Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 130 -
Bài Giảng Biết Ði
Một buổi chiều năm 1953, các ký giả và một số nhân viên chính phủ Hoa Kỳ đang trực tại một nhà ga xe lửa ở Chicagô để chào đón người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1952.
Người vừa xuống khỏi xe lửa là một người đàn ông cao lớn, tóc quăn và mang một chòm râu mép dài. Các máy ảnh chớp lia lịa, các nhân vật cấp cao của thành phố dang rộng tay để đón chào vị thượng khách. Người được giải Nobel Hòa Bình cảm ơn mọi người rồi đưa mắt nhìn vào một chỗ nào đó trong sân ga, ông xin kiếu vài phút để đi thẳng về hướng đó, tất cả mọi người đều tưởng ông đã để quên hành lý.
Ông băng qua đám đông trực chỉ đến một người đàn bà da đen có tuổi đang khệ nệ với hai chiếc vali nặng trên tay, ông đưa tay cầm lấy cả hai vali, mỉm cười với người đàn bà và đưa bà ra một chiếc xe buýt gần đó. Khi giúp người đàn bà lên xe, ông không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông đang chờ đợi ông xin lỗi vì đã bắt mọi người chờ đợi.
Người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1952 ấy không ai khác hơn là bác sĩ Albert Schweitzer, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cuộc đời cho người nghèo tại Phi châu. Chứng kiến cử chỉ của ông, một người thuộc ủy ban tổ chức đón tiếp ông hôm đó đã nói với các ký giả như sau: "Ðây là lần đầu tiên tôi thấy được một bài giảng biết đi".
Quý vị và các bạn thân mến,
Hôm nay ngày cuối tháng Sáu, tháng được dành riêng để kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được nhắc nhở về tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua cuộc đời và nhất là cái chết của Chúa Giêsu. Lời của Thiên Chúa luôn được thể hiện bằng hành động. Lời Ngài nói ra liền có trời đất muôn vật. Thiên Chúa không chỉ nói yêu thương con người bằng những lời nói suông. Lời nói yêu thương của Ngài tác thành nhục thể để chia sẻ trọn vẹn thân phận con người. Và cuối cùng có lẽ không còn ngôn ngữ nào để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Lời yêu thương ấy đã âm thầm đón nhận cái chết trên thập giá. Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu chính là lời tỏ tình trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa đối với con người. Ðó có lẽ là chân lý mà Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm trong suốt tháng Sáu vừa qua.
Thiên Chúa yêu thương con người và dùng chính cái chết của Con Một Ngài để tỏ bày tình yêu ấy với con người. Bài học yêu thương ấy chỉ được hiểu và đón nhận với tất cả cuộc sống của chúng ta. Tình yêu luôn mời gọi đáp trả bằng tình yêu. Nhưng tình yêu đích thực không chỉ được nói lên trên môi miệng mà còn phải được diễn tả bằng những hành động cụ thể bằng tất cả cuộc sống. Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa qua cái chết của Chúa Giêsu, người tín hữu Kitô chúng ta cũng được mời gọi để loan truyền và san sẻ tình yêu ấy cho mọi người. Chúng ta không chỉ loan truyền bằng những lời nói suông mà còn bằng cả cuộc sống yêu thương của chúng ta. Chúng ta phải là những bài giảng sống động và biết đi về tình yêu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, qua những biến cố trong cuộc sống được nhìn dưới ánh sáng của cái chết của Con Chúa trên thập giá.
Xin cho chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa. Xin cho cả cuộc sống của chúng con cũng được trở thành một loan truyền và san sẻ tình yêu của Chúa cho mọi người. Amen.