Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 20 -

Người Nô Lệ Tự Nguyện

 

Trong đế quốc La Mã vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên, có đến hàng triệu người nô lệ. Một nửa dân số thành La Mã và một phần lớn của dân số đế quốc là người nô lệ. Tuy nhiên, số phận của những người nô lệ không luôn luôn giống nhau. Một số là thầy giáo, do đó được hưởng những đặc ân chỉ dành cho thành phần ưu tuyển trong đế quốc. Dầu vậy, mẫu số chung của tất cả những người nô lệ là bị tước đoạt một trong những quyền tự do cơ bản và quý giá nhất của con người: đó là quyền được chọn lựa và quyết định.

Trong thế kỷ thứ I, một người có thể trở thành nô lệ bằng nhiều cách khác nhau: trước hết là do sinh ra bởi những cha mẹ nô lệ, thứ đến người ta cũng có thể trở thành nô lệ nếu thuộc về một dân tộc thua trận, người ta cũng có thể bị cưỡng bách làm nô lệ trong một thời gian nào đó vì nợ nần. Cuối cùng, còn có một loại người nô lệ khác thường được gọi là nô lệ tự nguyện. Ðây là trường hợp của một người sau khi mãn hạn nô lệ vẫn tiếp tục là nô lệ vì không muốn xa lìa một người chủ tốt. Ðây cũng có thể là trường hợp một người đàn ông cưới một phụ nữ nô lệ làm vợ. Vì liên đới, người chồng có thể tự nguyện làm nô lệ để được chung sống với vợ mình. Người nô lệ tự nguyện thường được ghi khắc trên lỗ tai một dấu hiệu đặc biệt để phân biệt với những người nô lệ khác.

Hình ảnh của người nô lệ tự nguyện đã được hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô mượn để nói lên mối dây liên kết đặc biệt giữa các Ngài với Chúa Giêsu Kitô. Trong thư gửi cho Giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô tự mô tả mình như một người nô lệ của Chúa Giêsu. Trong lá thư cuối cùng của Ngài trước khi bị hành quyết, Thánh Phêrô cũng sử dụng một kiểu nói tương tự để nói lên sự liên kết mật thiết của Ngài với Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, hai vị Thánh tông đồ này không có bất cứ một dấu hiệu đặc biệt nào trên tai mình để nói lên mối dây liên kết của các Ngài với Chúa Giêsu, nơi các Ngài người ta chỉ thấy một dấu hiệu duy nhất, đó là lòng trung thành phục vụ cho đến cùng.

Quý vị và các bạn thân mến,

Chế độ nô lệ là một trong những vết nhơ trong lịch sử nhân loại. Ngày nay, một trong những dấu hiệu của sự trưởng thành của nhân loại chính là ý thức về những quyền tự do cơ bản của con người mà bãi bỏ chế độ nô lệ. Tuy nhiên, hình ảnh nô lệ và sự phục vụ của người nô lệ vẫn còn rất quen thuộc đối với Kitô Giáo. Thật thế, cốt lõi của Kitô Giáo là tình yêu, và phục vụ là thể hiện cụ thể nhất của tình yêu.

Chúa Giêsu chính là người tôi tớ đau khổ, gánh lấy bao tội lỗi và khốn khổ của nhân loại, Ngài đã nói về mình như sau: "Con người đến không phải để được hầu hạ và phục vụ, nhưng để hầu hạ và phục vụ mọi người" (Mc 10:45). Ngài cũng kêu gọi các môn đệ: "Ai muốn làm lớn nhất, hãy trở nên người thấp hèn nhất để phục vụ mọi người" (Mc 10:43).

Khi tỏ ý muốn cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ Maria cũng tự xưng mình "là tôi tớ của Chúa" (Lc 1:38). Mẹ đã sống tư cách tôi tớ ấy bằng cả một cuộc sống quên mình, phục vụ. Phẩm giá và các quyền của con người bị chối bỏ, thì người đó bị người khác bắt làm nô lệ, nhưng con người lại trở thành cao cả khi tự biến mình thành nô lệ để phục vụ người khác.

Ði lại cuộc hành trình đức tin của Mẹ Maria trong tháng Mân Côi này, chúng ta cũng được mời gọi sống mãnh liệt ơn gọi phục vụ của chúng ta. Chúng ta chiêm ngắm mẫu mực khiêm nhượng nơi Mẹ. Khiêm nhượng là tên gọi của phục vụ, sự khiêm nhượng đích thực không ồn ào, to tiếng, nhưng được âm thầm thể hiện trong phục vụ. Tràng chuỗi chúng ta dâng kính Mẹ Maria trong tháng Mân Côi sẽ chỉ là những rêu rao ngoài môi miệng nếu nó không được kết thành bởi những cố gắng phục vụ âm thầm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Nguyện xin Mẹ luôn là nguồn cảm hứng thôi thúc chúng ta vội vã ra đi để mang đến cho người khác sự phục vụ, và để chúng ta cảm nhận được niềm vui của phục vụ.

Lạy Mẹ Maria là mẫu mực của âm thầm phục vụ. Xin Mẹ hướng dẫn chúng con trong từng bước đi theo Mẹ trong nếp sống quảng đại và quên mình, để chúng con ngày càng nên giống Chúa Giêsu Con Mẹ, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page