Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 59 -

Chiếc Nhẫn Thần

 

Ðể đề cao Tinh thần phục vụ, người ta kể lại câu chuyện vui như sau:

Có một nhà vua kia được mọi người yêu mến vì tâm hồn khiêm tốn và luôn sẵn sàng phục vụ của ông. Bí quyết của thái độ phục vụ này là nhờ chiếc nhẫn vạn năng ông luôn đeo trên tay, nó có sức mạnh biến đổi người đeo thành một kẻ phục vụ.

Ông có hai người con cùng được ông thương yêu bằng nhau đến độ ông không biết phải nhường ngôi lại cho người con nào. Cuối cùng ông nghĩ ra phương cách này là cho làm thêm một chiếc nhẫn khác nữa giống y như chiếc nhẫn vạn năng ông đang đeo. Ðến khi sắp lìa đời, ông cho gọi hai hoàng tử đến và nói: Ðây cha để cho hai con tự do chọn lấy một trong hai chiếc nhẫn này, mỗi người một chiếc. Ai may mắn chọn được chiếc nhẫn vạn năng thần thì người đó sẽ lên kế vị cha.

Hai người con vội chọn lấy cho mình chiếc nhẫn và người nào cũng tự cho là mình đã được nhẫn thần. Và vua cha qua đời trong khi chưa chỉ cho biết ai là người đã được nhẫn thần. Hai hoàng tử liền triệu tập các bô lão đến và yêu cầu phân xử. Nghe qua câu truyện vị đứng đầu các bô lão liền tuyên bố: Chúng ta khoan quyết định về chiếc nhẫn vạn năng, hãy chờ thêm một thời gian nữa, vị hoàng tử nào trong hai người đây là con người được chiếc nhẫn thần sẽ trở thành người khiêm tốn nhất phục vụ người khác thì người đó có chiếc nhẫn vạn năng và xứng đáng là người kế vị làm vua đất nước này.

Quý vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên có thể giúp chúng ta bước vào trong đề tài chính của Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật truyền giáo. Ðề tài cũng rất phù hợp cho những suy tư của chúng ta trong ngày Chúa Nhật truyền giáo này. Chúa Giêsu Kitô là nhà truyền giáo đầu tiên nguyên thủy được Thiên Chúa Cha sai đến, là mẫu mực cho mọi nhà truyền giáo khác và bí quyết sống của Chúa đã được Ngài bộc lộ cho các tông đồ trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc qua: "Ta đến không phải để được kẻ khác phục vụ hầu hạ, nhưng là để phục vụ mọi người và hiến mạng sống mình cho kẻ khác" (Mt 20:28). Chúa Giêsu đã thực hiện điều này không phải bằng chiếc nhẫn thần như vị vua trong câu chuyện trên, nhưng bằng một hành động hy sinh cao cả mà gọi bằng từ ngữ là: "Chén Ngài uống, Phép Rửa Ngài chịu" như trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc qua.

Hai môn đệ Giacôbê và Gioan bị cám dỗ muốn được ngồi bên tả bên hữu Ngài, muốn chia sẻ vinh quang và quyền bính của một vị vua trần gian mà họ nghĩ Chúa Giêsu là Ðấng Thiên sai chính trị của đế quốc Roma lúc đó và 11 môn đệ khác cũng thầm ao ước được như vậy nên họ tỏ ra bực tức, ganh tỵ với 2 anh em Giacôbê và Gioan khi biết hai ông này xin Chúa được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Cách đó không lâu họ cũng đã tranh luận với nhau xem ai là kẻ lớn nhất trong nước Chúa đến độ Chúa phải can thiệp bằng một hành động cụ thể. Chúa đem một trẻ nhỏ đến và tuyên bố: "Nếu các con không trở nên như con trẻ này, thì sẽ không vào được nước trời", và lần này trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe qua, Chúa Giêsu đem chính mẫu gương ngày ra: "Con người đến không phải để được hầu hạ, được phục vụ nhưng là để hy sinh mạng sống của mình để phục vụ kẻ khác". (x. Mt 20:17-28)

Phương thế vạn năng Chúa Giêsu dùng không phải là chiếc nhẫn thần nhưng là chính hy sinh của Chúa trên Thập giá và Chúa muốn cho các môn đệ trải qua con đường này là: "Uống chén Chúa uống. Chịu Phép Rửa Chúa chịu", để được thanh luyện được tràn đầy Chúa Thánh Thần mà trở thành chứng nhân truyền giáo như Chúa và thực sự các tông đồ của Chúa đã trải qua con đường Thập giá này. Thánh Phaolô đã tâm sự: "Tôi chịu đóng đinh trên Thập giá với Chúa Giêsu để trở thành nhà truyền giáo". Ðây là điều kiện căn bản và đầu tiên không thể không có, có nhiều điều kiện khác nữa nhưng điều kiện đóng đinh vào Thập giá với Chúa là điều kiện căn bản để có tinh thần phục vụ như Chúa.

Cuộc đời của những nhà truyền giáo chân thật đã nêu gương cho chúng ta, không phải chúng ta đeo nhẫn vạn năng, đeo Thập giá Chúa trên mình là chúng ta trở thành nhà truyền giáo, nhưng chúng ta phải đi qua con đường Thập giá. Ðặc biệt hôm nay, cuộc đời Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, Bổn Mạng Các Sứ Truyền Giáo mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trao ban tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh hôm nay (ngày 19 tháng 10 năm 1997). Cuộc đời của Thánh nữ là bằng chứng hùng hồn. Thánh nữ đã trở thành nhà truyền giáo vĩ đại, vì đã sống mầu nhiệm Thập giá một cách trọn vẹn nhất có thể. Ðọc tập sách của thánh nữ, "Chuyện Một Tâm Hồn" chúng ta sẽ nhận thấy điều này: Bao lâu chúng ta chưa đi qua con đường Thập giá chưa được biến đổi bởi Mầu nhiệm Vượt qua thì chúng ta chưa có Thánh Thần của Chúa thì chúng ta chưa trở thành nhà truyền giáo của Chúa.

Biến cố được ghi lại trong Phúc Âm hôm nay về Giacôbê và Gioan và các môn đệ là một bài học cho chúng ta. Chúng ta đừng quên điều này. Xin Chúa biến đổi mỗi người chúng ta trở thành nhà truyền giáo của Chúa.

(19 tháng 10 năm 1997)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page