Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 76 -
Ơn Gọi Của Người Kitô
Cứ mỗi hai năm lại diễn ra tại Manchester Anh quốc một đại hội quốc tế quy tụ các nhạc sĩ vĩ cầm trên khắp thế giới. Tháng 4 năm 1994, đã có khoảng 600 người tham dự đại hội, người ta đặc biệt chú ý tới bản nhạc có tựa đề: "Người chơi đại vĩ cầm tại Sarajevo" do nhạc sĩ Yoyoma biểu diễn. Bản nhạc này đã được sáng tác trong hoàn cảnh sau đây:
Ngày 27 tháng 5 năm 1992, tại Sarajevo, một trong những lò bánh mì hiếm hoi vẫn tiếp tục hoạt động. Từ 04 giờ sáng, từng đoàn người đói ăn đã xếp hàng dài trước lò bánh mì. Thình lình một trái đạn trọng pháo rớt ngay giữa đoàn người làm cho 22 người thiệt mạng, thịt máu, xương tung tóe cả một góc đường. Vậy mà cách đó không xa, một nhạc sĩ vỉ cầm tên Thenbren Mallovid vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra.
Trước chiến tranh, anh là nhạc sĩ chơi đại vĩ cầm trong ban nhạc hòa tấu Sarajevo. Không còn cơ hội biểu diễn trên khán đài, anh quyết tâm đem tài năng của mình ra phục vụ những người khốn khổ. Kể từ sau thảm kịch trên đây, mỗi ngày cứ đúng 04 giờ chiều, Mallovid khoác vào bộ đồng phục của nhạc sĩ đại vĩ cầm, cầm chiếc đàn ra khỏi nhà và đến ngay chỗ chiến sự đang xảy ra, đặt chiếc ghế nhựa dưới một bóng cây, anh bắt đầu bản nhạc Adatioreus của nhạc sĩ Albinoni, một trong những tác phẩm tưởng nhớ người chết nổi tiếng nhất trong âm nhạc cổ điển.
Tiếng đàn ai oán nổi lên bất chấp tiếng bom đạn nổ rền bên cạnh. Mặc cho những người khiếp đảm bỏ chạy, mặc cho những kẻ đang gào thét trong mùi tử khí. Người nhạc sĩ vẫn bình thản kéo đàn, tiếng đàn của anh vẫn thống thiết vang lên như một lời cầu nguyện cho những người nằm xuống, như một an ủi vỗ về cho những người than khóc, như một lời cảm thông cho những người đói khổ, như một tuyên ngôn cho phẩm giá con người.
Lạ thay, trong liên tiếp 22 ngày liền, giữa làn tên mũi đạn, người nhạc sĩ vẫn được an toàn. Báo chí đã đăng tải gương can đảm, lòng tin và sự hy sinh của anh. David Waide, một soạn nhạc nổi tiếng của anh đã cảm kích trước cử chỉ của anh cho nên đã sáng tác bản nhạc có tựa đề: "Người chơi đại vĩ cầm tại Sarajevo". Bản nhạc đã được nhạc sĩ Yoyoma trình tấu và đã ghi dấu đại hội đại vĩ cầm năm 1994.
Quý vị và các bạn thân mến,
Dùng âm nhạc để ca tụng cuộc sống, nói lên niềm tin của mình, bày tỏ sự cảm thông với người khác và nhất là an ủi vỗ về những người sầu khổ. Ðây là sứ mệnh cao cả nhất của người nhạc sĩ, nhưng không phải tất cả mọi người đều có năng khiếu về âm nhạc, cũng không phải tất cả mọi người đều có những năng khiếu giống nhau. Có một số người tài ba, nhưng đa số đều chia sẻ cái số phận chung là làm những con người tầm thường. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều có một ơn gọi chung là phục vụ. Bởi vì mỗi một người là một nhân vị độc nhất vô nhị, cho nên mỗi người đều có được sự phong phú mà người khác không có được.
Sống chính là chia sẻ sự phong phú độc nhất vô nhị ấy. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta sẽ thấy rằng: dù dốt nát nghèo hèn đến đâu, ai cũng có một cái gì đó để trao tặng cho người khác. Nghèo hèn, dốt nát nhưng có một tư cách cao sang còn hơn mọi thứ của cải nào trên mặt đất này. Nghèo hèn, dốt nát nhưng có niềm tin, nỗi vui, niềm hy vọng và tình yêu thương để chia sẻ cho người khác, có lẽ không có sự phục vụ nào cao quý hơn. Sống như thế nào để như Chúa Giêsu truyền dạy: "Ánh sáng của chúng con phải chiếu tỏa để mọi người nhận biết và ngợi khen Chúa trên Trời" (Mt 5:16).
Ðó chính là ơn gọi của tất cả những ai mang danh hiệu Kitô. Có thể chúng ta không có của cải tiền bạc để chia sẻ, nhưng nếu chúng ta biết chia sẻ niềm tin, nỗi hân hoan và niềm hy vọng của chúng ta. Ðó là món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác.
Lạy Chúa, xin cho cuộc sống của chúng con luôn chiếu tỏa tin yêu và hy vọng, để tất cả những ai đến với chúng con đều nhận ra được một tín hiệu mời gọi của chính Chúa. Amen.