Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 09 -

Tâm Tình Của Mẹ Maria

Trong Ngày Sabat

 

Mẹ Maria đã theo dõi Chúa Giêsu cho đến dưới chân thập giá. Từ nay, trên đoạn đường còn lại, Mẹ sẽ tiến bước trong âm thầm, lặng lẽ.

Là một người phụ nữ Do Thái, ngay cả trong cơn đau tột cùng của một người mẹ mất con. Mẹ Maria cũng phải về nhà để chuẩn bị cử hành ngày Sabat. Cũng như đối với các phụ nữ Do Thái khác, tuân giữ ngày Sabat đối với Mẹ là nhớ lại giáo huấn của Chúa, là ôn lại các lời hứa của Thiên Chúa qua miệng các Tiên tri. Có lẽ cũng như tất cả mọi người Do Thái khác, Mẹ cũng sẽ cùng với bà con, bạn hữu và láng giềng tập trung lại để chúc tụng, ngợi khen Chúa. Mẹ sẽ ôn lại cuộc giải phóng mà Thiên Chúa đã thực hiện, Mẹ cố gắng khuất phục niềm đau vẫn còn để tiếp tục tin tưởng ở lời hứa về một miền đất chảy sữa và mật ong, về triều đại của công lý và hòa bình cho tất cả mọi người.

Theo nghi thức thông thường của ngày Sabat, theo lời cầu nguyện của công chúng, mọi người cố gắng giữ sự tĩnh lặng trong tâm hồn để suy niệm. Ðối với Mẹ Maria, vốn đã quen cất giữ và suy niệm trong lòng: cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, những lời cuối cùng của Ngài trối lại, nỗi đau của một người mẹ mất con, đó là những sự kiện nuôi dưỡng sự cầu nguyện và suy niệm của Mẹ Maria. Cuộc sống của Chúa Giêsu Con Mẹ đã bị cướp mất, một phần của linh hồn và cuộc sống của Mẹ cũng đã bị cướp mất. Có lẽ cũng như mọi người mẹ khác trên thế gian này: Mẹ Maria đã khóc than khi đón nhận xác con từ trên thập giá, và khi vội vã tống táng con để kịp chuẩn bị cử hành ngày Sabat. Nhưng có lẽ còn hơn các phụ nữ khác, lời mà vị Tiên tri ra Simêon đã báo trước giờ đây đã ứng nghiệm với Mẹ: "Một lưỡi gươm đã thực sự đâm xuyên qua trái tim của Mẹ" (Lc 2:35).

Trong thinh lặng của ngày Sabat, Mẹ Maria suy niệm và cầu nguyện như Mẹ vẫn làm mỗi ngày. Có lẽ cũng giống như những người Do Thái đạo đức khác, Mẹ cũng phủ lên người một tấm khăn liệm để kết hiệp với người thân đã ra đi. Mẹ nhớ lại tất cả những ai đã bị sát hại vì lẽ công chính trong suốt lịch sử của dân tộc. Mẹ nhớ lại các thơ nhi đã bị vua Hêrôdê ra lệnh hạ sát khi Chúa Giêsu đã sinh ra. Mẹ nhớ lại bao cái chết bất công đã diễn ra trong lịch sử dân tộc. Nhưng, hơn ai hết, trong niềm đau tột cùng của một người mẹ mất con, Mẹ Maria vẫn luôn nhớ lại lời Chúa Giêsu: "Thật vậy, thầy bảo thật anh em. Anh em sẽ khóc lóc và than vãn. Còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình, nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, họ được chan chứa niềm vui vì một người con đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy mất được". (Ga 16:20-22)

Ðau khổ dẫn đến vinh quang. Cái chết dẫn đến Phục Sinh. Hơn ai hết, Mẹ Maria đã sống chân lý ấy ngay từ lúc thưa "Xin Vâng" với lời sứ thần. Mỗi một biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều được gắn liền với chân lý ấy. Mỗi một niềm đau của Mẹ cũng được soi rọi trong ánh sáng ấy. Ngày Sabat hôm đó là ngày cuối cùng để Mẹ trắc nghiệm lòng tin của Mẹ. Là một người Mẹ, Mẹ hiểu được nỗi đau và niềm vui của một người mẹ. Số phận của những người mẹ là đau khổ và lo toan cho cuộc sống con cái.

Trong sách của người Do Thái có ghi lại một câu chuyện nói lên ý nghĩa của người mẹ như sau:

Có vị giáo trưởng rất nhiệt thành. Ông đi khắp nơi để giảng dạy. Ngày nọ, trong lúc ông vắng nhà, hai đứa con trai nhỏ của ông lâm bệnh và qua đời. Không thể nhắn tin cho chồng về kịp, người vợ đã âm thầm chuẩn bị tống táng: bà rửa xác hai con và mặc cho chúng lễ phục của ngày Sabat rồi chờ đợi chồng về. Giáo trưởng về đến nhà khi màn đêm buông xuống. Ông thấy vợ lặng lẽ ngồi trong nhà bếp. Ông cho gọi các con đến và chúc lành cho chúng trước khi chúng lên giường ngủ. Nhưng người vợ bảo chồng:

- Hãy ngồi vào bàn ăn rồi gặp con sau.

Trong bữa ăn, người chồng kể lại chuyến đi của ông, khi ông vừa dứt lời thì người vợ lấy hết can đảm để nói với ông:

- Em muốn xin mình một điều.

Người chồng hăm hở:

- Em có thể xin bất cứ điều gì.

Người vợ liền nói:

- Có một người kia được trao phó cho những nữ trang rất quý giá để cất giữ. Khi đến lúc phải giao lại những món nữ trang ấy. Người đó có nên trao lại một cách tự do không?

Người chồng mau mắn đáp:

- Dĩ nhiên, mình phải trả lại cho người khác những gì thuộc về họ.

Người vợ đứng dậy khỏi bàn ăn và nói với chồng:

- Em cũng nghĩ như thế. Mình hãy đi theo em.

Nói xong, bà dẫn chồng vào phòng ngủ của hai đứa con, bà giở tấm chăn phủ xác hai đứa con ra. Vừa thấy xác hai con. Giáo trưởng Pierre đã bật khóc. Và trong phản ứng tự nhiên, hai vợ chồng ôm nhau để hòa nhập trong cùng một nỗi đau. Cuối cùng, sau một hồi lâu, người vợ rửa tay chồng ra và nói:

- Chính mình là người đã dạy cho em phải trả lại cho người khác những gì thuộc về họ, và chúng ta phải biết trao tặng cho nhau. Chúa chúng ta đã trao tặng, và bây giờ Ngài bảo chúng ta phải trao tặng lại cho Ngài. Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

Vị giáo trưởng lập lại lời chúc tụng và nói với vợ:

- Mình cũng đáng chúc tụng. Bởi vì có lời chép rằng: "Có được một người vợ nhân đức còn hơn có được ngọc ngà châu báu. Miệng nàng nói lời khôn ngoan và lưỡi nàng nói lời tử tế".

Nói xong, vị giáo trưởng ôm chầm lấy vợ, hai người chìm đắm trong thế giới bao phủ bởi bóng tối của mất mát và chết chóc.

* * *

Trên đây là câu chuyện của người phụ nữ luôn biết trao trả lại kho tàng đã được gửi thác cho mình. Bà là hình bóng của Mẹ Maria. Ðấng đã thưa "Xin Vâng" và đón nhận kho tàng với Chúa là Hài Nhi Giêsu. Và khi đã đến giờ trao trả lại kho tàng ấy cho Thiên Chúa, với tất cả con người của Mẹ, Mẹ đã trao trả lại cho Thiên Chúa. Mẹ đã dâng tặng những gì là quý giá nhất cho Thiên Chúa. Cuộc sống Mẹ là một chuỗi những trao tặng và hiến dâng. Nhưng như lời Chúa Giêsu được Thánh Phaolô ghi lại: "Cho thì có phước hơn Nhận Lãnh" (Cv 20:35).

Suốt cuộc hành trình đức tin theo dõi dấu chân Chúa Giêsu. Mẹ luôn cảm nhận được hạnh phúc của trao ban, và tuyệt đỉnh của niềm vui trao bạn ấy đã đến trong buổi rạng đông của ngày thứ nhất trong tuần, khi Tin Mừng Phục Sinh đã làm bừng dậy sức sống cho toàn thể nhân loại. Mẹ Maria hẳn phải là người đầu tiên đón nhận Tin Mừng Phục Sinh ấy.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page