Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 87 -
Tha Thứ
Ðối với Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II: được sống là một quyền Thánh thiêng mà chỉ có Thiên Chúa mới là Chủ tể duy nhất. Không một quyền bính nào của loài người được quyền cất đi mạng sống của bất kỳ một người nào.
Mới đây Ðức Thánh Cha đã đau buồn vì quyết định của Tối cao Pháp viện tại Phi Luật Tân liên quan đến số phận của một tội nhân bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp con gái của ông, lẽ ra người đàn ông đã bị xử tử hồi đầu tháng này, nhưng vì sự can thiệp của Giáo Hội và nhiều tổ chức tranh đấu cho sự bãi bỏ án tử hình. Tối cao Pháp viện đã đình hoãn việc xử tử, nhưng chỉ không đầy hai tuần sau, vì áp lực của phe đòi xử tử, Tối cao Pháp viện tại Phi Luật Tân lại rút lệnh đình hoãn việc xử tử, theo tin chính thức lệnh án sẽ được thi hành vào ngày 05 tháng 02 năm 1999.
Tại Phi Luật Tân hiện đang diễn ra cuộc chiến gay gắt giữa những người tranh đấu để bãi bỏ án tử hình và những người cương quyết duy trì việc xử tử. Xét cho cùng, đó là cuộc chiến giữa một bên là hận thù thường núp bóng dưới lẽ công bình. Ðức Hồng Y Tổng Giám mục Manila đã đề nghị tổ chức tại tòa Hồng Y một Thánh lễ, trong đó gia đình nạn nhân và gia đình tử tội cũng như phe đòi duy trì án tử hình và những người đấu tranh để bãi bỏ án tử hình sẽ gặp gỡ và hòa giải với nhau, nhưng đề nghị này đã không được người chủ trương duy trì án tử hình đón nhận. Ðức Hồng Y nói một câu đáng suy nghĩ: "Công lý cần phải có một trái tim biết thương xót, trả thù không phải là công lý".
Quý vị và các bạn thân mến,
Hôm nay (ngày 25 tháng 1), Giáo Hội tưởng niệm Thánh Phaolô trở lại, ngày hôm nay cũng là ngày kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho việc hiệp nhất Kitô Giáo (từ ngày 18 đến 25 tháng 1), chúng ta có thể dành ngày hôm nay để suy niệm về lòng tha thứ.
Sách công vụ tông đồ ghi lại một số chi tiết đáng suy nghĩ trong cuộc tử hình của Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Trong đám đông những người tham gia và chứng kiến cuộc ném đá có một thanh niên tên là Saolê. Saolê là tên Do Thái của Thánh Phaolô. Tác giả của bài tường thuật viết rằng, trong khi ném đá, người ta đã cởi bỏ áo của mình và để dưới chân một người thanh niên tên là Saolê. Trong lúc họ ném đá Stêphanô, ngài cầu xin rằng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (x. Cv 7:55-60). Người thanh niên tên là Saolê này vẫn không tỏ ra chút cảm xúc trước cử chỉ tha thứ ấy của Stêphanô. Lòng căm thù đối với các tín hữu sôi sục đến độ đã thúc đẩy anh đi khắp nơi để lùng bắt và sát hại cho bằng được tất cả những ai mang danh hiệu Kitô. (x. Cv 8:1-3). Chỉ sau này, sau khi đã ngã ngựa và được ơn Chúa cho trở lại với Ðức tin, người thanh niên ấy mới hiểu được thế nào là lòng tha thứ. Kẻ thù biến thành tông đồ của Chúa Kitô ấy đã ra đi để rao giảng Tin Mừng của Ngài và không ngừng kêu gọi tha thứ. (x. Cv 9: 1-19)
Quả thực, tha thứ không phải là một phản ứng tự nhiên của con người mà là ơn của Chúa. Con người không thể tự mình tha thứ, chỉ có Thiên Chúa mới tha thứ và đến trong con người tha thứ. Từ trên thập giá, Chúa Giêsu đã không nói: "Lạy Cha, con tha cho chúng", mà là "xin Cha tha cho chúng", nghĩa là xin Cha hãy đến trong con để tha thứ cho họ. Do đó, trong sự hòa giải có lẽ chúng ta không nên nói: "tôi tha cho anh em", mà đúng hơn phải là câu cầu xin: "Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để tha thứ". Ðiều này nói lên rằng: "tha thứ là biết đón nhận ơn Chúa."
Hằng năm, Giáo Hội lập ra tuần lễ "cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu". Bên cạnh không biết bao nhiêu nỗ lực của con người. Giáo Hội muốn nhắc nhở các Kitô rằng: hiệp nhất, hòa giải, tha thứ là ơn của Chúa. Do đó, Giáo Hội tha thiết kêu mời chúng ta cầu nguyện để được ơn ấy.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con, và xin cho chúng con luôn biết mở rộng tấm lòng để đón nhận ơn tha thứ của Chúa và chia sẻ ơn ấy với mọi người. Amen.