Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 107 -
Niềm Tin Tôn Giáo
Trong tác phẩm có tựa đề "Cây Tùng trước bão" xuất bản tại Hoa Kỳ. Nhà văn Hoàng Khởi Phong đã ghi lại gương hy sinh và chiến đấu anh dũng của một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà trước kia, nhưng sâu sắc hơn hẳn phải là lời đề bạt của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng được ghi vào trang cuối cùng của cuốn sách những dòng sau đây có thể gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ:
"Vấn đề không phải là già hay trẻ, vấn đề là anh đã sống như thế nào trong những năm tháng của đời anh".
Tôi hiểu câu nói đó như một cách nhắc mỗi người hãy nhìn lại những gì đã trải qua trong cuộc sống của chính mình. Bởi vì:
Nếu có những kẻ sống như rong rêu bèo bọt thì có những con người sống như những dòng sông chảy siết.
Nếu có những con người sống giả thì cũng có những con người sống thật.
Nếu có những kẻ thích khua chiêng đập trống thì cũng không thiếu những người khiêm tốn âm thầm.
Có những kẻ tưởng mình là anh hùng thì cũng có những người tự biết mình chẳng qua chỉ là cái đinh vít trong guồng máy xã hội.
Ðiều đáng nói là cách ứng xử của những con người ấy trước những khúc quanh của cuộc sống. Không ai có thể sống như anh hùng từng giây từng phút trong cuộc sống, nhưng người ta có thể sống anh hùng trong những giây phút đặc biệt của cuộc sống. Tuy những con người ấy không nhiều như kiểu: "Ra ngõ gặp anh hùng", nhưng những con người ấy thực sự không thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Họ là những đóm lửa được nhóm lên trong những giây phút tăm tối nhất của định mệnh, những đóm lửa ấy tưởng chừng như bị chìm khuất trong bóng tối, trong quên lãng, nhưng không, cuộc sống cho ta thấy ánh sáng của những đóm lửa kia vẫn còn chiếu mãi. Ðó là những đóm lửa của niềm tin và hy vọng.
Tôi không rõ cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu có phải nghe những tiếng động của ồn ào và vô nghĩa của những cái thùng rỗng hay những tiếng vo ve của ruồi nhặng, nhưng tôi biết rõ những đóm lửa kia sẽ mãi mãi giúp ta can đảm bước tới. Nó là thứ ánh sáng của biển đêm, là hơi ấm của một mùa đông dài, là sự sống của cõi chết.
Phải có con mắt tinh đời mới nhận ra được sự óng ánh của những viên đá quý.
Phải có cái tai tinh nhạy mới nghe được tiếng động đậy rất nhỏ của những tâm hồn khiêm tốn kia.
Quý vị và các bạn thân mến,
Những dòng trên đây không khác nào một bài suy niệm về niềm tin tôn giáo. Con mắt tinh đời để nhận ra được cái óng ánh của những viên đá quý. Cái tai tinh nhạy để nghe được tiếng động đậy rất nhỏ của những tâm hồn khiêm tốn. Phải chăng không là con mắt và lỗ tai của niềm tin. Cái nhỏ bé, cái âm thầm vốn ít được chú ý lắng nghe nhưng có lẽ chính cái âm thầm nhỏ bé ấy mới làm nên cuộc sống.
Không có những hy sinh âm thầm kín đáo ngày qua ngày của những người mẹ trong xó bếp thì đừng mong rằng xã hội ngày nay tồn tại và đứng vững.
Không có những bàn tay làm những công việc độc điệu mỗi ngày trong các văn phòng thì đừng mong đất nước được phát triển và tồn tại.
Không có những người lính vô danh hy sinh ngoài mặt trận thì đừng mong đất nước được chiến thắng.
Cuộc sống đức tin cũng tuỳ thuộc những cái nhỏ bé âm thầm ấy. Sức sống của Giáo Hội hẳn cũng tuỳ thuộc vào những tiếng cầu kinh âm thầm liên lỉ của những bà mẹ quê, tiếng ngân nga mộc mạc của những giáo đường nhỏ bé và nhất là cuộc sống chứng tá thinh lặng của các tín hữu trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hẳn còn nhớ lại hình ảnh của "hạt cải nhỏ bé" hay "chút men trong đấu bột" (x. Lc 13:18-21) được Chúa Giêsu dùng để nói về các thực tại về Nước Trời.
Lạy Chúa, xin soi sáng và củng cố chúng con trong niềm tin.
Xin cho chúng con biết đón nhận và sống một cách sung mãn từng phút giây hiện tại.
Xin ban cho chúng con lòng can trường để trở thành những anh hùng đức tin, không phải bằng cái chết hay cuộc sống tù đày mà bằng sự kiên trung sống chứng tá trong cuộc sống âm thầm mỗi ngày. Amen.