Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 109 -

Giá Trị Của Lời Khen

 

Một chuyên gia người Mỹ đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:

Trí khôn tôi kém cỏi đến độ những năm tiểu học tôi đều đội sổ. Thành tích này đeo đuổi tôi mãi cho đến khi bước vào Trung học. Nhưng rồi bất ngờ, một biến cố đã thay đổi cuộc đời của tôi. Năm đó, tôi vừa bước vào Trung học, nhân trong lớp tôi học nhảy, cô giáo lớp tôi đã mời người chị của bà đến dự. Vừa bước vào lớp nhảy, cô giáo đã hướng dẫn người chị đi thẳng đến tôi, cô đặt tay lên vai tôi và giới thiệu với người chị như sau:

- Ðây là cậu học sinh có nụ cười dễ thương nhất lớp.

Cô không nói: "Ðây là cậu học sinh dở nhất lớp, nó không biết làm luận, nó dốt toán, v.v ..." mà lại nói: "Ðây là cậu học sinh có nụ cười dễ thương nhất lớp."

Tôi cảm thấy như mình cao hơn một chút, tôi vừa đi, vừa nhảy, vừa ca hát và tự tin hơn bao giờ hết. Từ đó tôi bắt đầu đạt được những thành tích khả quan, tôi đã tốt nghiệp Cao học, làm Giáo sư và nay đang hăng say trong lĩnh vực kinh doanh. Tất cả đều bắt đầu với cô giáo dạy nhảy ấy. Cô đã cho tôi thấy rằng: "Tôi cũng là một người có giá trị, tôi cũng có một cái gì đó để trao tặng người khác."

Quý vị và các bạn thân mến,

Kinh nghiệm của doanh nhân Hoa Kỳ trên đây thật phù hợp với cái nhìn của Kitô giáo về con người. Trước hết, trong cái nhìn đức tin, chúng ta biết rằng: Mỗi một người sinh ra trên cõi đời này là một giá trị độc nhất vô nhị, bởi vì mỗi người đều mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Giàu sang, nghèo hèn, thông minh, đĩnh đạc hay ngu đần, dốt nát, tất cả mọi người không những bình đẳng trong phẩm giá mà còn có một nhân vị độc lập khác biệt bất khả xâm phạm.

Chúa Giêsu đã muốn mạc khải cho chúng ta cái giá trị cao cả ấy của mỗi một con người qua cung cách đối xử của Ngài với những người nghèo hèn khốn khổ nhất trong xã hội, dưới ánh mắt của Ngài, mỗi người là một giá trị độc nhất, đối tượng của một sự kính trọng và yêu thương cá biệt. Ðây quả thực là một cái nhìn cách mạng có giá trị cho mọi thời đại. Không thể cải tạo xã hội, không thể có một cuộc cách mạng đích thực nào nếu không có cái nhìn tôn trọng đối với con người.

Từ kinh nghiệm của doanh nhân trên đây, chúng ta cũng có thể rút ra một chân lý khác trong cái nhìn của Kitô Giáo về con người. Chân lý đó là: Giá trị đích thực của con người không hệ tại ở những gì nó có mà chính là ở những gì nó trao tặng. Chân lý này đã được Chúa Giêsu nêu bật qua toàn bộ lời rao giảng và cuộc sống của Ngài, nhất là cái chết của Ngài trên Thập giá. Giáo huấn của Chúa Giêsu được gói gọn trong câu nói của Thánh Phaolô: "Cho thì có phúc hơn Nhận lãnh" (Cv 20:35). Càng trao ban, con người càng lớn lên trong nhân cách hơn. Người có tư cách chính là người biết trao ban. Nhưng trao ban đích thực không phải là trao ban của cải vật chất, bởi vì của cải tự nó không phải hạnh phúc. Quà tặng đích thực chính là bản thân. Trao ban đích thực chính là trao ban chính mình. Có hiểu như thế, chúng ta mới thấy rằng, dù nghèo hèn đến đâu ai cũng có một cái gì đó để trao tặng không tuỳ thuộc ở của cải vật chất mà ở tấm lòng con người. Một nụ cười nhân ái, một lời nói cảm thông, một cử chỉ tha thứ có giá trị gấp bội phần vàng bạc châu báu mà một người giàu có chỉ vứt ra như một của bố thí.

Lạy Chúa, giữa một xã hội đang xuống cấp vì đánh mất dần ý thức về giá trị cao cả của con người.

Xin cho các Kitô hữu chúng con luôn biết nhìn người bằng con mắt của Con Một Chúa. Ðấng đã tôn trọng và yêu thương những kẻ khốn khổ nghèo hèn và đã hiến thân hy sinh cho mọi người.

Xin cho chúng con luôn biết nhìn ra hình ảnh của Chúa trong mọi người, và tôn trọng yêu thương mọi người, nhất là những kẻ nghèo hèn khốn khổ trong xã hội bằng chính tình yêu của Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page