Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 90 -
Thiên Chúa Nhân Từ
Trong tuyển tập ngụ ngôn của hai anh em người Ðức vào thế kỷ thứ 19 người ta đọc được câu chuyện có nội dung như sau:
Hai cha con nọ thỏa thuận ngầm với nhau là người con được tự do làm bất cứ điều gì mình muốn miễn là mỗi lần làm một hành động xấu nó phải đóng một cây đinh vào cánh cửa và ngược lại nó sẽ được nhổ một cây đinh khỏi cánh cửa khi nó làm được một hành động tốt.
Chưa đầy một năm cánh cửa không còn một chỗ trống nào để đóng đinh vào nữa. Người con chợt nhận ra cuộc sống quá xuống dốc của mình. Nó mới hồi tâm và quyết định tu sửa. Không đầy một năm sau, mọi cây đinh đều lần lượt được gỡ ra khỏi cánh cửa. Ngày cây đinh cuối cùng được tháo gỡ khỏi cửa, người cha sung sướng chạy đến ôm hôn đứa con, nhưng nó lại đẩy người cha ra và khóc oà lên. Người cha ngạc nhiên thốt lên:
- Tại sao con khóc? Tất cả những cây đinh đã được nhổ khỏi cánh cửa, con không cảm thấy hạnh phúc vì đã sống tốt đẹp hơn sao?
Ðứa con thổn thức:
- Thưa cha, đúng thế, nhưng cho dầu cây đinh đã nhổ đi rồi, những cây đinh vẫn còn để lại những cái lỗ trên cánh cửa.
Quý vị và các bạn thân mến,
Trong cuộc đàm đạo với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu có nhắc đến một biến cố trong cuộc lữ hành tiến về đất hứa của người Do Thái (x. Ga 3:14-15). Giữa cuộc sống cơ cực thiếu thốn nhiều người đã lên tiếng phàn nàn trách móc Chúa. Bỗng đâu rắn từ giữa sa mạc bò ra cắn khiến nhiều người bị thiệt mạng hay thương tích. Ông Môisen mới cho đúc một con rắn đồng treo lên trên cây cao và yêu cầu tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào đó. Quả thực, ai nhìn vào con rắn đồng ấy cũng đều khỏi cả. (x. Dân Số 21:4-9). Chúa Giêsu mượn giai thoại ấy để nói về cái chết của Ngài trên Thập giá. Cái nhìn hướng lên con rắn đồng đã chữa lành những ai bị rắn cắn. Cũng thế, Thập Giá của Chúa Giêsu càng được chiêm ngắm với niềm tin tưởng ấy. (x. Ga 3:14-15).
Thập giá vốn là tột cùng của sự bỉ ổi mà con người có thể dành cho nhau, nhưng với sự hiến thân hy sinh của chúa Giêsu, Thập Giá đã biến thành biểu tượng của tình yêu. Ðó là ý nghĩa của Thập Giá mà các tín hữu Kitô không ngừng được mời gọi để chiêm ngắm và tôn kính.
Nhìn lên Thập giá là nhận ra dấu vết của tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Tưởng niệm vốn là một tác động thiết yếu trong nghi lễ phụng vụ của Kitô giáo. Tất cả chu kỳ phụng vụ là một cuộc tưởng niệm những biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu và quan trọng hơn cả chính là cái chết của Ngài. Tưởng niệm không chỉ là nhớ lại mà chính là sống lại biến cố ấy. Ðó là ý nghĩa của lời tuyên bố của Thánh Phaolô: "Tôi phải bổ túc cho những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu". (Côlôsê 1:24).
Tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu, người tín hữu Kitô cũng nhìn lại cuộc sống của mình trong ánh sáng mầu nhiệm ấy. Cái chết đã trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội ác đã khơi màu hồng ân của sự sống. Tất cả mọi sự đều là ân sủng của Chúa. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi nhìn lại quãng đời đi qua của mình với niềm tin tưởng ấy. Cái ý thức về sự vấp ngã yếu hèn không đè bẹp họ mà trái lại càng thúc đẩy họ nhìn lên Thập giá của Chúa Giêsu với niềm cậy trông mãnh liệt.
Những lỗ đinh còn lại trên cánh cửa không làm cho họ thất vọng chán nản. Những vết sẹo trên mình vốn là dấu vết của sự chúc lành và ban ơn trợ giúp, nhờ đó họ đã chiến thắng được bản thân yếu hèn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận mọi sự dưới ân sủng của Chúa, dù gặp thất bại rủi ro và ngay cả sự vấp ngã.
Xin cho chúng con vẫn một lòng tin tưởng nơi tình yêu đỡ nâng, tha thứ và tái tạo của Chúa. Amen.