Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 02 -

Mẹ Maria Ði Thăm Bà Elisabeth

 

Niềm vui mà sứ thần Gabriel đã loan báo trong lời chào chúc: "Hãy vui lên" (Lc 1:28). Niềm vui ấy đã được Mẹ thể hiện cách đặc biệt khi đến thăm người chị họ Elisabeth. Ði lại cuộc hành trình đức tin của Mẹ Maria chúng ta hãy để cho tâm hồn được hòa nhập vào niềm vui được Mẹ cất hát lên trong bài ca Magnificat ngợi khen.

Trong bài ca truyền thống của dân tộc. Mẹ Maria đã hát lên rằng: Thiên Chúa sẽ làm những điều vĩ đại trên trái đất, bởi vì Người đã thực sự làm những điều trọng đại cho Mẹ là người nữ tỳ khiêm hạ của Người (x. Lc 1:46-48). Cũng như tất cả mọi người, Mẹ Maria đã hát lên quyền được hiện hữu, quyền được sống sung mãn trong thế giới này. Mẹ có quyền được vui, được sống một cuộc sống không phải sợ hãi vì áp bức. Quyền được cưu mang những đứa con sẽ lớn lên trong khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt thế giới. Mẹ vĩ đại bởi Ngôi Lời đã chiếm ngự toàn thể con người của Mẹ cho Thiên Chúa cũng như toàn thể nhân loại.

Một cách nào đó, được làm môn đệ của Chúa Kitô, người ta cũng trở nên vĩ đại. Theo truyền thống Do Thái, Thiên Chúa nhớ đến tội ác con người cho đến đời thứ ba hay thứ tư, nhưng việc lành thì Ngài nhớ mãi muôn đời. Mẹ Maria nhắc nhở cho những thế hệ rằng: Thiên Chúa đã nhớ lại lòng thương xót của Người như Người đã hứa: Mọi thế hệ sẽ biết được lòng nhân từ quyền năng của Thiên Chúa (x. Lc 1:49-55). Mẹ Maria không những chỉ xem mình như Mẹ của Chúa Giêsu, mà còn như một người con của dân tộc. Mẹ đứng chung hàng ngũ của những người trung thành chờ đợi ngày Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang của Ngài.

Ngày nay, Mẹ đứng về phía những người thấp cổ bé miệng trên trái đất, những người đang chiến đấu cho công lý hòa bình, những người đang chiến đấu chống lại độc tài tham quyền, cố vị, bất công. Mẹ đứng về phía những người khiêm hạ, những người bất bạo động, những người nghèo khó, những người xây dựng hòa bình, những người đói khát công lý và tình yêu của Thiên Chúa.

Mẹ Maria là người phụ nữ của tám mối Phúc thật. Mẹ là người phụ nữ của "bài ca Magnificat" (Lc 1:46-55. Mẹ là người phụ nữ hát lên những công trình của Chúa và vui thỏa khi nhận ra mình đang cộng tác vào công trình ấy. Với ca khúc ngợi khen, Mẹ hát lên rằng: Nước Chúa đang đến, nước Chúa đang đến ngay trên một ngọn đồi ở ngoại ô Giêrusalem, nơi một người phụ nữ già nua và đứa con sẽ bị chém đầu trong một bữa tiệc (x. Mc 6:17-29), trong đó mọi người đều hát theo cung giọng của những kẻ quyền thế. Nước Chúa đang đến trong một người phụ nữ trẻ mà người con phải trải qua một cái chết khiếp đảm nhất, nhưng cuối cùng sẽ sống lại và thay đổi cục diện thế giới.

Bốn vị tiên tri đang đứng trên lưng ngọn đồi, họ che giấu quyền năng của Thiên Chúa trong thân xác họ, trong những người già cả, trong các thai nhi, trong những người nghèo khổ. Chính trong những con người nhỏ bé ấy mà quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện. Mẹ Maria đã tin và hát lên điều đó. Cả cuộc sống của Mẹ được xây dựng trên niềm tin của cả dân tộc người quyền năng và tác động của Thánh Thần. Mẹ thuộc sách các Tiên Tri, Thánh Vịnh, những lời hứa cũng như chiều dài lịch sử của dân tộc. Mẹ tin rằng những lời hứa sẽ được thực hiện nơi Mẹ. Mẹ tin và Mẹ đã ca hát. Mẹ hát và những lời xuất ra từ môi miệng của Mẹ trở thành sự thật trong thế giới. Lời hát của Mẹ làm cho Thiên Chúa đi vào trong trần gian cách kỳ diệu.

Trong một bộ lạc nọ tại miền Ðông Phi châu, người ta không tính tuổi của con người từ lúc lọt lòng mẹ, hay từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ, mà ngay từ lúc đứa con được cưu mang trong tâm trí của người mẹ. Với ước muốn có con với một người đàn ông nào đó, người phụ nữa Phi châu của bộ lạc này sẽ đến ngồi dưới một gốc cây. Tại đây, người mẹ tương lai tập trung tư tưởng cho đến lúc lắng nghe được bài hát của đứa con mà bà hy vọng sẽ cưu mang. Khi nghe được bài ca ấy, người mẹ tương lai trở về làng và dạy cho người cha tương lai của đứa bé cũng hát theo. Cả hai sẽ mời gọi đứa bé cùng hát lên như họ. Khi đứa con vừa được cưu mang trong lòng, người mẹ hát lên cho nghe bài ca ấy, rồi bà cũng dạy cho những người phụ nữ lớn tuổi và các bà đỡ trong làng cũng hát lên để khi vừa lọt lòng mẹ, đứa bé đã có thể nghe được bài ca ấy. Sau khi đứa bé chào đời, cả làng cũng hát lên bài ca ấy, họ hát lên theo từng bước đi chập chững của đứa bé. Bài ca lại trở thành một phần nghi thức hôn phối của đứa bé khi nó trưởng thành. Và cuối cùng, người con ấy lại được lắng nghe bài ca ấy một lần nữa khi nhắm mắt lìa đời.

Mẹ Maria đã cất hát lên bài ca ngợi khen khi cưu mang Chúa Giêsu trong lòng Mẹ. Mẹ cũng đã hát lên bài ca ấy suốt cuộc đời của Mẹ và trong từng biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Mẹ hát lên khi Hài Nhi Giêsu chào đời trong hang Bêlem. Mẹ hát lên khi Mẹ bước đi từng bước về nhà trong chính đêm tối khi con Mẹ bị sát hại và an táng. Có lẽ Mẹ cũng hát lên sáng, tối mỗi ngày cho đến khi nhắm mắt lìa đời và đạt được sự sung mãn trong nước Chúa.

Mẹ Maria đã ở bên cạnh người chị họ Elisabeth độ ba tháng. Ba tháng đủ để học được những gì cần thiết cho cuộc sống làm mẹ, nhưng ba tháng để chứng kiến những điều lạ Thiên Chúa đã và sẽ thực hiện trong cuộc đời của Thánh Gioan tẩy giả, vị tiền hô của Chúa Giêsu. Người ta có thể nêu lên nhiều câu hỏi thực tế về ba tháng Mẹ đã trải qua trong gia đình của người chị họ Elisabeth.

- Tại sao Mẹ đã ở bên cạnh bà Elisabeth để giúp đỡ bà sinh con trong khi chính Mẹ lại phải đi Bêlem để sinh con trong một nơi dành cho súc vật?

- Tại sao Mẹ không ở lại với hai ông bà Giacaria và Elisabeth để chia sẻ niềm vui với họ?

- Tại sao tất cả mọi đứa con trai dưới hai tuổi đều bị bàn tay vua Hêrôđê sát hại, còn Gioan tẩy giả lại được sống sót?

Chúng ta không thể trả lời cho những câu hỏi ấy, chúng ta chỉ biết rằng: đó là những câu chuyện về niềm tin, về sự hoán cải hơn là những sự kiện lịch sử. Mỗi một câu chuyện đều là một lời mời gọi để chúng ta đào sâu đức tin và tìm ra một câu giải đáp cho chính cuộc sống của chúng ta.

Ngày nay, những người phụ nữ Kitô ở Palestine vẫn tiếp tục giữ một truyền thống có liên quan đến việc Ðức Mẹ đi thăm viếng bà Elisabeth. Họ mang những đứa con dưới ba tuổi đến Alkharin, nơi có đền thánh tưởng niệm biến cố, nằm ở mạn Bắc Giêrusalem để xin Chúa chúc lành cho chúng. Nhưng thay vì đem con vào nhà thờ, các phụ nữ Kitô Palestine lại leo lên một ngọn đồi có đá và hang động phía sau nhà thờ, họ ngồi ẩn khuất trong các hang động ấy để tưởng nhớ lại biến cố, họ cho rằng chính bà Elisabeth đã mang Thánh Gioan tẩy giả đến ẩn núp trong hang động, để tránh cuộc thảm sát trẻ con do vua Hêrôđê chủ xướng. Truyền thống này đưa chúng ta trở lại với niềm tin của bà Elisabeth và nhất là của Mẹ Maria. Hai người phụ nữ Palestine này đã tin ở quyền năng Thiên Chúa, Ðấng có thể làm được mọi sự. Riêng tiếng hát ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa mà Mẹ Maria đã cất lên khi đến thăm viếng người chị họ Elisabeth vẫn được tiếp tục lặp lại trong Giáo Hội ngày nay. Ước gì tiếng hát ấy cũng trở thành bài ca hằng ngày của mỗi người tín hữu Kitô chúng ta.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page