thứ nhất, những Kitô hữu tập trung vào ba chủ đề trung tâm là Chúa Ba Ngôi, Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần; trong thiên niên kỷ thứ hai, Kitô hữu tập trung vào các vấn đề như tổ chức nội bộ, cải cách, chia rẽ, tục hóa và hiện đại hóa của Giáo hội; trong thiên niên kỷ thứ ba, dường như có xu hướng hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn toàn cầu hóa của đa chủng tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa, đa công nghệ.
Ngày nay, nhấn mạnh đến sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây chính là hướng tới sự hiệp thông mang tính toàn cầu. Trong quá trình giao lưu văn hóa, con người ngày càng ý thức rõ ràng: một mặt, mỗi nền văn hóa đều có nét độc đáo riêng, mặt khác cũng cảm thấy nền văn hóa tự thân còn thiếu sót và cần những nền văn hóa khác đa dạng hơn để bổ túc và làm phong phú thêm.
Trong bối cảnh tư tưởng nhân văn Trung Quốc, qua sự giải thích sâu sắc và cống hiến của tác giả Linh mục Vũ Kim Chính, quan điểm về tiên nghiệm tính của triết học và thần học về con người do học giả phương Tây Karl Rahner đề xuất, nhất là, một mặt, con người đối diện với các vấn đề của chính mình như chủ thể tính, nhân cách, cá tính và trách nhiệm đối với tự do; mặt khác, họ cũng phải đối diện với vấn đề cởi mở và gặp gỡ về tính tồn tại của mầu nhiệm vô hạn, cả hai phương diện đều có sự cống hiến sâu sắc.
Cuốn sách này mô tả rõ ràng quan điểm của Karl Rahner về con người, nhất là khái niệm về "Kitô hữu vô danh", có thể làm cơ sở cho cuộc đối thoại tôn giáo hiện đại, bởi vì nó chủ trương rằng mọi người, bất kể niềm tin tôn giáo hay quan điểm sống, đều sống trong phạm vi của mầu nhiệm vô hạn. Một số học giả đã đưa ra những phản ánh có tính phê phán về khái niệm này và tác giả cũng đưa ra những lời giải thích tương ứng trong cuốn sách của mình.
Giáo sư Vũ Kim Chính, một tác giả Á Ðông, đã dành 11 năm nghiên cứu triết học và thần học ở Inns-bruck, Áo (nơi Karl Rahner đã phát huy những ý tưởng thần học chính yếu của mình), nên ngài hiểu biết sâu sắc về tư tưởng của Rahner, tuy nhiên, do giới hạn trong khuôn khổ cuốn sách, mà chỉ có thể trình bày những khái niệm và phạm trù cơ bản trong tư tưởng của Rahner mà thôi. Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu thêm quan điểm thần học về con người của Rahner một cách chi tiết, xin xem các tài liệu tham khảo được cung cấp trong sách. Nói cách khác, cuốn sách này giống như một cẩm nang dẫn bạn đến với thế giới của Rahner.
Trong cuốn sách này, tác giả đề cập đến quan điểm thần học của Rahner về con người, tuy chưa đưa ra một đánh giá có hệ thống và chặt chẽ. Ví dụ, một số học giả cho rằng Rahner chưa đề cập rõ ràng đến tầm quan trọng trong mối quan hệ, tính xã hội và vấn đề môi trường sinh thái của con người, nhưng nó mang đến cho người đọc một không gian phát huy tự do.
Aloisius Luis Gutheinz, SJ,
Giáng Sinh 1999
(Linh mục Phạm Ngọc Ngôn chuyển dịch Việt ngữ từ bản tiếng Hoa)