Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 85 -

Tin Tưởng Và Hy Vọng

 

Trong một số Tạp chí Phổ thông ở Mỹ có ghi lại chứng từ rất sống động của một tù nhân tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam.

Chứng từ của một phi công Hoa Kỳ: Ông đã bị bắn hạ trong một phi vụ dọc miền Duyên Hải Bắc Việt ngày 05 tháng 08 năm 1964. Ông đã bị bắt và bị giam tại Hỏa Lò trong vòng tám năm rưỡi. Ðây là thời hạn lâu thứ hai trong số tù nhân Mỹ bị giam giữ tại Bắc Việt. Trại Hỏa Lò mà tù nhân Mỹ gọi là khách sạn Newton Hà Nội, là trại giam khủng khiếp nhứt đối với người Mỹ. Tuy nhiên người phi công này cho biết: "Tôi vượt qua mọi thử thách để cuối cùng đã trở về sum họp gia đình."

Năm 1993, một nhà sản xuất phim mời ông và một nhóm cựu tù binh đi về lại Việt Nam để thực hiện một cuốn phim tài liệu. Ông đã trở lại căn phòng nơi ông đã từng bị giam giữ. Ðiều duy nhất mà ông muốn nhìn lại đó là một bức tường sau phòng giam của ông. Trên bức tường đó, ông muốn nhìn lại hình ảnh của Thập Giá mà ông đã dùng một cây đinh rỉ sét để kẻ lên ngay từ ngày Chúa nhật thứ nhất mà ông đã được đưa về Hỏa Lò. Ông cho biết: ngay sau khi vẽ hình Thập Giá và viết tên mình lên đó, ông đã cầu nguyện:

Là một cậu bé giúp lễ và sau đó là sinh viên của trường đại học các Cha Dòng Tên điều khiển, ông vẫn còn nhớ thuộc lòng một số kinh. Ông nhìn lên bức tường sau phòng giam và tưởng tượng ra đó là ngôi nhà thờ nơi ông đã từng giúp lễ. Ông sống lại từng nghi thức trong thánh lễ và cầu nguyện bằng những kinh quen thuộc như kinh Lay Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh và kinh Tin Kính. Lời cầu nguyện đã nâng đỡ ông trong những tháng ngày dài thiếu thốn, cô đơn, và nhất là những buổi bị tra tấn dã man.

Ngày nay bức tường đã được tô vôi, cây Thánh Giá đã bị một lớp sơn vẽ chồng lên, nhưng ông cho biết có một cái gì đó cũng đã chôn chặt trong ông. Ðó không phải là mối hận hay căm thù mà là tâm tình tri ân. Ông cám ơn Chúa vì không những đáp trả lời kêu cầu của ông mà còn khấng ban cả những điều ông không cầu xin. Ngài không những đưa ông về với gia đình mà còn để lại đằng sau tất cả mọi thứ hận thù. Ngài đã ban cho ông ơn biết tha thứ và quên đi.

Quí vị và các bạn thân mến,

Chứng từ trên đây của viên phi công cho chúng ta thấy rằng khi con người biết nhìn lên cao, con người sẽ cảm nhận được ơn Chúa trong cuộc sống của mình. Ðó có thể là lý tưởng mà Tin Mừng gợi lên cho chúng ta. Thánh Gioan ghi lại hai cái nhìn cho chúng ta: một là cái nhìn của Nicôđêmô, hai là cái nhìn của Gioan Tẩy giả.

* Nicôđêmô nhìn về Chúa Giêsu (x. Ga 3:4) với những hiểu biết uyên bác nhưng hoàn toàn về cuộc sống thế phàm và cực đoan. Ông lượng giá Chúa Giêsu theo thước đo thông thường của loài người. Ðó là cái nhìn từ dưới đất.

* Trong khi đó Gioan (x. Ga 3:31-36) mời gọi các môn đệ của ông hãy vượt qua cái nhìn từ dưới đất để mặc lấy cái nhìn từ trên cao và Thánh Phaolô nói rõ: "Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô" (x. Côlôsê 3:10-15). Với tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là với cái nhìn tin yêu và hy vọng, con người có thể đứng vững trong mọi nghịch cảnh và thử thách. Với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nghiệm được ơn Chúa ngay từ phút như bị bỏ rơi không còn biết bám víu vào đâu. Với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được ơn Chúa những lúc mình tưởng chừng như đã mất tất cả. Với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được tình thương và tha thứ ngay giữa nơi chỉ có hận thù và chết chóc.

* * *

Lạy Chúa, xin Chúa luôn gìn giữ chúng con trong tâm tình tin tưởng phó thác, ngay cả khi không còn hy vọng và đen tối của cuộc đời.

Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng duy nhất đời con. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page