Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 86 -
Mừng Kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam
Hôm nay (ngày 24 tháng 11) Giáo Hội chính thức mừng kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.
Ðược đặt vào một ngày cuối tháng 11, tháng dành để cầu cho người quá cố và suy tư về sự chết. Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam gợi lên cho chúng ta ý nghĩa cách chung của tử đạo. Tự nó, cái chết không làm nên cuộc tử đạo. Người tử đạo trong Kitô giáo không phải là một vận động viên bất khả chiến bại, họ đã thực sự đánh bại và đánh bại đối thủ khủng khiếp nhất của con người là sự chết. Tuy nhiên, chiến thắng ấy không phải là thành quả của một ý chí phi thường. Người tử đạo thiết yếu là một tín hữu, họ là chứng nhân cho một sức mạnh không thuộc về họ. Sức mạnh ấy là Chúa Thánh Linh. Sức mạnh ấy thiết yếu cũng là sức mạnh của tình yêu. Cũng như Chúa Giêsu đã tuyên xưng Chúa Cha đến nỗi chết vì tình yêu, người tử đạo cũng làm chứng về sức mạnh ấy của tình yêu bằng cái chết của họ.
Không là vận động viên bất khả chiến bại, người tử đạo trong Kitô giáo cũng chẳng phải là những liệt sĩ anh hùng hay một chiến sĩ bất khuất nào. Chiến tranh vốn xây dựng trên bạo động và hận thù. Trong chiến tranh, kẻ khát máu hay tên khủng bố có thể được đặt lên bàn thờ liệt sỹ. Trong chiến tranh, kẻ hăng máu hạ bại đối thủ có thể được tôn vinh thành chiến sĩ anh hùng. Trong chiến tranh, kẻ gieo rắc hận thù vốn có thể được thần thánh hóa.
Xét về mức độ chịu đựng và anh dũng, có khi các anh hùng liệt sỹ vượt xa các vị tử đạo, về phương diện ấy, có khi những người tử tội chịu đóng đinh trong cùng một ngày với Chúa Giêsu vượt hẳn Ngài về bất khuất và khí khái. Nếu cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu rỗi là bởi vì cái chết ấy là một cái chết đầy yêu thương. Ngài đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng. Ðược tuyên xưng là tử đạo khi con người cũng chết vì yêu thương như Chúa Giêsu. Tình yêu mạnh hơn sự chết là một tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Với cái chết ấy, người tử đạo tuyên xưng rằng: "Sự sống thay đổi chứ không mất đi" (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1012; Kinh Tiền Tụng Lễ An táng). Tình yêu mang lại ý nghĩa cho sự sống, cho nên người tử đạo cũng thiết yếu là người yêu sự sống. Cái chết tử đạo không hề là một chối bỏ sự sống. Cái chết chỉ thực sự mang ý nghĩa từ đầu bởi vì cuộc sống là đáng sống. Các vị tử đạo dù có bình thản để đi vào cái chết đến đâu cũng không có ý khinh rẻ cuộc sống này như một thung lũng đầy nước mắt. Có thực sự yêu cuộc sống, người tín hữu mới trở thành tử đạo. Muốn chết như các vị tử đạo, người tín hữu vừa phải ao ước được gặp Chúa, lại cũng phải vừa khao khát được sống.
Thánh Phaolô đã diễn tả thái độ ấy trong thư gửi cho giáo đoàn Philipphê như sau: "Tôi bị giằng co giữa hai đàng, ao ước của tôi là ra đi để được ở với Chúa, điều này tốt hơn bội phần. Nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn cho anh em" (Pl 1:23-24). Thánh Martinnô thành Tours cũng đã bày tỏ một ước ao như thế khi ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, không phải là con không muốn làm việc nữa, nhưng xin tùy theo ý Chúa". Cha Charles de Foucauld cũng chuẩn bị chết trong tâm tình ấy, ngài đã thực hiện châm ngôn mà ngài đã đề ra: "Hãy sống như hôm nay anh phải tử đạo".
Quả thực, sống sung mãn cuộc sống mỗi ngày là một cuộc tử đạo, không những bởi vì cuộc sống mỗi ngày ấy có nhiều gian nan thử thách, mà bởi vì con người được mời gọi để làm cho cuộc sống ấy đẹp và đáng sống.
Lạy Chúa, Các Thánh Tử Ðạo mà chúng con mừng kính hôm nay không phải là những con người phi thường. Các Ngài cũng là những con người yếu đuối như chúng con. Chúng con không được diễm phúc dùng cái chết để làm chứng cho tình yêu Chúa như các Ngài.
Xin Chúa ban cho chúng con ơn can đảm và niềm vui sống, để chúng con biết đón nhận cuộc sống mỗi ngày, và sống sung mãn tình yêu Chúa ban cho chúng con. Amen.