Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 115 -

Những Chiếc Nơ Vàng

 

Tha thứ và trung thành chờ đợi là cao điểm của tình yêu.

Trên tờ nhật báo New York Post có đăng câu chuyện của một nhóm bạn trẻ tại bang Florida trên đường đi về quê nghỉ hè.

Xe buýt chạy được một đoạn thì dừng lại tại một trạm bên đường vắng và một chàng thanh niên trạc tuổi 40 bước lên xe, anh ta có màu da ngăm đen trong bộ quần áo nghèo nàn, gương mặt buồn thảm đượm vẻ lo lắng, anh ngồi xuống trên một cái ghế ở băng cuối, mắt đăm đăm nhìn xuống đất như bận tâm lo nghĩ điều gì quan trọng. Sau một tiếng đồng hồ chạy đường trường, xe dừng lại trước một quán cà phê cho hành khách giải khát. Nhóm bạn trẻ vẫn theo dõi chàng thanh niên với cặp mắt tò mò.

Tất cả hành khách đều xuống xe, chỉ một mình anh ta ngồi yên tại chỗ. Thấy vậy, một người trong nhóm trẻ đến gần anh ta và bắt đầu gợi chuyện bằng cách mời anh ta chia sẻ một ly nước giải khát, anh ta chấp nhận và câu chuyện bắt đầu:

Tôi là một tù nhân ở New York từ 5 năm qua và bây giờ đang trên đường trở về nhà. Khi mới vào tù tôi đã viết thư cho vợ tôi và nói rằng: "Tôi phải đi xa trong một thời gian rất lâu, nếu nàng không thể chờ đợi được thì cứ quên tôi đi và tìm người khác xây dựng lại cuộc đời xuân trẻ của nàng", tôi cũng đã nói với nàng là "đừng bao giờ biên thư cho tôi, cũng đừng bận tâm đi tìm kiếm tôi, khi hết thời hạn tôi sẽ trở về". Và thật đúng như lời tôi dặn, trong suốt những năm qua, tôi không hề nhận được tin tức gì của vợ con tôi. Cách đây một tháng, trước khi được tin tôi sắp ra tù, tôi đã biên thư báo tin cho nàng hay là "tôi sẽ trở về". Nhà tôi ở gần đây, trên con đường này, trước nhà có một cây sung rất lớn, tôi sẽ về bằng xe buýt, vì thế tôi dặn nàng: "Nếu nàng muốn tiếp nhận tôi thì xin nàng hãy buộc một cái nơ vàng trên cây sung để làm dấu hiệu và nếu không thì tôi sẽ không trở về nhà". Như vậy, nếu không trông thấy cái nơ vàng thì dĩ nhiên tôi sẽ không xuống xe về nhà và cứ tiếp tục đi luôn.

Nghe vậy, bạn trẻ liền cho các bạn trong nhóm biết câu chuyện.

Bánh xe chạy nhanh trên xa lộ mỗi lúc một tới gần làng, tất cả các bạn trẻ đều chăm chú nhìn ra ngoài tìm kiếm cây sung bên vệ đường. Bỗng cả nhóm cất tiếng reo hò vui mừng, trên cây sung không chỉ có một chiếc nơ màu vàng, nhưng lại có hàng chục cái nơ vàng. Từ xa trông cây sung như đã trổ bông.

Nghe tiếng reo hò của bọn trẻ, gương mặt buồn rầu đầy vẻ lo lắng của người thanh niên da đen bỗng tươi vui hẳn lên, anh ta đứng phắt dậy khỏi ghế đi về phía trước xe, vẫy tay mỉm cười với bạn trẻ qua làn nước mắt và bước xuống xe, nhanh chân đi về phía nhà mình.

Quý vị và các bạn thân mến,

Một trong các tội trạng mà các thầy Tư Tế và nhóm Biệt phái Pharisiêu tố cáo Chúa Giêsu là tội quá nhân từ và hay tha thứ. Họ tố cáo Ngài vì Ngài tiếp xúc và làm bạn với những người thu thuế, vào nhà những kẻ tội lỗi, dùng bữa với họ. Thật vậy, cách cư xử của Chúa Giêsu chính là lời rao giảng hùng hồn nhất về tình thương của Thiên Chúa Cha, là Ðấng luôn đợi chờ các tội nhân ăn năn thống hối.

Tha thứ và trung thành đợi chờ là cao điểm của tình yêu. Tình yêu giữa cha mẹ và con cái cũng như tình yêu giữa vợ chồng, đó là phản ánh tình yêu bao la của Thiên Chúa là Cha nhân từ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình thức, nhiều dụ ngôn diễn tả tình thương nhân từ của Thiên Chúa, chẳng hạn như người chủ chăn nhân từ đi tìm con chiên lạc bất chấp mọi khó khăn (x. Lc 15:4-7). Như người quả phụ thắp đèn quét nhà kỹ lưỡng cho tới khi tìm được đồng bạc (x. Lc 15:8-10), nhưng hình ảnh cảm động nhất phải kể là dụ ngôn về người con phung phí và người cha nhân từ (x. Lc 15:11-32).

Sứ điệp của Chúa Giêsu thật quá rõ ràng. Lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa còn biểu lộ qua sự tín nhiệm của Thiên Chúa vào thiện chí và tự do của con người. Cho dù tội nhân xấu xa tới đâu đi nữa vẫn có khả năng ăn năn thống hối trở về, bao lâu vẫn còn một chút hơi ấm tình thương trong tim người ấy để cảm nghiệm được tình thương của Chúa.

Khi bị treo trên thập giá, hai tay của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mở rộng để đón nhận tấm lòng thành ăn năn thống hối của "người trộm lành trong giờ phút cuối đời" (x. Lc 23:42-43).

Thật vậy, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ tội nhân ăn năn thống hối trở về và bất cứ lúc nào cũng luôn sẵn sàng giơ tay đón nhận chúng ta trở về. Còn gì an ủi và khích lệ hơn cho bằng niềm xác tín là vẫn còn được yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán với dân Do Thái rằng: "Cả Thiên đàng sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn thống hối hơn cả những người lành không cần ăn năn" (Lc 15:7). Lời Chúa đầy an ủi và khích lệ biết bao, con tin chắc rằng: Cổng Thiên đàng lúc nào cũng đầy những chiếc nơ vàng như dấu hiệu vui mừng ngày con biết thống hối trở về để được tha thứ, để nối lại nhịp cầu yêu thương.

Xin đổ tràn thần khí Chúa trên chúng con, để nhóm lên niềm hy vọng trong Chúa và hâm nóng lại trái tim khô héo của chúng con. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page