Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 18 -

Mẹ Là Kẻ Ðã Tin

 

Thời Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Ðông đề xướng (1966-1976) tức là năm ông qua đời. Ðức Khổng Tử đã bị bôi nhọ như một tên phản động. Nhưng ngày nay Trung Quốc đang phục hồi danh dự cho ngài.

Nhân dịp mừng ngày sinh lần thứ 2,550 của Ðức Khổng Tử hồi tháng 9 năm 1999 (28/09/551BC- 1999AC), các viên chức Trung Hoa đã hát lên bài ca mà người ta chưa từng nghe bao giờ trong 50 năm qua. Ông Liruwuang, một thành viên của bộ chính trị đã khẳng định rằng: Khổng giáo là ý hệ đang thịnh hành, phát triển và thống nhất dân tộc Trung Hoa.

Tại Thượng Hải, đền thờ của Ðức Khổng Tử hoàn toàn được xây dựng lại sau mấy chục năm bị bỏ quên, và đã được khánh thành bằng những cuộc lễ long trọng trùng với việc mừng 50 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc hôm 1 tháng 10 năm 1999. Bà giám đốc trung tâm văn hóa của thành phố Thượng Hải chịu trách nhiệm về việc trùng tu đền thờ đã tuyên bố như sau: Giáo huấn của Ðức Khổng Tử có ảnh hưởng sâu rộng không những đối với Trung Hoa, mà còn cả đối với Ðông Nam Á và thế giới. Chúng ta hãy lấy quá khứ để phục vụ cho hiện tại, bà lấy sự kiện chủ tịch Giang Trạch Dân thường trích dẫn lời của Ðức Khổng Tử. Bà nói như sau: Khổng giáo chống lại dị đoan, và lạc giáo theo kiểu Pháp Luân Công. Một chuyên gia về triết lý Khổng giáo tại học viện xã hội Thượng Hải nói rằng: việc canh tân Khổng giáo giúp lấp đầy khoảng trống văn hóa cho việc Trung Hoa dấn sâu vào công cuộc phát triển kinh tế tạo ra. Ðề cao Ðức Khổng Tử là từ bỏ đấu tranh giai cấp và những tàn bạo dã man dưới thời Cách mạng Văn hóa. Trung Quốc cần tái lập những nền tảng hướng dẫn mối quan hệ giữa người với người. Bạn không thể làm ăn trong kinh tế thị trường mà không có sự tin tưởng lẫn nhau.

Quý vị và các bạn thân mến,

Không thể làm ăn trong kinh tế thị trường mà không có sự tin tưởng lẫn nhau đã đành, mà trong bất cứ quan hệ nào giữa người với người. Cuộc sống xã hội sẽ trở thành hỏa ngục khi không có sự tin tưởng nhau. Xã hội mà chủ tịch Mao Trạch Ðông thiết lập bằng cách dẹp bỏ sự tin tưởng ấy như thế nào thì người dân Trung Hoa và cả thế giới đã rõ. Không có sự tin tưởng giữa người với người thì xã hội chỉ còn là một cái xác không hồn. Không có sự tin tưởng giữa người với người, thì xã hội cũng đánh mất niềm tin và trống rỗng về mặt tinh thần. Không có sự tin tưởng giữa người với người, thì dĩ nhiên con người cũng không bao giờ có thể có niềm tin nơi Thiên Chúa hay những giá trị siêu nhiên, và đó chính là nỗi bất hạnh của con người. Không tin ở người, không tin vào Thiên Chúa, con người cũng chẳng còn tin vào bản thân, một cuộc sống không có niềm tin là một cuộc sống không có tương lai và hướng đi. Không cần phải có một thứ hỏa ngục nào trong cuộc sống mai hậu dành cho những người không có niềm tin, ngay từ cuộc sống tại thế này, sự thiếu vắng niềm tin cũng đã là một nỗi đọa đày khủng khiếp cho con người rồi.

Tháng Mân Côi, chúng ta đi lại cuộc hành trình đức tin của Mẹ Maria: "Phúc cho Mẹ là kẻ đã tin" (Lc 1:45). Mẹ tin là Ðấng quyền năng có thể làm được mọi sự. Mẹ tin ở cuộc sống. Mẹ tin ở bản thân. Mẹ tin ở tình người. Mẹ tin ở Thiên Chúa cho nên đã thưa "Xin Vâng" (Lc 1:38) trong mọi tình huống của cuộc sống. Mẹ tin ở cuộc sống cho nên âm thầm cất giữ mọi biến cố và suy niệm trong lòng. Mẹ tin ở bản thân, bởi vì Ðấng toàn năng đã làm những điều trọng đại cho người nữ tỳ khiêm hạ là Mẹ. Mẹ tin ở tình người, cho nên đã luôn hiện diện bên cạnh người môn đệ Chúa Kitô.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu mực của chúng con trong đời sống đức tin. Xin cho chúng con luôn cảm nhận được sự hiện diện đồng hành của mình trong cuộc sống, để những khó khăn và thử thách, chúng con vẫn một mực tin yêu và vui sống với Mẹ. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page