Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 25 -

Ðức Bà Phù Hộ Người Nghèo

 

Là người môn đệ mẫu mực, Mẹ Maria cũng là hiền mẫu của các tín hữu tiên khởi. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục hiện diện bên cạnh chúng ta trong cuộc hành trình đức tin. Qua mọi thời đại, các tín hữu luôn tin tưởng điều đó, họ chạy đến với Mẹ với tất cả tấm lòng thành kính của họ. Ðông, Tây, Âu, Á, mẫu số chung của niềm tin chính là lòng tôn kính dành cho Mẹ Maria. Mẹ sống mãi trong niềm tin của các tín hữu, Mẹ được ca ngợi qua muôn vàn bài hát và câu chuyện dân gian. Ðây sau là một trong những câu chuyện nói lên lòng yêu mến đơn sơ chân thành của các tín hữu:

Vào thời Trung cổ, có một người đàn ông không biết đọc biết viết, và cũng chẳng có bất cứ tài nghệ nào, nhưng anh có một quả tim vàng, bởi vì anh có thể giúp cho mọi người cười. Anh kể chuyện khôi hài, ca múa và tung hứng lên không một lúc nhiều đồ vật.

Một gánh xiếc đã khám phá ra tài nghệ của anh và thu nhận anh. Thế là anh có dịp đi khắp nơi để biểu diễn. Anh gặp gỡ đủ mọi tầng lớp trong xã hội từ vua chúa quan quyền cho đến mọi thứ dân. Nhưng xuất thân là một người nghèo cho nên lúc nào anh cũng dành mọi ưu tiên cho người nghèo. Anh hiểu rằng: "Hơn ai hết người nghèo cần được cười".

Nhưng năm tháng qua đi, tuổi đời càng thêm, anh chợt nhận ra giới hạn của mình: đôi tay anh không còn nhanh nhẹn khéo léo nữa, đôi chân anh cũng chẳng còn bảo đảm cho anh an toàn khi đi trên dây thừng nữa. Anh nghĩ đến lúc phải giải nghệ, nhưng anh sẽ làm gì để sống trong những năm tháng còn lại.

Anh liền nghĩ đến một người thực sự biết thưởng thức tài nghệ của anh. Người ấy là đan viện phụ của một tu viện lớn trong vùng. Anh tìm đến tu viện và xin được gặp đức đan viện phụ. Anh hy vọng ngài sẽ nhận ra anh ngay cả khi anh cởi bỏ trang phục của một anh hề gánh xiếc.

Anh thất vọng vô cùng khi đức viện phụ hỏi anh có thể làm được gì. Nhưng rồi ngài nhìn thẳng vào anh với tất cả tin tưởng và nói:

- Con đã mang nụ cười đến khắp mọi nơi, ngay cả trong tu viện này, trong những lúc gặp khó khăn, nhờ nụ cười của con mà chúng tôi đã có thể cầu nguyện dễ dàng hơn. Vậy mời con cứ ở lại trong nhà này, có một nơi để ở, có cơm bánh để ăn hằng ngày, có những bài Thánh ca để nghe mỗi ngày. Còn gì hạnh phúc bằng?

Nhưng thích nghi với cuộc sống đơn điệu trong tu viện không phải là chuyện dễ dàng như anh hằng tưởng tượng. Cứ sau mỗi giờ cầu nguyện, các tu sĩ mỗi người đều có công việc riêng của họ, người thì về phòng và đóng cửa lại, người ra vườn, kẻ đi giặt giũ, người đi thư viện, v.v...

Anh hề trong gánh xiếc không biết phải đi đâu và làm gì, anh cảm thấy sự hiện diện của mình như hoàn toàn thừa thãi trong nhà. Anh nghĩ bụng: "Biết đâu các tu sĩ khác chẳng nghĩ mình là kẻ ăn bám, anh cũng chẳng đọc được một câu trong sách nguyện".

Trong cơn chán nản, anh nghĩ đến chuyện rời bỏ tu viện. Anh vẫn thường đi lại khắp nơi trong tu viện để tìm ra một lối thoát cho mình. Tu viện vốn là thành phần của một nhà thờ chính tòa vĩ đại gồm nhiều nhà thờ cổ, vô số nhà nguyện nhỏ, đường hầm và kho.

Ngày nọ, trong khi dạo bước, anh thấy mình lạc vào trong một tầng hầm, dưới một nhà thờ cổ trong tu viện. Trong góc của tầng hầm, anh thấy có một bức tượng Ðức Mẹ. Bức tượng được tô vẽ bằng nhiều màu sắc sặc sỡ, nhưng lâu ngày không ai ngó ngàng tới cho nên đã bị phủ lên một lớp bụi dày khiến hình dáng Ðức Mẹ trông rất già nua, một cánh tay của Ðức Mẹ đã bị gãy, Hài Nhi trên cánh tay còn lại của Mẹ thì mặt mũi giơ bẩn, trên tay Hài Nhi xem chừng có một quả địa cầu nhưng cũng đã biến mất. Anh hề gánh xiếc thấy Ðức Mẹ và Hài Nhi rồi chợt nghĩ: "Trông các Ngài thật là thảm não, không còn ai nghĩ đến các Ngài nữa".

Sáng hôm sau, khi kinh sáng vừa chấm dứt. Anh ra khỏi nhà nguyện của tu viện và tiền đến tầng hầm nơi có tượng Ðức Mẹ và Hài Nhi Giêsu, rồi trước mặt các ngài, anh mang hết tất cả đồ nghề và tài nghệ của mình để biểu diễn, anh tin và hy vọng sẽ đem lại những trận cười thoải mái cho Ðức Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Ðôi tay của anh dù không còn nhanh nhẹn như xưa, đôi chân của anh cũng không còn cứng cáp như xưa, nhưng anh vẫn cố gắng biểu diễn đủ mọi trò, miễn là Ðức Mẹ và Hài Nhi Giêsu được vui cười.

Một ngày nọ, một tu sĩ đã để ý và theo dõi anh. Sau khi chứng kiến những màn biểu diễn của người hề gánh xiếc. Vị tu sĩ liền về báo cáo cho đức viện phụ, cả hai trở lại tầng hầm. Ðức viện phụ có ý định sẽ gọi anh hề gánh xiếc và bảo anh phải rời bỏ tu viện ngay tức khắc, nhưng Ngài bỗng đứng lại như bị trời trồng: trước mắt ngài, người hề gánh xiếc mệt lả và ngã xuống trước bàn thờ, trong khi đó bức tượng Ðức Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu bỗng từ từ cử động. Ðức Mẹ bước xuống khỏi bệ và cúi xuống trên người hề gánh xiếc. Mẹ dùng chiếc áo choàng củ rách của Mẹ lau mồ hôi trên trán anh, rồi hôn anh. Ðức Mẹ đặt Hài Nhi xuống sàn nhà. Hài Nhi liền lấy một quả bóng của anh hề và cho vào túi áo của mình. Ðức Mẹ mỉm cười rồi bồng con lên, và cả hai trở lại bệ để trở lại trạng thái cũ của bức tượng.

Sáng ngày hôm sau, đức viện phụ cho gọi anh hề lên phòng riêng của ngài. Ngài chấn an anh rằng: ngài đã biết việc anh làm, và xem việc biểu diễn đó như một bổn phận chính thức của anh ở trong tu viện. Anh hề gánh xiếc rất sung sướng được bề trên trong nhà giao phó cho công việc ấy. Hằng ngày, anh chỉ có mỗi một công tác là xuống tầng hầm và biểu diễn cho Ðức Mẹ và Hài Nhi Giêsu.

Năm tháng qua đi, tuổi già đến, người hề gánh xiếc cũng đang yếu như mọi người. Ðức viện phụ đến bên giường bệnh để an ủi anh và cầu nguyện với anh. Ngài lại thấy Ðức Mẹ và Hài Nhi Giêsu bên cạnh anh hề đang hấp hối. Ngày người hề gánh xiếc qua đời, Ðức Mẹ đến, cúi xuống trên người hề gánh xiếc, dùng chiếc áo choàng cũ kỹ của mình để lau mồ hôi cho anh, và hôn lên trán anh. Mẹ ra đi, đem người hề gánh xiếc theo và nhìn một cách trìu mến vào vị viện phụ. Khi người hề gánh xiếc đã qua đời, vị viện phụ bắt đầu tập luyện những ngón nghề của anh. Tuy không điêu luyện, nhưng ngài cũng cố gắng lập lại từng ấy động tác trước bức tượng Ðức Mẹ và Hài Nhi trong nhà nguyện dưới tầng hầm.

Quý vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên đây đã được kể về Thánh Bernadô, vị viện phụ đã từng viết những thảo luận thần học sâu sắc về Mẹ Maria. Người ta cũng kể lại rằng suốt cuộc đời của ngài: thánh nhân đã cầu nguyện với tất cả tấm lòng đơn sơ và chân thành mà người hề gánh xiếc đã từng dành cho Ðức Mẹ.

Câu chuyện trên đây là tiêu biểu của rất nhiều câu chuyện vào thời Trung cổ về lòng kính mến của người nghèo đối với Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Maria quả thực là Mẹ của người nghèo. Mẹ cũng là một người nghèo bị lãng quên như mọi người nghèo. Mẹ cảm thông với họ. Mẹ dành cho họ nhiều ưu ái hơn những kẻ giầu sang quyền quý. Mẹ là Ðức Bà phù hộ người nghèo. Mẹ là nơi nương tựa của các tội nhân. Mẹ là Mẹ của tất cả những ai biết chạy đến với Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Ðó là niềm tin tưởng của các tín hữu qua mọi thời đại và khắp mọi nơi. Và niềm tin tưởng, cậy trông ấy là kho tàng quý báu nhất của Giáo Hội.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page