Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 147 -

Trung Tín

 

Người ta kể về vua Alfres của nước Anh vào thế kỷ thứ 9 một giai thoại như sau:

Trong những năm đầu của triều đại, ông thường cải trang thành một người dân để đi khắp nơi hầu biết rõ những yêu cầu của dân chúng.

Ngày nọ, ông đi đến một ngôi làng mất hút giữa một khu rừng rộng, ven làng chỉ lác đác vài ba căn nhà lụp xụp, ông quyết định dừng chân và nghỉ lại một trong những căn nhà lụp xụp đó. Vừa vào nhà, ông bắt gặp một người đàn bà đang chuẩn bị để cho bánh mì vào lò, ông xin người đàn bà cho nước uống, nhìn thấy người đàn ông ăn mặc sang trọng, lại có tư cách đáng kính, người đàn bà đã niềm nở đón tiếp người khách quý, chợt người đàn bà nhớ lại mình còn quên một ít vật dụng ở ngoài rừng, bà nhờ người khách quý trông chừng lò bánh mì và dặn kéo ra đúng lúc khi bánh vừa chín.

Ông vua của nước Anh nhận công tác và đặt hết sự chú ý vào lò bánh, nhưng điều đó không phải là việc làm quen thuộc của một ông vua cho nên chỉ sau vài phút đồng hồ, tâm trí ông đã hướng đến những việc đại sự của quốc gia. Khi người đàn bà trở lại thì lò bánh mì đã có mùi khét, với tâm tình chất phác của một người dân quê, người đàn bà đã không ngần ngại trách móc người khách quý bằng đủ mọi lời lẽ. Không chịu đựng nổi sự sỉ nhục, ông vua nói với người đàn bà:

- Này bà, nếu bà biết được rằng, tôi là vua của nước Anh, và tôi đang có biết bao nhiêu bận tâm to tát hơn cái lò bánh mì của bà thì có lẽ bà đã không có những lời lẽ như thế đối với tôi.

Người đàn bà cúi mình xin lỗi nhà vua, nhưng không quên dạy cho ông một bài học:

- Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ đã hứa trông chừng cái lò bánh mì, thì thiết nghĩ, bệ hạ cũng phải quên đi chuyện đại sự của quốc gia để chú tâm vào lời hứa của mình.

Nhà vua không còn lời lẽ nào để chống chế, ông đứng lặng thinh và chợt hiểu ra, người đàn bà có lý. Ðó là bài học quý báu nhất trong những ngày ông cải trang để tìm hiểu dân tình.

Quý vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên đây đã gửi lại cho chúng ta câu châm ngôn quen thuộc trong nền luân lý Khổng giáo của chúng ta: "Tu thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ".

Muốn quản lý một gia đình. Muốn cai trị một quốc gia. Muốn làm chủ cả thế giới thì trước tiên, hãy làm chủ, hãy cai trị chính mình. Không giữ được lời hứa với một người đàn bà nghèo hèn, làm sao có thể trung tín với toàn dân. Câu chuyện trên đây có lẽ cũng nhắc nhở chúng ta nhớ đến dụ ngôn các nén bạc. Với những người đầy tớ lấy 5 và 2 nén bạc, người chủ đã khen thưởng như sau: "Hỡi đầy tớ đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ giao cho ngươi những việc quan trọng hơn". (Mt 25:23)

Trung tín trong những việc nhỏ, đó là hình ảnh của những môn đệ đích thực của Ðức Kitô. Bởi vì sức mạnh của Nước Trời, những thể hiện của Nước Trời không phải là những biểu dương rầm rộ bên ngoài, những điều có thể trông thấy được, mà trái lại chính là sức mạnh của những cái nhỏ bé, những cái tầm thường, những cái vô danh. Chúa Giêsu há chẳng ví Nước Trời với hạt cải bé nhỏ đó sao? (x. Lc 13:18)

Sống trung tín trong việc nhỏ đối với người tín hữu Kitô chúng ta là biết nhận ra sự hiện diện và tiếng gọi thầm kín của Chúa trong từng biến cố và phút giây của cuộc sống.

Sống trung tín trong những việc nhỏ cũng có thể là tiếp tục tin tưởng và phó thác ngay trong những thất bại tăm tối của cuộc sống.

Sống trung tín trong việc nhỏ cũng có thể là nhận ra giá trị của khổ đau và những hy sinh âm thầm từng ngày.

Sống trung tín trong những việc nhỏ cũng có thể là nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mỗi tha nhân, nhất là những người nghèo hèn khốn khổ.

Lạy Chúa, chúng con được gọi là tín hữu của Chúa. Xin cho chúng con biết tỏ ra xứng đáng là những người có tín thành.

Tín thành để biết đặt tất cả tin tưởng và phó thác vào tình yêu chung thủy của Chúa.

Tín thành vì biết trung thành trong những việc nhỏ bé mà Chúa đã trao phó cho chúng con. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page