Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 69 -

Ông Chủ Và Người Nô Lệ

 

Của cải vật chất chỉ là phương tiện. Phúc cho người có tinh thần nghèo khó.

Chuyện cổ Tây phương có kể câu chuyện như sau:

Một ông chủ nọ có một người nô lệ, người nô lệ này yêu thương và kính trọng ông chủ mình bao nhiêu thì ông chủ cũng yêu thương và quý mến người nô lệ bấy nhiêu. Cuộc sống chung giữa chủ và tớ xem ra hài hòa rất mực đến đỗi hai bên không bao giờ tỏ ra có bất cứ một sự bất mãn nào.

Ngày nọ, có một học giả tình cờ biết được câu chuyện, ông mới tìm đến gặp người nô lệ và mớm cho anh ta những ý nghĩ như sau:

- Này anh bạn, anh bạn cứ chịu đựng mãi tình trạng này sao? Anh không thấy rằng ông chủ của anh có tất cả mọi sự, còn anh thì không có gì lại còn phải lao nhọc vất vả suốt ngày để phục dịch ông chủ, giả như được làm ông chủ hẳn anh sẽ được hạnh phúc hơn.

Người nô lệ suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Tôi không hiểu rồi sẽ ra như thế nào, hiện tại tôi thấy yên ổn, cả hai chúng tôi đều sống hạnh phúc với nhau.

Học giả liền gợi ý:

- Anh hãy thử đề nghị với ông chủ anh, ông ta sẽ xuống làm nô lệ còn anh lên làm chủ.

Tuy không thích nhưng người nô lệ cũng làm theo lời đề nghị của người học giả. Sau khi trao đổi với nhau, người chủ và người nô lệ đồng ý hoán đổi vị thế của nhau. Chủ xuống làm nô lệ, còn nô lệ lên làm chủ. Người chủ đến ở trong cái lều tồi tàn của người nô lệ, ngày ngày chăm sóc vườn tược và súc vật. Người nô lệ đến ở trong cái nhà sang trọng của chủ, ngày ngày đi dạo ngắm hoa và yến tiệc.

Một thời gian sau, người học giả trở lại để kiểm chứng về cuộc thí nghiệm của ông, ông hỏi người nô lệ:

- Tôi đâu nói có sai, xem anh bây giờ có vẻ hạnh phúc hơn trước kia.

Người nô lệ trả lời rằng:

- Tôi cũng không biết nữa, thành thật mà nói, tôi không tin ở lời đề nghị của ông. Căn nhà của tôi đang ở gió lồng lộng làm tôi cảm thấy lạnh lẽo, lại nữa tôi không còn được chăm sóc cỏ cây hoa trái trong vườn, rồi phải đếm tiền suốt ngày đêm làm tôi thêm buồn ngủ mà thôi.

Người học giả gợi ý:

- Nhưng ông có một người nô lệ sao ông không sai nó.

Người nô lệ lắc đầu nói:

- Bây giờ tôi làm chủ, tôi chỉ thấy nhớ những công việc mà tôi đã từng làm trước kia mà thôi.

Thất vọng về lý thuyết của mình, người học giả mới tìm đến với người chủ trước đây đang xuống làm nô lệ, người chủ nói một cách chân thành:

- Căn nhà mới của tôi bây giờ có chật hẹp và tồi tàn thật, nhưng tôi cảm thấy hứng thú hơn, lắm việc tuy chân tay có mệt mỏi thật nhưng bây giờ tôi cảm thấy khỏe hơn trước kia và nhất là tôi không còn phải bận tâm về chuyện tiền bạc nữa.

Người học giả chợt nhận thức rằng: "Trong xứ sở này không có khác biệt giữa căn nhà rộng rãi và túp lều tranh tồi tàn, không có sự khác biệt giữa cao lương mĩ vị và bữa cơm thanh đạm khi người ta biết sống hài hòa với một tâm hồn thanh thản."

Quý vị và các bạn thân mến,

Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để ta sống xứng với phẩm giá của mình cũng như đạt đến cứu cánh vĩnh cửu, bao lâu còn là phương tiện của cải vật chất còn phục vụ con người, nhưng một khi đã trở thành cứu cánh thì của cải sẽ làm chủ và sai khiến con người. Chúa Giêsu cũng sống trong trần thế như chúng ta. Ngài cũng có một thân xác cho nên đã không tỏ ra xa lạ đối với của cải trần thế này. Tuy nhiên, bằng cả cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy đâu là thái độ phải có đối với của cải trần thế này. Ngài đã có thể có tất cả mọi sự, nhưng Ngài đã chọn sống nghèo khó. Ngài có thể sử dụng mọi sự nhưng Ngài đã chọn hy sinh và từ bỏ. Ngài tuyên bố:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó" (Mt 5:3). Tinh thần nghèo khó đích thực như Chúa Giêsu đã sống chính là không tôn thờ của cải vật chất trong cuộc sống này làm cứu cánh, nhưng biết tìm kiếm và sử dụng nó như phương tiện để đeo đuổi và xây dựng nước trời.

Lạy Chúa, dù phải lao nhọc vất vả vì chén cơm manh áo hằng ngày. Xin cho chúng con biết luôn nhìn về trời cao để không bao giờ lạc bước trong cuộc sống trong khi mưu cầu cũng như sử dụng của cải trần thế.

Xin cho chúng con biết luôn đeo đuổi và xây dựng những giá trị nước trời là tình huynh đệ, liên đới, sự công bằng, sự bình an và tình yêu thương. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page