Nhân Thần Hội Ngộ

Quan Ðiểm Thần Học của Karl Rahner

Nguyên bản tiếng Hoa của Linh Mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ

Giuse Nguyễn Phước Bảo Ân, SJ chuyển dịch Việt ngữ từ bản tiếng Hoa

 


Chương 6

Quan Niệm Về Tôn Giáo

Của Karl Rahner

 

Tiểu Dẫn

Trong tác phẩm cuối cùng "Tiến trình căn bản của đức tin", Karl Rahner có viết một chương đầy tính chiêm niệm là "Tiếp cận Huyền nhiệm tuyệt đối của con người", trong đó bàn về mối tương quan giữa con người và Huyền Nhiệm Thần Thánh. Song thật ra, chủ đề ấy cũng là điều Rahner đã nói đi nói lại nhiều lần rồi, giờ chỉ việc nối kết lại và phát triển thêm mà thôi.

Thật vậy, ngôn ngữ của mỗi nền văn hóa đều khác nhau, thậm chí cùng một nền văn hóa còn có đầy những sự phát triển và cải biến, nên khi dùng ngôn ngữ để nói về Thần thì quá là đầy giới hạn: quan niệm về Thần đâu phải là việc hễ con người chủ động là nắm bắt được, bởi Thần là một Huyền nhiệm khi ẩn khi hiện, khi đến khi đi. Quan niệm về Thần chính là việc con người cố diễn tả những kinh nghiệm mà họ có về Thần mà thôi.

Bởi thế, Thần vốn dĩ là "bất khả thuyết", "vô danh"; nhưng rồi trong kinh nghiệm đức tin, con người lại khẳng định Thần vừa như Nguồn Cội Tuyệt Ðối vừa như Cùng Ðích Viên Mãn mà đời sống con người phải nương tựa vào, thế là, Thần bị biến thành một đối tượng xa lạ. Cho nên, "Thần" rất phổ quát, bởi Thần là "Huyền Nhiệm Thần Thánh" (heiliges Geheimnis), có thể bao quát mọi tầng mức, góc cạnh, và phương thức khác nhau của việc nhận biết Thần, là sự hợp nhất nội tại và là nền tảng của sự nhận biết này.

Ða phần, những thần học gia nghiên cứu về Rahner đều khẳng định: Rahner nhắm thẳng vào điểm kết của sức sống, nên đã dồn tinh thần sáng tạo để đối diện với những dấu hiệu của thời đại, ví dụ: thần học giải phóng, thần học chính trị... Rồi trong quá trình không ngừng chuyển hóa, Rahner lại phát triển thêm một loại hợp đề mới: sự hiện hữu của Thần và ý nghĩa đời người là hai mặt không thể tách rời của cùng một thực tại. Ngài cho rằng "ý nghĩa đời người" dường như lấy lại "vấn đề chân lý" cũ kỹ, bởi thời đại của chúng ta rõ ràng đã tập chú vào chính con người và những vấn đề của nó, và coi đó như là xuất phát điểm ưu tiên số một. Dĩ nhiên, việc tìm kiếm câu trả lời cho Chân lý cũng là đến từ mối tương quan giữa đời sống và Thần mà thôi. Rahner bàn thêm, khi thảo luận về ý nghĩa đời người, chúng ta không thể nói về một thực tại đơn độc, hay là kỹ thuật liên kết mọi thứ với cùng đích, nhưng chúng ta đang nói lên lối nhìn về trọn cả cuộc sống.

Với Rahner, Huyền Nhiệm Thần Thánh được mặc khải rõ ràng trong "Chúa Kitô giáng sinh làm người", và đây cũng là nền tảng nặng ký nhất cho mối tương quan giữa Huyền Nhiệm Thần Thánh và mọi tạo vật. Do đó, tự nhiên và siêu nhiên là hai mặt không thể tách rời trong học thuyết Ân sủng của Rahner. Rồi "Kitô hữu vô danh" hay "Kitô giáo vô danh" đều là hệ quả của việc phản tỉnh thần học của chủ đề này, và chúng có thể được dùng để đối thoại với các tôn giáo khác: "Chúa Kitô đang hoạt động thế nào trong các truyền thống tôn giáo khác đây, cách mầu nhiệm và ẩn tàng chăng?"

Với câu hỏi trên, truyền thống lịch sử Kitô giáo cho thấy một sự căng thẳng tương đối phức tạp,

 

(Còn tiếp)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page