Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 88 -
Cầu Cho Người Quá Cố
Hôm nay, ngày 04 tháng 11 năm 1999, kỷ niệm đúng 4 năm cố Thủ tướng Israel, ông Yitzhak Rabin bị thảm sát (ngày 4 tháng 11 năm 1995-1999).
Trưa hôm thứ ba 2 tháng 11 năm 1999, cùng với quả phụ và con cái của cố Thủ tướng Yitzhak Rabin, nhiều vị nguyên thủ quốc gia đã đến thủ đô Oslo của Na-uy để tưởng niệm biến cố này và hát lên bài ca hòa bình mà cố Thủ tướng Yitzhak Rabin đã hát lên lần cuối cùng trước khi bị sát hại.
Tối thứ bảy (ngày 04 tháng 11 năm 1995), cùng với số đông người tập trung tại Quảng Trường Các Vua Israel (Kings of Israel Square), giữa thủ đô Tel Aviv, ông đã cất hát với một niềm xúc động mãnh liệt. Vị Thủ tướng 73 tuổi của Israel đã kêu gọi dân chúng hãy cùng với ông tiến bước trên con đường hòa bình mà ông đã mở ra hồi tháng 9 năm 1993, khi ông cùng với Chủ tịch Yasser Arafat của Palestine ký kết hòa bình. Tại buổi canh thức vì hòa bình vừa chấm dứt, ông rời khỏi diễn đàn và tiến về chiếc xe đang đợi ông. Thình lình, cách nhà lãnh đạo Israel ba thước, một người thanh niên Do Thái cuồng tín 25 tuổi tên là Yigal Amir đã nhả hai phát đạn vào người ông. Một viên đạn đã đi xuyên qua lồng ngực ông, nhuộm đỏ bài ca hòa bình ông để trong túi áo.
Cái chết của Thủ tướng Yitzhak Rabin do bàn tay của một người đồng hương cuồng tín đã gợi lại cái chết của không biết bao nhiêu vị lãnh đạo khác:
- Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln bị sát hại bởi những người có chủ trương chống lại việc giải phóng người nô lệ da đen.
- Mahatma Ghanhdi chết vì một người Ấn Giáo cuồng tín không muốn tha thứ cho người Hồi giáo.
- Martin Luther King ngã gục vì tranh đấu cho sự bình đẳng của người da đen tại Hoa Kỳ.
- Anwar Sadat của Ai Cập bị sát hại vì muốn xây dựng hòa bình tại Trung Ðông.
- Người thanh niên Do Thái Yigal Amir hạ sát thủ tướng Yitzhak Rabin vì anh không muốn có hòa bình với người Palestine.
Thủ tướng Yitzhak Rabin đã nằm xuống. Bài ca hòa bình của ông đã bị nhuộm màu đỏ bằng máu, nhưng gia sản của ông để lại đã mang lại hoa trái. Cái bắt tay lịch sử hồi năm 1993 ông dành cho Chủ tịch Yasser Arafat, người đã một thời không đội trời chung với ông và của Israel đã nối thành vòng tay lớn của hòa bình. Trong buổi lễ tưởng niệm cái chết của Yitzhak Rabin, cùng với Tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ, Thủ tướng Israel, ông Ehud Barack và Chủ tịch Yasser Arafat một lần nữa cam kết đẩy mạnh tiến trình hòa bình: người Do Thái lại được hòa bình, người Palestine được nhìn nhận như một dân tộc có một nền dân chủ và một quốc gia độc lập.
Quý vị và các bạn thân mến,
Chúng ta đã bước vào tháng 11, tháng dành để tưởng nhớ người quá cố. Trong những ngày này, chúng ta có dịp đi viếng các nghĩa trang, chúng ta làm sạch ngôi mộ của người thân, chúng ta đặt lên đó một bó hoa, chúng ta thắp lên một nén nhang, chúng ta đốt lên một cây nến.
Không khí yên lặng của nghĩa trang không chỉ gợi lên cho chúng ta niềm thương nhớ mà còn mang lại cho chúng ta sự thanh thản. Quả thực, không có gì an hòa cho bằng nghĩa trang, nơi đây người chết không còn phải chém giết nhau nữa, tất cả đều yên nghỉ, tất cả đều đi vào bình an. Do đó, gia sản và thông điệp người quá cố nào cũng muốn nhắn gửi đến chúng ta đều là một lời mời gọi của hòa bình. Sự tưởng nhớ ý nghĩa nhất và phải đạo nhất mà chúng ta dành cho người quá cố như vậy cũng phải là một lời cam kết xây dựng hòa bình. Ðây chính là ý nghĩa của buổi lễ tưởng niệm mà các vị nguyên thủ các quốc gia đã dành cho cố Thủ tướng Yitzhak Rabin vừa qua.
Trong bài diễn văn của ông, Tổng thống Bill Clinton đã nói như sau: "Chúng ta hầu như nghe được tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng rất cương quyết của ông ngỏ với chúng ta như sau: Quý vị đã làm cho tôi một cử chỉ đẹp lắm, quý vị thực sự tôn vinh tôi thì xin hãy hoàn thành công việc của tôi". Tổng thống Bill Clinton có ý kêu gọi các nhà lãnh đạo đang tưởng niệm cái chết của cố Thủ tướng Yitzhak Rabin hãy đẩy mạnh tiến trình hòa bình mà ông đã mở ra. Sự tưởng nhớ ý nghĩa nhất, lời cầu nguyện tha thiết nhất mà chúng ta dành cho người quá cố chính là lời cam kết xây dựng hòa bình vậy.
Các đẳng linh hồn đang cần chúng ta tưởng nhớ, nhưng còn sự tưởng nhớ nào ý nghĩa hơn là những cố gắng sống yêu thương, quảng đại, tha thứ mà chúng ta thực thi mỗi ngày cho những người xung quanh.
Lạy Chúa, khi tưởng nhớ đến những người quá cố và suy niệm về chính cái chết của chúng con, xin Chúa cho chúng con cảm nhận được sự bình an của Chúa, và cố gắng xây dựng hòa khí trong môi trường chúng con đang sống. Amen.