Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 81 -
Tiếng Kêu Hòa Bình
Bốn năm sau khi cô bé Anna Frank chào đời tại một thành phố nhỏ bên Ðức, thế giới và đặc biệt người Do Thái bắt đầu lo sợ vì Hitler lên nắm chính quyền. Vì là người Do Thái cho nên gia đình ông bà Frank phải rời bỏ Ðức và trốn sang Hòa Lan.
Tháng 5 năm 1940, quân Ðức quốc xã tiến vào Hòa Lan. Chỉ trong vài ngày sau đó, lệnh điểm mặt và truy nã người Do Thái đã phát động một chiến dịch tạo kinh hoàng không riêng cho người Do Thái mà còn cho cả người Hòa Lan.
Ông Octô, cha của Anna Frank biết trước được những gì có thể sẽ xảy đến cho gia đình cho nên đã lén xây cất thêm một căn phòng bí mật che giấu phía sau một kệ sách. Từ 1940 đến 1942, trong hai năm liền, cả gia đình ông bà Frank trốn ẩn một cách an toàn trong căn phòng ấy. Tháng 6 năm 1942, trong các món quà sinh nhật, cô bé Anna Frank nhận được một quyển tập để ghi nhật ký. Anna Frank đã dùng cuốn nhật ký đó ghi lại từng ngày của các biến cố trong hai năm qua, những suy nghĩ cũng như niềm hy vọng và thất vọng của cô. Trong một trang nhật ký đề ngày 11 tháng 07 năm 1942, cô ghi lại như sau:
Tôi không thể nói sao cho các bạn biết: không bao giờ được ra khỏi nhà là một cực hình khủng khiếp như thế nào. Tôi sợ gia đình tôi có thể bị khám phá và bị bắt bất cứ lúc nào, đó không phải là một viễn tượng trong sáng.
Và điều Anna Frank lo sợ đã thực sự xảy đến. Ngày 04 tháng 08 năm 1944, một chiếc xe tải đậu trước căn nhà của họ, lính đã ồ ạt leo lên cầu thang, đạp đổ kệ sách và đi vào căn phòng trú ẩn của gia đình Anna Frank. Nguyên gia đình đã được đưa đi trại chuyển tiếp tại Hòa Lan và sau đó trực chỉ Trại tập trung Auschwitz, Ba Lan. Khi Anna Frank vừa lên 16 tuổi, cô bị thương hàn và qua đời trong trại. Sau này người ta tìm thấy được cuốn nhật ký của cô trên sàn căn phòng trú ẩn của gia đình Frank. Quyển nhật ký được dịch ra trên 50 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.
Trong số 140,000 người Do Thái sống tại Hòa Lan khi thế chiến thứ hai bùng nổ, khoảng 30,000 người còn sống sót và được trở về từ trại tập trung sau thế chiến thứ hai. Ông Octô, cha của Frank là người sống sót duy nhất của gia đình ông. Trong những trang đầu tiên của quyển nhật ký, Anna Frank đã viết như sau:
Chiến tranh để làm gì? Tại sao con người không sống chung hòa bình với nhau? Tại sao tất cả những tàn phá và đổ nát này lại xảy ra?
Quí vị và các bạn thân mến,
Chiến tranh để làm gì? Tại sao con người không sống chung hòa bình với nhau? Tại sao tất cả những tàn phá và đổ nát này lại xảy ra?
Sau hai cuộc thế chiến, chắc chắn người dân Âu Châu nào cũng đều đã nêu lên những câu hỏi ấy. Những người đã trải qua cuộc diệt chủng tại Rwanda, Cựu Nam tư, Kosovo, hẳn cũng sẽ mãi mãi tự hỏi: chiến tranh để làm gì? Sát hại người vô tội để làm gì? Những người Ðông Timo cũng đã và đang kêu lên tiếng kêu thảm thiết ấy của Anna Frank. Tất cả những ai còn có nhân tính, biết tôn trọng lương tri và lẽ phải đều thấy rằng: chiến tranh là điều ngu xuẩn nhất của loài người và không gì vô liêm sỉ bằng huênh hoang, tự đắc vì những hành động chém giết tàn bạo của mình.
Lẽ thường luôn nhắc bảo chúng ta rằng: máu chảy thì ruột mềm. Cái lẽ thường ấy cũng nói với chúng ta rằng: chỉ có loài súc vật mới có thể dửng dưng nhảy múa khi thấy hoặc tạo ra những cảnh máu đổ thịt rơi cho người đồng loại của mình. Mạc khải Kitô giáo lại nói với chúng ta rằng: tất cả mọi người được tạo thành theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là anh em với nhau. Những người anh em trong cùng một gia đình mà lại loại trừ hay chém giết nhau quả là một tủi nhục cho gia đình. Nguyện xin Chúa luôn gìn giữ chúng ta trong niềm xác tín ấy.
* * *
Lạy Chúa, xin thanh tẩy ánh mắt chúng con, để chúng con biết nhận ra nơi mọi người đều là anh em của chúng con.
Xin cất khỏi trái tim chúng con những thái độ kỳ thị và cừu hận nhau, ngõ hầu chúng con biết xây dựng hòa khí với tất cả mọi người. Amen.