Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 46 -

Lễ Cung Hiến Ðền Thờ Latêranô

 

Hôm nay (Ngày 9 tháng 11) kỷ niệm ngày Cung Hiến Vương Cung Thánh Ðường Latêranô ở Rôma. Ôn lại một vài nét lịch sử là điều cần thiết để giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của ngày lễ này:

Năm 324 sau Công Nguyên, Hoàng đế Constantinô của Ðế quốc La Mã ra lệnh ngưng cuộc bách hại đối với tín hữu Kitô. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa ra khỏi hang toại đạo, với đức tin được nung nấu trong suốt những năm dài bị bách hại, Cộng đồng tín hữu Kitô tại Rôma đã chấn hưng và phát triển nhanh chóng. Vì nhu cầu phụng tự và nhất là để nói lên niềm phấn khởi của những người vừa thoát khỏi những cơn bách hại. Người ta bắt đầu xây cất nhưng ngôi Thánh Ðường. Ngôi Thánh Ðường được xem là cổ xưa nhất đồng thời cũng là nhà thờ Chánh Tòa của vị Giám Mục Rôma, tức là Vương Cung Thánh Ðường Latêranô.

Ðược gọi là Latêranô vì Ngôi Thánh Ðường này tọa lạc trên một vùng đất đã từng có ngôi biệt thự của dòng họ Latêranô. Ðược trùng tu vào cuối thế kỷ thứ X, trước đây đã dâng hiến cho Thánh Gioan tẩy giả, cho nên từ đó Ngôi Thánh Ðường này cũng còn được gọi là Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Latêranô. Sở dĩ mỗi năm, Giáo Hội tưởng niệm lại biến cố này là bởi vì trước tiên Ngôi Thánh Ðường này là nhà thờ Chánh Tòa của vị Giám Mục Rôma, điểm quy chiếu và hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội. Ngoài ra, còn có một ý nghĩa khác không kém quan trọng mà biến cố này luôn gợi lại. Ðó là cuộc trở lại đức tin Công Giáo của cả Ðế Quốc La Mã vào thế kỷ thứ IX. Với việc xây cất và Cung Hiến đền thờ Latêranô, Giáo Hội không chỉ xây cất một nơi phụng tự bằng gỗ đá mà còn muốn hiến dâng cả một Ðế Quốc thành đền thờ cho Thiên Chúa.

Quý vị và các bạn thân mến,

Mỗi một tín hữu Kitô và mỗi một tạo vật đều phải được cung hiến để trở thành đền thờ cho Thiên Chúa. Ðây chính là ý nghĩa đích thực mà Giáo Hội muốn gợi lại trong ngày lễ hôm nay và đây cũng chính là ý nghĩa mà Chúa Giêsu đã nêu bật khi đuổi những người buôn bán và bọn đổi tiền ra khỏi đền thờ. Chúa Giêsu không chỉ thanh tẩy một nơi phụng tự, Ngài đến để khử trừ các thần tượng giả trá ra khỏi tâm hồn con người. Ngài đã từng tuyên bố: "Không ai có thể làm tôi hai chủ một lúc" (Mt 6:24). Nơi nào tiền bạc ngự trị thì nơi đó không còn chỗ cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết trước rằng, người ta sẽ xua đuổi Ngài ra khỏi đền thờ và treo Ngài trên thập giá. Ngài liền thách thức họ: "Hãy phá hủy ngôi đền thờ này và trong 3 ngày Ta sẽ xây lại" (Ga 2:19). Lúc ấy không ai hiểu được ngôn ngữ của Chúa Giêsu, về sau, sau khi Chúa Giêsu sống lại. Thánh Gioan tẩy giả đã nhớ lại câu nói của Chúa Giêsu và hiểu rằng: Ngài muốn nói đến ngôi đền thờ là thân xác của Ngài. Nhờ Thánh Thần mà Chúa Giêsu thông ban qua Phép Rửa tất cả mọi tín hữu Kitô cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa, Thánh Phaolô đã tuyên bố: "Anh em không biết rằng, anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trị trong anh em sao" (1Cor 3:16). Nói như thế không có nghĩa là chối bỏ những ngôi nhà thờ bằng gỗ đá. Niềm tin chỉ được thể hiện cách trọn vẹn khi các tín hữu được quy tụ và thờ phượng một cách công khai. Ðây vốn là nhu cầu thiết yếu của niềm tin Công Giáo. Các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta luôn thấy được nhu cầu cần thiết ấy, cho nên dù có vất vả lầm than và nghèo đói đến đâu, người ta vẫn quảng đại đóng góp để xây cất Thánh Ðường.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn mà có lẽ ngày lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta chính là xây cất những Ngôi Thánh Ðường sống động, những Ngôi Thánh Ðường không nhất thiết phải xây bằng gỗ đá mà phải bằng cả cuộc sống của người tín hữu Kitô chúng ta. Trong ý nghĩa thiêng liêng ấy thì Giáo Hội phải được xây dựng trước tiên trong gia đình, nơi công sở, ngoài phố chợ, trong bất cứ nơi nào có sự gặp gỡ và trao đổi giữa người với người. Có như thế thì Giáo Ðường mới thực sự là nơi gặp gỡ để thờ phụng Chúa và có như thế thì con đường nào cũng sẽ dẫn về Giáo Ðường.

Cuốn phim có tựa đề "Sám Hối" của đạo diễn Nga được thực hiện cách đây 20 năm kể lại câu chuyện của một viên thị trưởng độc ác dã man của thời Liên xô. Hoạt động tàn ác tiêu biểu nhất của ông là lấy đền thờ làm chỗ thí nghiệm khoa học rồi cho nổ tung đền thờ. Ông muốn nhổ tận gốc rễ điều được cho là thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Khi ông nằm xuống thì đám tang của ông cũng được tổ chức linh đình. Thế nhưng, chỉ một ngày sau thì xác của ông đã bị đào lên đến 3 lần do một phụ nữ vốn là con của một nạn nhân do chính ông gây ra. Ra trước tòa, người đàn bà cho biết sẽ còn tiếp tục quật mồ của ông.

Cuốn phim kết thúc với cuộc tự vẫn của cháu nội ông thị trưởng vì nó sám hối. Ðến lượt người con trai của ông cũng sám hối bằng cách đào mả ông và quăng xác ông xuống vực thẳm. Cảnh cuối cùng trong phim là cảnh bà cụ già đi ngang qua nhà của người phụ nữ đã quật mồ của ông thị trưởng, người này đang sống bằng nghề làm bánh ngọt, trên mỗi chiếc bánh đều có hình của tháp nhà thờ. Thấy vậy, bà cụ hỏi:

- Ðường này có đưa tới nhà thờ không?

Người phụ nữ đưa mắt nhìn về phía Ngôi Thánh Ðường đổ nát trả lời:

- Không, thưa cụ.

Bà cụ liền trợn mắt bảo:

- Ðường không đưa tới nhà thờ để làm gì?

Phải, thưa anh chị em, trong cuộc sống của mỗi người tín hữu Kitô chúng ta, biến cố nào cũng phải là sinh hoạt của nhà thờ và con đường nào cũng phải đưa vào nhà thờ bởi vì mỗi một người tín hữu Kitô chúng ta vốn là đền thờ của Thiên Chúa.

Sống như thế nào để trở thành con đường dẫn đến nhà thờ. Sống như thế nào để nhà thờ ấy không bị hoen ố. Ðó là điều mà Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta trong ngày lễ "Cung Hiến Ðền Thờ Latêranô" hôm nay.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page