Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 52 -

Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

 

Hôm nay (ngày 19 tháng 11 năm 2000) chúng ta tưởng nhớ và tri ân 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, đại biểu của hàng hàng lớp lớp những bậc tiền bối và ông bà tổ tiên chúng ta đã can đảm hy sinh liều chính mạng sống của mình để làm chứng cho đạo Chúa và lưu truyền cho chúng ta gia sản quý giá trong cuộc đời này, đó là Hồng Ân Ðức Tin.

Tử đạo hay tử vì đạo có nghĩa là chết vì đạo Chúa chứ không vì bất cứ một lý do nào khác, mà sở dĩ có chết vì đạo Chúa là vì người ta nhân danh một thứ đạo khác mà loại trừ đạo Chúa. Thời tiên khởi, người ta nhân danh Do Thái giáo để bách hại các môn đệ Chúa Giêsu. Thời Ðế quốc La Mã nếu các tín hữu Kitô có bị khai trừ và bách hại là bởi vì họ không chấp nhận sùng bái các vị thần đã được các vị hoàng đế Roma thờ lạy. Ðọc kỹ lại lịch sử Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, những người còn biết tôn trọng sự thật cũng đều sẽ thấy rằng lý do khiến các tín hữu Kitô Việt Nam bị khai trừ và bách hại là bởi vì Kitô luôn bị xem là một thứ tà đạo dạy những điều khác với tôn giáo của các vua chúa đương thời. Các chiếu chỉ cấm đạo đều nói rõ điều đó. Trong thế kỷ thứ 20 chúng ta, người ta cũng nhân danh một tôn giáo để bách hại Kitô giáo. Chỉ cần thay thế Do Thái giáo, Ða Thần giáo hay Nho giáo bằng vô thần giáo thì chúng ta sẽ thấy được lý do những cuộc bách hại đối với Kitô giáo trong thời chế độ xã hội chủ nghĩa.

Là một tôn giáo bởi vì chủ nghĩa vô thần cũng có thiên đàng để rao giảng, cũng có những tín điều để buộc các tín đồ phải tin, cũng có một hệ thống đạo đức để tuân giữ và dĩ nhiên cũng có cả những vị thần để mà thờ lạy. Muốn tự nâng lên hàng quốc giáo cho nên chủ nghĩa vô thần cũng chủ trương tiêu diệt hay bách hại tất cả các tôn giáo khác. Ðiều này rõ như ban ngày qua hơn nửa thế kỷ xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô, Ðông âu và các nước chư hầu khác và dĩ nhiên điều này cũng rõ như ban ngày tại Việt Nam. Người ta hẳn còn nhớ lời Ðức cố Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình trên một tờ báo Công giáo Pháp hồi đầu thập niên 1980.

Trả lời cho câu được hỏi: "Giáo Hội Việt Nam có bị bách hại không?", thì ngài nói như sau:

- Nếu hiểu bách hại là các chiếu chỉ gông cùm, nhà tù, thì Giáo Hội Việt Nam không bị bách hại. Còn nếu hiểu bách hại là những hạn chế và các thứ khó dễ đủ thứ khác thì quả thực Giáo Hội Việt Nam đang bị bách hại.

Giáo Hội Việt Nam chúng ta đang sống lại những thời các Thánh Tử Ðạo Việt Nam chúng ta. Thời các ngài đã có những người vì một chút lợi lộc hay đặc ân đặc quyền mà bước qua thánh giá để chối bỏ Chúa, nhưng chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì có những người như 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam và vô số những chứng nhân âm thầm vô danh khác đã thà mất đi tất cả chứ không chối Chúa và lưu truyền lại cho chúng ta gia sản quý giá nhất trong cuộc đời là Hồng Ân Ðức Tin.

Ðang khi chúng ta tưởng nhớ các Vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam thì cả nước đang sôi nổi chuẩn bị mừng ngày Nhà Giáo (ngày 20 tháng 11 năm 2000). Có một ngày như thế để nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn đối với tất cả những ai đã đóng góp vào việc dạy dỗ chúng ta nên người. Riêng đối với các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta, những bậc thầy đáng kính hẳn phải là Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Các ngài không chỉ để lại cho chúng ta một gương sáng mà còn dùng chính mạng sống của mình để trao lại cho chúng ta gia sản quý giá nhất là ơn Ðức Tin. Cách thế tốt đẹp nhất để nói lên lòng biết ơn đối với Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam chính là cố gắng sống như các ngài.

Sống như các ngài là sẵn sàng nói không với tất cả những gì đi ngược lại với những giá trị của Tin Mừng. Sống như các ngài là thà chết hơn là thỏa hiệp để chỉ có được một ít lợi lộc đặc ân hay đặc quyền hay danh vọng phù phiếm của đời ta. Sống theo những gì các ngài đã truyền dạy cho chúng ta như thế thể hiện lòng biết ơn, đây cũng là một trách nhiệm. Nếu Các Thánh Tử Ðạo đã trung thành cho đến cùng để bảo vệ Ðức Tin và truyền lại cho chúng ta như là một gia sản quý giá nhất trong cuộc đời của các ngài thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải cam kết sống như thế nào để gia sản ấy được truyền lại cho các thế hệ đến sau chúng ta.

Ước gì niềm vui tràn ngập tâm hồn các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta trong ngày mừng kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam hôm nay cũng hâm nóng sự trung thành lòng can đảm của chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Nguyện xin các ngài nâng đỡ chúng ta luôn là những chứng nhân tình yêu.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page