Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 17 -

Con Người Và Thiên Nhiên

 

Thế giới và giới leo núi vô cùng thương tiếc khi hay việc Alex Leo bỏ mình trên núi Hymalaya.

Alex Leo năm nay đúng 40 tuổi, được xem là nhà leo núi lừng danh nhất thế giới. Anh có thể lực và sức chịu đựng dẻo dai đến độ được các bạn tặng cho một danh hiệu: "Buồng phổi có chân". Alex Leo đã chinh phục được các dãy núi cao nhất thế giới. Anh hai lần đến đỉnh núi Everest của dãy Himalaya. Nhưng sinh nghề tử nghiệp. Hôm thứ ba ngày 05 tháng 10 năm 1999, anh đã ngã gục và chôn vùi trong một trận bão tuyết trên một ngọn núi Panma, tại Tây Tạng. Với độ cao 7,887 thước, núi Sisam Panma mà được xem là một trong 14 ngọn núi cao nhất thế giới. Những người trong đoàn thám hiểm nói rằng: thi thể của anh sẽ được chôn cất mãi mãi trên đó, đây là ước muốn mà anh đã nhiều lần bày tỏ với bạn bè. Thật ra, bất cứ một cuộc tìm kiếm nào cũng đều rất nguy hiểm.

Alex Leo cùng với các bạn đồng nghiệp khác đi thám hiểm ở độ cao 5,700 thước. Thình lình, họ phát hiện một băng tuyết cách họ khoảng 1,800 thước trên đầu họ bắt đầu ào ào đổ xuống, tất cả mọi người đều tìm đường trốn thoát, riêng anh và người bạn thân của anh đã không qua khỏi trận bão tuyết ấy. Cái chết của anh làm cho nhiều người sửng sốt. Một nhiếp ảnh viên và là một người bạn thân của anh đã nói như sau: "Tôi không thể tưởng tượng rằng, Alex Leo có thể chết như thế". Ðây là một lời nhắc nhở rất cảm động rằng: "Núi vẫn vĩ đại hơn con người."

Quý vị và các bạn thân mến,

Cái chết của nhà leo núi Alex Leo trên đây cũng là như cái chết của không biết bao nhiêu người lấy thể lực để đọ sức với thiên nhiên, là một bằng chứng hùng hồn nhất nói lên rằng: sức mạnh con người có giới hạn. Khẩu hiệu: mạnh hơn, nhanh hơn, cao hơn được ghi khắc trong mọi đấu trường khuyến khích con người cố gắng vươn lên để đạt được kỷ lục mới. Nhưng điều đó nói lên rằng sự "có cùng" là thân phận của con người, sức chịu đựng của con người vốn có giới hạn, nhanh đến đâu, mạnh đến đâu và cao đến đâu rồi cũng phải dừng lại trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhanh nhẹn đến đâu cũng khó đề phòng và tránh được những cơn động đất, mau chóng đến đâu cũng không thể chống lại được với cuồng phong bão táp. Cao đến đâu cũng không bao giờ vượt ra khỏi bầu trời bao la, và nhất là sức mạnh đến đâu đứng trước cái chết, con người cũng không bao giờ khắc phục được.

Thiên nhiên vẫn luôn có đó để nhắc nhở cho con người về thân phận "có cùng" của nó, luôn luôn có những kỷ lục không thể đạt tới và những giới hạn con người không thể vượt qua, nhưng bất toàn và giới hạn cũng không phải là điều bất hạnh cho con người. Trái lại, càng ý thức về thân phận "có cùng" ấy, con người càng nhận ra mối dây liên kết của mình với Ðấng Tạo Hóa, và đây chính là sự vĩ đại của con người. Trong vũ trụ, chỉ có con người là tạo vật duy nhất ý thức được mối liên hệ với Ðấng Tạo Hóa mà thôi. Càng ý thức được thân phận bất toàn của mình, càng nhận ra mối dây liên kết với Ðấng Tạo Hóa, con người càng trở nên vĩ đại. Ðây chính là sự thật về con người mà có lẽ Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu trong suốt tháng Mân Côi này.

Ði lại cuộc hành trình đức tin của Mẹ Maria, chúng ta nhìn lại: nếu qua hành động khước từ của mình, người đàn bà đầu tiên (Eva) của nhân loại đã đem vào thế giới bao khốn khổ và chết chóc, thì với hai tiếng thưa: "Xin vâng" với quyền năng của Ðấng Tạo Hóa, Mẹ Maria đã trở thành vĩ đại, vì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ những điều trọng đại.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Ðấng tin vào quyền năng của Thiên Chúa, xin cho tràng chuỗi Mân Côi chúng con dâng kính Mẹ hằng ngày giúp chúng con thấy được ý nghĩa và giá trị của bao công nghiệp âm thầm chúng con làm mỗi ngày.

Xin Mẹ thương khấn nhậm và cầu thay nguyện giúp để chúng con luôn được sống đẹp lòng Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page