Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 112 -

Trao Tặng Tình Thương

 

Thi sĩ nổi tiếng người Áo là Rainer Maria Rilke qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1926 tại Valmont Sanatorium, Switzerland. Mỗi buổi chiều ông có thói quen thả bộ qua các ngõ phố gần nơi ông ở. Ngày nào ông cũng gặp một người đàn bà ăn xin bên vệ đường, người đàn bà ngồi đó đón nhận những đồng xu nhỏ của khách qua đường bố thí nhưng không để lộ một cử chỉ biết ơn nào.

Một ngày nọ, thi sĩ cùng người bạn gái đi qua những ngả đường ấy, người bạn gái ngạc nhiên vô cùng bởi vì mặc cho người hành khất chìa tay van xin, ông không buồn bố thí cho bà một đồng xu nhỏ nào. Ðoán được sự thắc mắc của người bạn gái, thi sĩ đã giải thích như sau: nếu chúng ta có trao ban cho bà ta thì hãy trao ban vào quả tim hơn là vào lòng bàn tay của bà.

Vài ngày sau thi sĩ cũng đi vào ngõ phố ấy với người bạn gái, đến một cửa hàng bán hoa ông dừng lại mua một cánh hoa hồng, người bạn gái nghĩ ngay rằng đó là cánh hoa mà thi sĩ sẽ dành cho cô. Thế nhưng thay vì trao cánh hoa cho người bạn gái thì thi sĩ đã đến với người đàn bà hành khất một cách trân trọng và đặt nhẹ cánh hoa hồng vào tay bà. Ðôi mắt gần như bất động của người hành khất bỗng sáng lên, bà đứng bật dậy, chụp lấy bàn tay của thi sĩ và hôn lấy hôn để như tỏ lòng biết ơn. Bà ấp cánh hoa vào ngực rồi vội vã rời bỏ cái chỗ ngồi quen thuộc ấy rồi đi đâu không ai biết. Một tuần lễ sau, người hành khất mới trở lại chỗ cũ. Thi sĩ giải thích với người bạn gái của ông như sau:

Trong nguyên một tuần lễ qua người đàn bà này sống bằng chính cánh hoa hồng ấy, bà cần một chút tình thương mến hơn là những đồng xu bố thí.

Quý vị và các bạn thân mến,

Sự trao ban chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó được thực thi với ý thức về tình liên đới với tha nhân. Thật thế, chúng ta tất cả đều mắc nợ nhau, không ai có thể sống mà không sống cùng với người khác, không ai có thể sống hạnh phúc một mình. Karl Marx đã nói: "Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi khổ đau của người đồng loại và chăm lo riêng cho bộ da của mình". Lời của Thánh Phaolô còn đòi hỏi hơn nhiều: "Anh em chớ mắc nợ với nhau điều gì ngoài tình thương mến" (Rm 13:8).

Trao ban không là một việc làm tùy tiện, đó là đòi hỏi của ơn gọi làm người và dĩ nhiên trao ban không có nghĩa là vứt đi cái thừa thãi hoặc những thứ cũ kỹ mình không còn sử dụng nữa. Trao ban là trao tặng chính mình, tình thương mến không phải là một phần thừa mứa của chúng ta mà phải là phần cao quý nhất trong chúng ta, của cải vật chất mà chúng ta trao tặng cho tha nhân phải là biểu tượng của chính sự tôn trọng, sự quý mến mà chúng ta đối với tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao ban trọn vẹn cho nhân loại qua cái chết trên thập giá.

Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: sống đích thực là sống trọn vẹn cho tha nhân. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page