Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 50 -
Lời Di Chúc Của Một Người Mẹ
Một tác giả nọ ghi lại một kinh nghiệm học được từ mẹ của mình như sau:
Ông ngoại tôi là một Mục sư. Vào đầu thế kỷ 20, khi có một người trong cộng đoàn qua đời, người ta thường khăn liệm và đem quan tài đến nhà vị Mục sư. Năm đó mẹ tôi lên 8 tuổi, lần đầu tiên chứng kiến cảnh đó, mẹ tôi sợ hãi.
Ngày nọ, ông ngoại tôi cầm tay mẹ tôi đặt vào tường rồi hỏi mẹ tôi:
- Con thấy thế nào?
Mẹ tôi trả lời:
- Nó cứng và lạnh.
Sau đó, ông ngoại dẫn mẹ tôi đến quan tài của một tín hữu đang đặt trong phòng khách. Ông ngoại tôi nói với mẹ tôi:
- Ba xin con làm một điều vô cùng khó khăn. Nếu con làm được điều đó con sẽ không còn sợ chết nữa. Ba muốn con đặt tay trên mặt ông Smith.
Vì yêu thương và tin tưởng ông ngoại nên mẹ tôi đã làm theo điều ông xin, mẹ tôi đưa tay sờ vào mặt người chết. Ông tôi hỏi:
- Con thấy thế nào?
Mẹ tôi đáp:
- Lạnh như tường vậy.
Ông ngoại tôi liền giải thích:
- Tốt lắm, đây là ngôi nhà cũ của ông Smith, ông Smith đã ra đi và chúng ta không có lý do gì để sợ ngôi nhà cũ của ông ấy nữa.
Từ đó, mẹ tôi không còn sợ người chết và cả sự chết nữa.
Tám giờ đồng hồ trước khi từ giã cõi đời, mẹ tôi đã xin chúng tôi làm một điều khác thường. Thấy chúng tôi đang khóc sướt mướt, mẹ tôi nói:
- Ðừng đặt hoa trên mộ của mẹ vì mẹ không có ở đó đâu. Khi mẹ từ bỏ thân xác này, mẹ sẽ bay đi Âu châu. Cha chúng con chưa bao giờ đưa mẹ đến đó.
Nghe thế, ai trong chúng tôi cũng bật cười và suốt đêm đó không ai trong chúng tôi khóc nữa. Khi chúng tôi đến hôn từ biệt và chúc ngủ ngon, mẹ chúng tôi nói:
- Gặp lại các con vào sáng mai.
Thế nhưng đúng 6 giờ 15 phút sáng hôm sau, mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi.
Hai ngày sau, chúng tôi dọn dẹp căn phòng của mẹ. Trong nhiều mảnh giấy mẹ tôi để lại, có một bài thơ không rõ của mẹ tôi sáng tác hay của một tác giả nào đó. Bài thơ có nội dung như sau:
"Khi tôi chết, xin hãy để lại cho con cái tôi những gì còn lại của tôi. Nếu bạn cần khóc, xin hãy khóc cho những người anh em đi bên cạnh bạn. Xin quàng tay qua vai mọi người và hãy cho họ những gì bạn muốn cho tôi. Tôi muốn để lại cho bạn một cái gì đó, một cái gì đó khác với lời nói hay âm thanh. Bạn hãy tìm gặp tôi trong những người mà bạn đã biết và yêu thương, và nếu bạn cảm thấy không thể sống mà vắng tôi, xin bạn hãy để cho tôi sống trong ánh mắt, trong tâm trí và trong những hành động của bạn. Nếu bạn có yêu thương tôi nhiều thì hãy để cho những bàn tay được nắm lấy những bàn tay và giúp cho con cái được trở nên những con người tự do. Tình yêu không bao giờ chết, chỉ có con người chết mà thôi. Vậy thì tất cả những gì còn lại của tôi là tình yêu. Xin hãy trao ban".
Quý vị và các bạn thân mến,
Bước vào tháng 11, chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người quá cố. Người chết nào dường như cũng có cái gì đó để trăn trối cho những người còn sống. Người chết nào dường như cũng muốn tiếp tục sống bên cạnh người còn sống. Hẳn đó cũng là cảm nhận của chúng ta trong những ngày của tháng 11 này. Ðâu đó, bên cạnh chúng ta, những người thân thương ruột thịt của chúng ta vẫn tiếp tục hiện diện và dõi theo từng bước của chúng ta. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện đó và mời gọi chúng ta cầu nguyện cho người quá cố.
Có những lời nguyện được diễn tả qua những bài thánh ca, những câu kinh quen thuộc đã đành, nhưng quan trọng hơn, ý nghĩa hơn, thiết thực hơn hẳn phải là những hành động yêu thương mà chúng ta gắng thực thi mỗi ngày. Ðó là sự tưởng nhớ và lời cầu nguyện chân thành nhất mà chúng ta có thể dành cho người quá cố.
Lạy Chúa, xin đón nhận những cố gắng sống yêu thương của chúng con như của lễ dâng lên Chúa để cầu nguyện cho những người thân thương của chúng con.
Trong Mầu nhiệm Phục Sinh, xin cho những gì chúng con gieo vãi trong yêu thương được trổ bông chín mùi trong này sau hết. Amen.