Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 102 -
Sự Giới Hạn Của Thị Giác
Người ta thường kể câu chuyện vui sau đây để cho thấy cái biết đến từ thị giác không giới hạn, có thể có sai lầm nữa. Có mấy người yêu cầu được mô tả con voi, dĩ nhiên không thể dùng mắt, họ dùng tay để sờ mó và từ đó mô tả con vật.
Người sờ tai thì tả con vật mềm nhũn, dẹt và không bao giờ ở yên một chỗ. Người sờ mũi thì tả con vật dài và thon, cũng đứng ngồi không yên. Người sờ chân thì tả con vật giống như cái cột nhà to. Ðúng là những thông tin thiếu sót một cách rất đáng tiếc. Thị giác không cung cấp cho ta một cái nhìn toàn diện hơn, nó không cho ta biết hình thù, kích thước, màu sắc, tính chất và cả vị trí của vật trong không gian. Chính vì những khuyết điểm đó mà người mù được cho là vô phúc nhất. Có lẽ cũng vì hiểu điều đó mà Ðức Giêsu đã không ngần ngại chữa trị người mù ở Bethsaida như ta được nghe kể trong Tin Mừng theo thánh Marcô sau đây:
Ðức Yêsu đến nhà Betsaiđa. Người ta đem đến cho Ngài một người mù và nài xin Ngài đụng đến nó. Dắt tay người mù, Ngài đưa nó ra ngoài làng; đoạn nhổ nước miếng vào mắt nó, đặt tay cho nó, Ngài hỏi: "Có thấy gì không?" Người ấy liền nhìn lên và nói tôi thấy người ta! phải tôi nom họ như những cây cối, nhưng họ đi!" Rồi Ngài đặt tay trên mắt nó, và nó được sáng mắt, bình phục hẳn, và từ xa trông tỏ mọi sự. Và Ngài cho nó về nhà mà dặn rằng: "Ðừng nói với ai trong làng!" (Mc 8:22-26).
Quý vị và các bạn thân mến,
Câu chuyện Ðức Giêsu chữa người mù này hẳn là có thật, không những được xác nhận, đến các chi tiết cũng thật cụ thể. Câu chuyện diễn ra ở Bethsaida, một thị trấn ở Bắc Capernaum, việc chữa trị của Chúa Giêsu được mô tả khá tỉ mỉ: nhổ nước miếng sức vào mắt anh, rồi vừa đặt tay trên mắt anh vừa bảo anh mô tả tiến trình bình phục từ từ của anh. Sau một thời gian dài sống trong tăm tối, anh phải tập nhìn các đối tượng cho đến khi thấy rõ hẳn.
Phép lạ cho người mù sáng mắt diễn ra sau khi Chúa Giêsu chê trách các môn đệ và nhiều người Do Thái đã mù tịt về mình do cố chấp, và một Phêrô được soi sáng để đưa ra lời tuyên xưng đức tin thật minh bạch và xác đáng. Chi tiết này cho phép chúng ta hiểu phép lạ ấy theo một chiều hướng khác, sự đần độn của các môn đệ và các người Do Thái thời Chúa Giêsu có thể ví như sự mù loà của nhân vật trong chuyện. Ðức Giêsu cũng phải làm nhiều việc để giải thích cho họ khỏi tình trạng đần độn ấy như Người phải đưa anh mù ra riêng một chỗ bôi nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên mắt anh. Các môn đệ cũng phải mất một thời gian mới hiểu ra con người của Ðức Giêsu, sự am tường của họ về bản thân Ðức Giêsu không phải chỉ một ngày là có được, nhưng là một quá trình tiệm tiến và lâu dài chẳng khác nào anh mù trong chuyện, đâu có được thấy con người một cách chính xác. Ngay từ lúc đầu anh chỉ nhìn ra họ như những cây cối di động cho đến khi Ðức Giêsu đặt lên mắt lần thứ hai anh mới thấy tỏ tường mọi sự.
Ngày nay, sự việc này cũng được diễn ra một cách Bí tích trong phép Rửa Tội. Khi Hội Thánh muốn người dự tòng phải trải qua một thời gian học đạo khá lâu để đánh dấu bằng những nghi thức của mỗi chặng đường trước khi được chính thức Rửa Tội và được tham dự trọn vẹn Thánh lễ cùng với các tín hữu khác. Ở một cấp độ rộng lớn hơn, chúng ta cũng không nắm bắt được ý muốn của Chúa qua các biến cố, sự việc, sách vở, con người một cách đầy đủ ngay tại chỗ mà phải qua một thời gian nhờ người chỉ dẫn, nhờ những suy nghĩ và kinh nghiệm thêm của mình, ta mới hiểu rõ ràng hơn, đôi khi mất cả đời người mới học được chân lý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, từng này tuổi đời rồi nhưng chúng con cũng còn rất mù mờ về Chúa, về con người và bản thân mình. Xin Chúa đưa chúng con mỗi ngày một tiến xa hơn trong việc hiểu biết về các mầu nhiệm ấy bằng những lời dạy bảo chung hay riêng, bằng những lần đụng chạm đến chúng con qua các Bí tích để chúng con không bị tiếng là có mắt mà không thấy. Amen.