Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 118 -

Mến Chúa Và Yêu Người

 

Một tác giả nọ tưởng tượng ra một câu chuyện như sau:

Ngày nọ, có một người thanh niên không rõ nguyên do nào đã bị công an tầm nã gắt gao. Trên đường tẩu thoát, anh đã đến xin tá túc trong một ngôi làng Công giáo, dân chúng trong giáo xứ biết rõ tình cảnh của anh cho nên đã săn sóc và che giấu anh rất tận tình. Tuy vậy, khi công an đến lục soát trong làng, ai ai cũng cảm thấy lo sợ, những kẻ săn đuổi người thanh niên hăm dọa sẽ thiêu rụi ngôi làng và giết sạch dân làng nếu họ không tìm được anh ta trước khi mặt trời lặn.

Dân chúng tìm tới vị linh mục và hỏi ý kiến ông. Bị xâu xé bởi một bên là lòng thương xót đối với người thanh niên và một bên là sinh mạng của cả một giáo xứ. Vị linh mục không thể đưa ra một quyết định tức khắc được. Ông vào phòng đóng cửa lại và mở Kinh Thánh ra đọc, hy vọng tìm được một giải pháp cho tình huống vô cùng khó xử này. Sau nguyên một buổi sáng tìm kiếm, cuối cùng ông nhớ lại lời của ông Cai Pha khi nói về cái chết của Chúa Giêsu như sau:

"Thà một người chết hơn là cả một dân tộc bị tiêu diệt" (Ga 11:50). Tưởng như được lời Chúa soi sáng, ông đến gặp công an và chỉ chỗ trú ẩn của người thanh niên. Sau khi công an đã đem người thanh niên đi xử tử, cả giáo xứ mở tiệc ăn mừng vì đã được thoát chết, vị linh mục đã không tham dự vào ngày vui của dân chúng. Cái chết của người thanh niên mà ông biết là vô tội đã giày vò tâm tư ông, ông giam mình trong phòng như để sám hối vì hành động thiếu can đảm của ông. Ðêm đó, một vị sứ thần đã hiện đến và tra vấn ông về những gì ông đã làm trong ngày. Vị linh mục đáp:

Tôi đã trao người thanh niên cho kẻ thù. Vị sứ thần tiết lộ cho ông. Người thanh niên ấy chính là Chúa Giêsu. Lời tiết lộ của vị sứ thần càng làm cho vị linh mục bối rối thêm. Sứ Thần dẫn giải: "Nếu thay vì đọc Kinh Thánh, ông đến thăm người thanh niên và nhìn thẳng vào mắt anh ta, ông sẽ nhận ra anh ta là ai".

Quý vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên đây có thể là một dụ ngôn về sự cầu nguyện. Cầu nguyện là gặp gỡ, là đối thoại với Chúa. Cầu nguyện là hơi thở của người có niềm tin. Có những giây phút ưu biệt để gặp gỡ Chúa và múc lấy sức sống. Ðó là đòi hỏi thiết yếu trong đời sống của người tín hữu. Nhưng gặp gỡ và đối thoại với Chúa không phải là để giam hãm mình trong một sự ấm áp ích kỷ mà chính là để trở về với trần thế, để gặp gỡ với tha nhân. Chúa Giêsu đã lên núi cầu nguyện một mình, nhưng Ngài đã không ở lại mãi trên núi. Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm, nhưng không phải là để trốn chạy mà là để trở lại gặp gỡ con người. Lời cầu nguyện đích thực phải chăng không là ôm trọn lấy tha nhân và trở về với tha nhân.

Nếu cầu nguyện là để gặp gỡ Chúa và trở về với tha nhân thì phải chăng gặp gỡ tha nhân không là một lời cầu nguyện. Chúa Giêsu há đã không tự động hóa mình với tha nhân đó sao? Ngài đã chẳng nói: Lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa chính là lòng thương xót đó sao? (x. Mt 12:7). Gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa để tìm gặp tha nhân và gặp gỡ Thiên Chúa trong tha nhân. Ðó là lời cầu nguyện đích thực của người tín hữu Kitô. Bàn thờ trong Giáo đường phải được nối dài bằng bàn thờ trên chợ đời. Mọi lối gặp gỡ với tha nhân đều quy về Giáo đường.

Tựu trung, đó cũng chính là hai giới răn chủ yếu trong đạo của chúng ta là mến Chúa và yêu người. Không thể yêu mến Thiên Chúa mà ghét bỏ con người. Nhưng không thể yêu mến con người mà lại không gặp gỡ Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn thuộc trọn vẹn về Chúa và biết tìm gặp Chúa qua tha nhân. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page