Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 104 -

Quên Là Tha Thứ

 

Một văn sĩ người Á Căn Ðình (Argentina) qua đời năm 1986 đã tưởng tượng ra cuộc tái ngộ của Abel và Cain như sau:

Một thời gian sau khi sát hại Abel, Cain gặp lại em mình. Họ đang đi giữa sa mạc và từ xa họ đã nhận ra nhau bởi vì cả hai đều là những người cao lớn. Hai anh em ngồi xuống đất đốt lửa lên và ăn uống với nhau. Cả hai thinh lặng, cái thinh lặng của người bộ hành sau một ngày mệt mỏi, trên nền trời đã lớp lánh một vài vì sao mà người ta chưa biết phải đặt tên như thế nào.

Dưới ánh lửa bập bùng, Cain bỗng nhận ra trên trán của Abel vết sẹo của viên đá mà ông đã sử dụng để giết em mình. Tay chân ông rụng rời, miếng bánh ông đang cầm trên tay cũng rơi xuống đất, ông cúi gập người xuống để xin người em tha lỗi. Nhưng Abel nói:

- Anh đã giết em hay em đã giết anh, em không còn nhớ nữa, bây giờ thì chúng ta là anh em như trước.

Nghe thế Cain mới thốt lên:

- Bây giờ thì anh mới biết rằng em đã thật lòng tha thứ cho anh, bởi vì "quên đi" nghĩa là "tha thứ."

Abel mới chậm rãi đáp lời anh:

- Như thế đó, bởi vì bao lâu còn hối hận thì mới lo còn nhớ lỗi.

Quý vị và các bạn thân mến,

Bao lâu còn hối hận thì bấy lâu còn nhớ lỗi, lương tâm bị một điều cần thiết để nói đến tội và lỗi, hối hận là bị cắn rứt, một lương tâm bị cắn rứt là một người tuần canh luôn nhắc nhở cho con người về lỗi phạm của nó. Chính vì thế mà lắm khi con người tìm cách bóp nghẹt tiếng lương tâm, tự hạ xuống hàng súc vật để không còn biết đâu là thiện, đâu là ác, đâu là lỗi phạm, đâu là công bình. Nhưng sứ điệp quan trọng hơn cả trong câu chuyện trên đây hẳn phải là câu nói của Cain: "Bây giờ anh mới biết rằng em đã thực lòng tha thứ cho anh, bởi vì quên đi nghĩa là tha thứ".

Nhiều người thường nói tôi tha thứ, nhưng tôi không quên được, đã tha thứ nhưng không quên được là gian dối. Tha thứ đồng nghĩa với quên, quên đi những bất công người khác đã làm cho mình, quên đi nỗi đau khổ người khác đã gây ra cho mình. Nếu trái tim chúng ta còn chất chứa nỗi đau người khác gây ra, nếu trong ký ức chúng ta vẫn còn hiện diện một cách sống động sự xúc phạm người khác đã gây ra thì đó là dấu hiệu cho thấy sự tha thứ vẫn chưa thắng thế, nọc độc của hận thù vẫn còn sắc bén.

Yêu thương là trao ban. Trao ban mạng sống chưa hẳn phải là trao ban đến tận cùng, người chết thế nào cũng có thể hy sinh mạng sống. Một kẻ tự thiêu vì đạo pháp cũng có thể hy sinh mạng sống của mình, một tên khủng bố cũng có thể hy sinh mạng sống của mình để giết hại người khác. Nhưng chỉ có sự tha thứ mới là yêu thương và trao ban đến tận cùng.

Trong Tin Mừng theo thánh Matthew, Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó: "Ta bảo các ngươi: hãy yêu thương kẻ thù các ngươi và hãy cầu nguyện cho những kẻ bách hại các ngươi, để các người nên con cái Cha trên Trời là Ðấng làm nên mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất công" (Mt 5:44-45). Yêu thương như thế chính là yêu thương cho đến cùng, Chúa Giêsu đã thể hiện sự trao ban đến cùng qua cái chết của Ngài. Nhưng sự trao ban ấy sẽ chưa là một sự trao ban cho đến cùng nếu từ trên thập giá Ngài đã không cầu nguyện:

"Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng làm mà không biết việc chúng làm" (Lc 23:34).

Chính cử chỉ tha thứ ấy là một cụ thể hóa trọn vẹn giáo lý yêu thương của Chúa Giêsu. Chính cử chỉ tha thứ ấy nói lên tình yêu đến tận cùng của Chúa Giêsu, Ngài không chỉ chết cho bạn hữu mà còn cho ngay cả kẻ thù của mình nữa. Tình yêu của Ngài không chỉ dành cho một ít người mà ôm trọn tất cả mọi người.

Lạy Chúa, tha thứ là thách đố lớn nhất hiện nay đối với các tín hữu Kitô chúng con.

Trong một xã hội bị xâu xé bởi không biết bao nhiêu chia rẽ hận thù. Xin cho chúng con luôn biết thắng vượt chính mình để làm chứng cho tình yêu của Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page