Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 27 -

Sự Bầu Cử Của Mẹ Maria

 

Icon vừa là nghệ thuật vừa là để diễn tả niềm tin rất sâu sắc trong Giáo Hội Chính Thống và Ðông Phương. Ngày nay, với sự hiện diện của các tín hữu thuộc nghi lễ Ðông Phương tại nhiều nước Tây phương. Nghệ thuật và cách diễn tả niềm tin này cũng đã trở thành quen thuộc với Tây Phương.

Tại giáo phận Denver bang Colorado bên Hoa Kỳ, một bức ảnh Icon mới có tựa đề "Ðức Bà có dấu lạ" đã được sáng tác cho thiên niên kỷ mới. Bên dưới bức Icon có ghi lời như sau: "Lạy Ðức Bà là Mẹ của Ðấng đã có, đang có và sẽ đến. Bình minh của Gierusalem mới, chúng con hết lòng khấn xin Mẹ. Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp để chúng con được sống trong tình yêu, ngõ hầu Giáo Hội, thân thể Chúa Kitô được đứng vững trong thế giới này như bức Icon kiên cường của Giesusalem mới. Chúng con xin mẹ bầu cử cho chúng con được ơn này".

Người tín hữu Kitô kính nhớ người quá cố một cách đặc biệt, niềm tin của chúng ta nơi sự Phục Sinh, Phục Sinh của Chúa Kitô cũng như phục sinh của người chết thúc đẩy chúng ta tôn kính những người ra đi trước chúng ta, chúng ta tưởng nhớ đến họ. Tưởng nhớ có nghĩa là trân trọng cất giữ những kỷ niệm, tên tuổi, hành động, cuộc sống, các nhân đức của người quá cố. Chúng ta nhớ lại những gương mặt, những lời cầu nguyện, các kỷ vật họ đã trân trọng, chúng ta lập ra bàn thờ, chúng ta trình bày ảnh tượng, chúng ta thắp đèn hay đốt nhang. Tất cả là để tưởng nhớ họ một cách sống động hơn, chúng ta kể chuyện về họ, chúng ta bắt chước họ, chúng ta kêu cầu họ giúp đỡ.

Chúng ta cũng tưởng nhớ Mẹ Maria như thế. Chúng ta tưởng nhớ Mẹ Maria như Ðấng mang lại ánh sáng, như Ðấng đỡ đần cho bao gánh nặng của chúng ta, chúng ta đốt lên một ngọn nến trước ảnh của Mẹ để khẩn cầu Mẹ và cũng để tự nhắc nhở rằng: chúng ta là ánh sáng của thế gian, chúng ta đứng trước Mẹ để mang ánh sáng vào trong thế gian. Mẹ Maria vẫn còn sống giữa chúng ta, Mẹ vẫn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Câu chuyện có tựa đề "Người khách không được mời" của người Do Thái có thể giúp chúng ta hiểu được sự hiện diện sống động và lời bầu cử đắc lực của Mẹ Maria:

Một cặp vợ chồng nghèo nọ không có con cái, người chồng đi bán dạo, chỉ về nhà vào ngày hưu lễ. Người vợ ở nhà trông nom nhà cửa. Dù cuộc sống tất bật, hai vợ chồng nghèo này vẫn luôn trung thành với lề luật nhất là ngày hưu lễ.

Ngày tháng qua đi, sức lực hao mòn, hai vợ chồng càng ngày càng nghèo thêm mà vẫn không có được một mụn con đỡ đần, vậy mà cả hai vẫn chiến đấu, vẫn tin tưởng, vẫn nương tựa vào nhau để giữ vững niềm tin và nhất là để cố gắng sống quảng đại với tất cả mọi người. Trong nhà họ luôn luôn có dư ra một ít bánh cho bất cứ ai lỡ đường ghé vào xin giúp đỡ. Một mùa đông khắc nghiệt nọ, trong nhà không còn một chút lương thực dự trữ nào, cả hai vợ chồng phải đóng cửa ăn cầm chừng những gì còn sót lại cho đến khi mặt trời ló rạng. Người chồng vội vã ra khỏi nhà để bán được những gì có thể bán được, còn người vợ vội vã ra vườn xới đất chuẩn bị gieo vãi cho mùa xuân tới.

Một buổi sáng thứ sáu nọ, khi người vợ vơ vét những đồng bạc còn sót lại trong nhà để chạy ra chợ mua một ít bột về làm bánh, trên đường bà gặp thầy giáo làng, ông đã xin bà giúp đỡ bởi vì tất cả sách vở đều đã bị cái lạnh của mùa đông làm hư hại và học sinh không còn phương tiện nào để học hỏi. Nghe câu chuyện, người đàn bà liền rút hết những đồng xu cuối cùng và trao cho người thầy giáo. Về đến nhà, bà cố gắng lục lạo khắp nơi để may ra tìm được chút bột còn sót lại để làm được một cái bánh chăng, nhưng bà hoàn toàn thất vọng. Vào giữa lúc ấy, người chồng cũng vừa về đến cổng nhà, người vợ càng bối rối hơn vì người chồng lại đưa một người khách về nhà. Dù vậy, bà vẫn dọn bàn, bà nhìn vào bàn ăn trống trơn rồi cầu nguyện: "Lạy Chúa, con biết Chúa luôn cung cấp mọi sự cho chúng con".

Người khách mà chồng bà rước về nhà là một người đàn bà có tuổi, cuộn tròn trong một tấm chăn rách nát. Người chồng giải thích với vợ như sau:

- Tôi dẫn về cho mình một người bạn, thấy bà đi thất thểu, tôi mời về nhà để cùng cử hành ngày hưu lễ với chúng ta, chúng ta nghèo, nhưng chúng ta có thói quen đón tiếp tất cả những ai Chúa gửi đến.

Người vợ chỉ biết mỉm cười, bà mời người đàn bà ngồi vào bàn ăn, rửa tay cho bà, rồi cả ba cùng nâng chén chúc tụng. Người đàn bà chỉ biết thưa Amen sau mỗi lời cầu nguyện. Ðến lúc bẻ bánh, người chồng đưa tay tháo chiếc khăn đậy giỏ bánh, với một phản ứng tự nhiên, người vợ giữ lấy tay chồng lại, nhưng người khách nhanh tay hơn, bà đứng dậy, mở chiếc khăn phủ ra khỏi giỏ bánh, và trước sự ngỡ ngàng của người vợ, bà chỉ vào hai chiếc bánh còn nóng hổi.

Lúc bấy giờ, người khách mới cởi bỏ chiếc khăn trùm đầu ra. Hai vợ chồng đều sửng sốt khi thấy trước mặt họ một người đàn bà trẻ đẹp, họ nhận ra bà tức khắc. Người khách mời này chính là Nữ hoàng Saba, nữ hoàng của ngày hưu lễ. Bà nói như tiếng chim kêu:

- Biết bao nhiêu lần các người đã đón tiếp ta trong người nghèo và khách xa lạ, bằng lời nói và tiếng hát của các người, bằng sự tử tế của các ngươi và bằng lời ca tụng Ðấng tạo dựng vũ trụ. Ta thích nghe những lời chúc tụng của các ngươi. Bây giờ, Ta chúc lành cho các ngươi, xin Ðấng cực thánh gìn giữ các ngươi được an lành và thánh thiện, và khi cuộc sống ở trần gian này dứt, các ngươi được cử hành ngày hưu lễ cùng với các thiên thần và các thánh trên thiên đàng cho đến muôn đời.

Nói xong, nữ hoàng của ngày hưu lễ sờ lên trán họ, và hôn lên đầu họ, rồi vẫy tay chào họ một lần nữa khi các ánh nến tắt dần trong đêm tối.

Nữ hoàng Saba của ngày hưu lễ trong câu chuyện trên đây có thể là hình bóng của Mẹ Maria trong truyền thống Kitô Giáo. Mẹ có thể là người khách không được mời của các tín hữu Kitô. Bóng dáng Mẹ ẩn hiện khắp nơi trong cuộc sống của họ. Con Mẹ lớn lên để trở thành ngôn sứ bênh vực cho công lý, thầy dạy hòa bình, sứ giả của niềm hy vọng, Ðấng mang lấy gánh nặng của thế giới. Chúng ta cũng được mời gọi sống như Mẹ. Mẹ đã dạy Chúa Giêsu nên người. Mẹ cũng không ngừng có mặt trong cuộc sống của chúng ta và dạy chúng ta nên người. Ðiều chúng ta có thể làm cho người Mẹ của mỗi người chúng ta là làm theo điều Mẹ dạy bảo. Mẹ Maria là Mẹ của mỗi chúng ta, Mẹ dạy bảo chúng ta phải sống yêu thương, phục vụ. Mẹ vui mừng khi thấy chúng ta sống theo lời Mẹ dạy bảo và thực thi những lời Con Mẹ đã truyền dạy.

Có sống yêu thương và phục vụ như thế, chúng ta mới cảm nhận được sự hiện diện của Mẹ trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page