Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 04 -
Mẹ Maria, Ðấng Mang Ánh Sáng
Ðến Cho Trần Gian
Các thổ dân tại châu Mỹ chia sẻ chung với nhau một huyền thoại về ánh sáng.
Truyện được kể đại khái như sau:
Từ thời xa xưa, trước khi con người xuất hiện, trái đất là một nơi kỳ diệu nên ánh sáng vẫn chưa xuất hiện, thú vật phải sống trong tăm tối. Vì không trông thấy nhau nên những cuộc va chạm, đánh đấm và cắn xé nhau là điều không thể tránh khỏi. Không thể tiếp tục tình trạng như thế được cho nên một nhóm nhỏ các thú vật lại tổ chức tìm một ít lửa để chấm dứt tình trạng tăm tối. Loài thú nói với nhau: Tạo hóa không muốn cho chúng ta sống trong tăm tối, chúng ta cần có ánh sáng, chúng ta cần có lửa.
Một con chim phát biểu:
- Thỉnh thoảng tôi bay cao, và khi hầu như kiệt sức, tôi có thể thấy ánh sáng ló rạng ở phía đông.
Nghe thế, tất cả mọi con vật có mặt trong cuộc gặp gỡ đều đồng thanh cử giống chim đi tìm ánh sáng và lửa. Dĩ nhiên, một cuộc mạo hiểm như thế chỉ có chim phượng hoàng mới có thể thực hiện được mà thôi, bởi vì nó vừa bay cao lại vừa chuyên môn. Nhưng chuyến đi đầu tiên ấy thất bại, bởi vì chỉ có cách duy nhất lấy lửa là con phượng hoàng để lửa trên đầu nó. Khi con vật về tới vùng tăm tối thì lửa cũng đã đốt cháy những cánh lông đẹp trên đầu nó và tàn lụi khi nó vừa xuống đất. Các con thú khác nhìn con phượng hoàng xót xa, bởi vì với cái đầu sói trông nó xấu hơn ai hết.
Một chuyến đi khác lại được ủy thác cho con đà điểu, bởi vì nó chạy nhanh chẳng kém gì chim bay trên trời, với thân hình to lớn của nó, những con vật khác hy vọng nó sẽ mang được lửa về. Nhưng chuyến đi cũng thất bại, bởi vì sau khi đã được lửa ở phía đông, con vật to lớn này đặt lửa vào cái đuôi của nó. Khi nó về đến nơi thì lửa đã đốt sạch cái đuôi của nó và lửa cũng biến mất.
Vào giữa lúc các con thú nhìn nhau ngao ngán, một con nhện được các con thú khác gọi bằng "bà ngoại" lên tiếng như sau:
- Tôi tình nguyện đi ăn cắp lửa, tôi nhỏ bé, dân ở phía đông không để ý đến tôi, biết đâu Ðấng tạo hóa đã dựng nên chúng tôi để mang ánh sáng về đây cho thế giới.
Tuy không mấy tin tưởng, nhưng hội đồng thú cũng đành để cho con nhện ra đi về phía đông.
Từng bước chậm rãi, con nhện cứ ung dung nhặt từng bụi đất sét, nắm thành một cái nồi nhỏ và đặt trên lưng nó, còn nước miếng tiết ra từ miệng con vật nhỏ bé ấy lại kết thành một mạng lưới bất cứ nơi nào nó đặt chân đến. Khi đến phía đông, con nhện không gặp khó khăn nào để đánh cắp lửa và cho vào chiếc nồi nhỏ trên lưng, và lần theo mạng lưới nó đã giăng ra, con vật về đến nơi bình yên, và trên lưng sáng rực ánh lửa. Nó đi đến đâu ánh sáng bừng lên đến đó, không mấy chốc, ánh sáng đã xua đuổi được tối tăm ra khỏi thế giới của loài vật.
Trong bài tuyên dương con nhện, một loài thú đã nói như sau:
- Thưa ngoại, ngoại đã làm được điều mà trong chúng tôi không ai có thể làm, ngoại đã mang về ánh sáng, lửa và hơi ấm, chúng tôi sẽ biết ơn ngoại và chúng tôi mãi mãi tôn vinh ngoại. Từ nay, loài nhện của ngoại sẽ được nhắc nhở cho chúng tôi về sự hiện diện của Ðấng tạo hóa, và bất cứ ai làm nghề dệt và đồ gốm đều mang ánh sáng đến cho thế giới và tiếp tục cuộc hành trình của tạo vật, chúng tôi sẽ nhớ mãi điều đó.
Bài tuyên dương được dành cho con nhện trên đây giải thích lý do tại sao người thổ dân châu Mỹ nói lên niềm tin và hy vọng của con người nơi ánh sáng, nó cũng nói lên những bước đi mò mẫm của nhân loại trong việc mưu tìm cuộc sống, nhưng nhất là qua câu chuyện, chúng ta thấy được ý nghĩa và sức mạnh của những việc làm âm thầm nhỏ bé trong cuộc sống con người.
Mượn câu chuyện ấy, chúng ta muốn nói đến vai trò của Mẹ Maria trong lịch sử nhân loại. Ðối với những người có niềm tin, tất cả mọi câu chuyện đều quy về một câu chuyện. Ðó là câu chuyện của ánh sáng đến trong thế gian. Câu chuyện về Thiên Chúa là ai? Con người là ai? Loài người liên kết với nhau như thế nào? Tất cả mọi nền văn hóa, chủng tộc và tôn giáo đều phụng sự một Thiên Chúa duy nhất và đều bày tỏ Ðấng tạo hóa giữa chúng ta. Con nhện mà những con thú khác tôn làm "bà ngoại" đã nói rõ: "Có thể tôi đã được tạo dựng để mang ánh sáng đến trong thế gian", và với sức mạnh âm thầm, vô danh của nó, con nhện đã mang lại ánh sáng và làm cho cuộc sống trần gian được sung mãn. Sức mạnh khiêm tốn là điều cần thiết cho sự phát triển của trái đất.
Hình ảnh nhỏ bé và âm thầm nhưng kiến hiệu của con nhện trong câu chuyện trên đây gợi lên chính hình ảnh của Mẹ Maria. Mẹ đã mang ánh sáng vào trần gian và dạy dỗ chúng ta biết sống thế nào để phục vụ cộng đồng nhân loại. Mẹ là "bà ngoại" của nhân loại, Mẹ cũng luôn đem ra một mạng lưới để giữ cho thế giới được đứng vững, Mẹ cũng đã chờ đợi chúng ta làm như thế. Theo truyền thuyết, Mẹ Maria đã sống trong cộng đoàn Ephêsô cho đến năm 92 tuổi. Trong cộng đoàn ấy, Mẹ đã đóng vai một "bà ngoại", bởi vì "bà ngoại" cũng là hiện thân của sự khôn ngoan, cảm thông, kiên nhẫn và can đảm.
Sự hiện diện của Mẹ đã giữ cho cộng đoàn được đứng vững. Cái nồi nhỏ trên lưng con nhện trong huyền thoại trên đây của người thổ dân châu Mỹ được làm bằng đất, với cái nồi ấy, con nhện đã mang ánh sáng về cho thế giới loài vật, đất đã mang lại ánh sáng.
Chúng ta được tạo thành từ cát bụi, và cùng với Mẹ Maria, chúng ta phải mang ánh sáng đến trong thế gian. Ðó là ý tưởng chúng ta phải đào sâu khi sống lại biến cố truyền tin.