Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (5)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 05 -

Học Ðối Thoại

 

Nơi những trang đầu tiên của Sách Thánh, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa đã tạo dựng người nam rồi cho sống trong vườn địa đàng, đầy đủ mọi sự, đầy cây trái thơm ngon. Thế nhưng, người nam cảm thấy cô đơn, không hạnh phúc. Thiên Chúa phải tạo dựng người nữ để làm bạn với người nam. Con người ở một mình không tốt. Thế là cuộc đối thoại giữa con người với nhau được bắt đầu.

Ðối thoại là chiều kích hiện sinh không thể thiếu trong cuộc đời con người. Cái tôi luôn luôn hướng đến một ngôi vị khác ngoài tôi ra, để đối thoại, để phát triển chính mình. Triết gia Hy lạp, ông Socrate đã nói: ánh mắt của người khác, nhất là nơi mắt của một người bạn, là tấm gương để ta soi và sửa chữa những tật xấu của mình. Chúng ta cần người bạn. Chúng ta cần đối thoại. Nhưng làm sao để thực hiện tốt việc đối thoại? Chúng ta không mơ những việc đối thoại cả thể, để giải quyết những vấn đề quốc tế, nhưng muốn thực hiện tốt mối tương quan đối thoại trong cuộc sống thường ngày.

Trên bình diện suy tưởng tự nhiên, chúng ta có thể áp dụng hai chia sẻ sau đây. Trước hết là tư tưởng của triết gia Ferdnand Ebner, một triết gia kitô, như sau: Lời nói và tình thương là hai phương thế để đối thoại với anh chị em xung quanh... Lời nói và tình thương đi đôi với nhau... Tình thương giúp ta tìm ra lời nói đúng... Lời nói mà không có tình thương, là lời lạm dụng, dễ làm mất lòng.

Tư tưởng thứ hai là câu cách ngôn trong truyền thống khôn ngoan Do thái. Ðó là: Thiên Chúa đã ban cho con người hai lỗ tai và một cái miệng. Ðiều này có nghĩa là: để đối thoại với nhau, con người cần lắng nghe nhiều, trước khi nói.

Tổng kết lẽ khôn ngoan con người về đối thoại, chúng ta có thể nói: cần lắng nghe trước, nói sau, nhưng trong mọi sự phải có tình thương, làm linh hồn cho thái độ lắng nghe cũng như thái độ nói ra. Tình thương là linh hồn cho mọi hoạt động của con người. Và đặc biệt, đối với người kitô, tình thương đó phải là tình thương bác ái, là chính Chúa Kitô, là những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô: hãy mặc lấy những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô. Ðó là lời khuyên của thánh Phaolô tông đồ cho các tín hữu Philiphê. Mỗi người chúng ta cần cởi bỏ con người cũ, để mặc lấy con người mới đã được Chúa Kitô đổi mới, để sống hiệp thông với nhau, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, và như thế để chúng ta đối thoại với nhau tốt đẹp, hữu hiệu. Một cách cụ thể, chúng ta hãy kiểm điểm lại cuộc sống của mình theo những lời dạy của thánh Phaolô cho cộng đoàn Roma, nơi chương 12, 3-21.

Lạy Chúa, xin cho con có một thái độ khiêm tốn đầy tình thương đối với anh chị em xung quanh. Xin hãy ban cho con con tim của Chúa, đầy những tâm tình của Chúa, để sống yêu thương, hiệp thông và đối thoại với anh chị em xung quanh, trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

 

Manila, Philippines

Ðức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page