Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 11 -

Tất Cả Ðều Là Ân Sủng

 

Ðầu năm 1994, một quyển hồi ký có tựa đề "Hang Sư Tử" (Den of Lions) đã được xếp vào loại bán chạy nhất.

Tác giả của quyển hồi ký là Terry A. Anderson, một ký giả Hoa Kỳ, cựu Trưởng phòng Thông tin của hãng Thông tấn API tại Liban, đồng thời cũng là cựu phóng viên chiến trường tại Việt Nam trong thời gian 6 năm. Trong quyển hồi ký này, tác giả đã suy gẫm về thân phận con người và về cái khả năng biến hóa của cá nhân khi gặp gian truân thử thách. Người ta có thể xem đó như một dụ ngôn về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

Một buổi sáng ấm trời vào ngày 16 tháng 3 năm 1985, tại trung tâm thủ đô Beirus của Liban, Anderson bị 3 tên khủng bố của nhóm Hồi giáo cực đoan chận bắt và đẩy vào chiếc xe Mercedes màu xanh với màn kéo, tay chân bị trói chặt, miệng dán băng keo và mình bị trùm chăn. Kể từ ngày hôm đó, trong suốt 6 năm 9 tháng trời (16/03/1985 - 4/12/1991), Anderson đã trải qua không biết bao nhiêu trò tẩy não, hành hạ thân xác, xúc phạm đến nhân phẩm và khủng bố trí tuệ.

Mòn mỏi trông đợi một sự giải thoát luôn bị đình hoãn, con tin Anderson đi từ thất vọng này sang thất vọng khác, nhưng vẫn quyết tâm không hề buông xuôi. Trắc nghiệm nghiêm trọng nhất cần phải vượt qua để sống còn, theo tác giả, không phải là những tủi nhục đớn đau thể xác. Nhu cầu tối yếu để tồn tại là giải quyết bằng mọi cách tình trạng cô đơn khủng khiếp về tâm lý lẫn tinh thần do điều kiện giam giữ khắc nghiệt gây ra. Thật vậy, do điều kiện cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, con người ngụp lặn trong cái cảm giác bị mọi người bỏ rơi, và luôn cả Thượng Ðế cũng xem chừng bỏ mặc.

Trong một trang sách, tác giả đã kể lại cuộc gặp gỡ định mệnh giữa mình và một con chuột đói trong hầm tối.

Mỗi ngày, Anderson thấp thỏm đợi một con chuột đến chia sẻ miếng bánh mì cũ, lần hồi con chuột dạn dĩ bò lên vai của Anderson, và cả hai đã trở nên đôi bạn tri kỷ. Sau những ngày thất vọng đen tối là giai đoạn khó khăn của sự chấp nhận. Anderson đã tìm thấy an ủi trong cầu nguyện. Con đường Thập giá đã dẫn dắt Anderson đến tự xét bản thân, suy tư về cuộc sống và lần hồi tìm lại được đức tin. Sự bất hạnh đã hoàn toàn thay đổi con người vô thần, kiêu ngạo, bất ổn, cộc cằn, thành một con người biết thế nào là cầu nguyện, chấp nhận và phó thác. Tác giả cảm thấy đã khám phá được lẽ sống và một sức chịu đựng chưa từng có. Sau cùng, một khích lệ vô giá đã được ban cho Anderson.

Một ngày nọ, những người giữ ngục thỏa mãn lời van xin của ông. Họ đã mang đến cho ông một quyển Kinh Thánh cũ kỹ. Anderson đã ngấu nghiến đọc đến 50 lần toàn bộ Kinh Thánh. Mỗi đoạn Kinh Thánh là một điều giác ngộ và là một nguồn khuây khỏa. Ngày qua ngày, Anderson đã nhận thức được hiệu năng cứu rỗi của sự tha thứ.

Anderson được phóng thích ngày 04 tháng 12 năm 1991. Trong một buổi trả lời phỏng vấn vào ngày 2 tháng 1 năm 1995, một đám đông ký giả vây quanh ông và hỏi: "Liệu ông có thể tha thứ cho những người đã bắt cóc ông không?" Charles Anderson suy nghĩ một giây, nhớ lại Kinh Lạy Cha: "Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Anh trả lời như sau:

- Là người tin ở Thiên Chúa, tôi phải tha thứ cho họ, mặc dù việc này có khó khăn đến đâu.

Quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta vẫn nói: "Lửa thử vàng, gian nan thử đức". Tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, đau khổ có thể là quả bồ hòn gây đắng cay cho cả một đời, hay trái lại là nguồn suối mát gột rửa tâm can, để vạch ra một nhãn quan mới về cuộc đời, về vũ trụ, về con người. Khổ đau có sức rèn luyện nhân cách của con người. Sự vụng về, gián đoạn và bếp bênh của cuộc sống có sức tạo ra một khả năng mới làm cho con người thay đổi và thích nghi trước âu lo, bất trắc và khổ đau trong cuộc sống. Ðiều này không chỉ đúng về mặt tâm lý. Nhìn đau khổ trong ánh sáng đức tin, những người có đức tin lại càng nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa.

Trải qua trăm nghìn thử thách và nguy hiểm, Thánh Phaolô vẫn cảm nghiệm được bàn tay quan phòng của Chúa. Ngài nói: "Ðối với những ai yêu mến Chúa thì mọi sự đều quy về điều thiện hảo. Tất cả đều là ân sủng của Chúa". Ðây phải là cái nhìn của mỗi người tín hữu Kitô. Chúng ta không ngừng được mời gọi để mặc lấy, để nhìn vào từng biến cố của cuộc sống chúng ta. Trong sự quan phòng kỳ diệu của Chúa, tất cả mọi sự, ngay cả bất hạnh, khổ đau đều là ân sủng của Chúa.

Lạy Chúa, gánh nặng của cuộc sống và của tội lỗi đang đè nặng khiến chúng con muốn buông xuôi bỏ cuộc. Xin Chúa chiếu rọi ánh sáng vào tâm hồn chúng con, để chúng con biết nhận ra bàn tay đang trợ giúp, đỡ nâng của Chúa, và đón nhận mọi biến cố như ân ban của Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page