Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 86 -
Thế Giới Mù Lòa
Một văn sỹ người Bồ Ðào Nha là ông Hose Saramago vừa được trao tặng giải thưởng văn chương năm 1998. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông được Hàn Lâm Viện văn học Thụy Ðiển ca ngợi. Ðó là tiểu thuyết có tựa đề "Mù lòa" vừa được xuất bản bằng Anh ngữ. Và đây là một câu chuyện tưởng tượng của một thành phố bất thần bị dịch mù lòa:
Người đầu tiên hóa mù là một người đàn ông đang lái xe chờ đèn giao thông ở một ngã tư. Trong tình huống ấy, phản ứng của anh ta lại hết sức bình thường. Thay vì kêu cầu than trách, anh ta nói: "có ai đó làm ơn đưa tôi về nhà." Một người hào hiệp đưa anh về để rồi chôm luôn chiếc xe của anh.
Tên trộm xe cũng đột ngột hóa mù. Bác sỹ nhãn khoa khám mắt cho anh ta xong cũng mù luôn. Rồi đến cô gái đeo kính râm và nhiều người khác. Tình trạng dịch mù lòa tràn lan khắp thành phố vô danh, tất cả những nhân vật vô danh chỉ được xác định như: người đầu tiên, ông bác sĩ, tên trộm, cô gái đeo kính râm, họ được tập trung vô một nơi vốn được gọi là bệnh viện tâm thần không còn hoạt động nữa. Bệnh viện trở thành trại tập trung của những người bị dịch mù lòa và cuộc sống trong đó suy thoái nhanh chóng thành một địa ngục trần gian. Những người hóa mù đến sau đem lại những tin tức của thế giới bên ngoài: tai nạn xe cộ đông nghẹt, máy bay đâm xuống đất vì phi công hóa mù, dù sao cuộc sống trong trại vẫn diễn tiến, một cuộc đấu tranh giành quyền lực và sống còn. Nào là sự khủng bố mù lòa. Nào là lòng căm thù mù lòa. Và ngay cả tình yêu cũng mù lòa.
Giữa đám mù lòa ấy có một phụ nữ duy nhất vẫn còn nhìn thấy nhưng giả mù để được vào trong trại với chồng là bác sỹ. Khổ nạn, trong trại kết thúc bằng một cuộc chiến ồn ào và khôi hài giữa hai đám chiến binh mù lòa, người vợ bác sỹ nhân cơ hội ấy dẫn đám người mù lòa thoát ra, nhưng thành phố cũng tan rã trong cơn hỗn loạn của sự mù lòa. Cuộc sống trở nên ngắn ngủi và tàn ác. Trong thành phố mù lòa đó mọi người đều trở nên lạc lõng, người ta không tìm được đường về nhà và không ai giúp đỡ ai, những người công dân mù lòa dò dẫm trong thành phố để kiếm ăn, người chết nằm trơ bên đường cho chó quạ rỉa xác, tiệm quán bị hôi của ngổn ngang, đường xá đầy rác rưởi, con người sống dơ dáy bẩn thỉu và sự mất vệ sinh đe dọa một dịch đau mắt làm đui mù mọi sự. May sao, một trận mưa trút xuống và mọi người hoan hỉ tắm táp, phụ nữ trần truồng kỳ cọ ngoài công lộ mà không ai bận tâm.
Vợ chồng ông bác sỹ mù trở về căn hộ cũ cùng vài người bạn tị nạn, họ cùng chia sẻ nguồn thực phẩm ít ỏi và những niềm vui nho nhỏ. Trong sự đoàn kết mong manh, nhóm người ấy vẫn còn khả năng cư xử với nhau tử tế và hào hiệp, bất chấp tàn bạo, họ thành lập thành lũy yếu ớt của nền văn minh. Trong những trang cuối của tác phẩm khi trận dịch mù lòa ngớt đi, các nhân vật lý giải như sau:
Tại sao chúng ta mù? Tôi không nghĩ là chúng ta hóa mù. Tôi nghĩ rằng: chúng ta mù nhưng thấy, chúng ta là người mù có thể nhìn thấy, nhưng chúng ta không thèm nhìn thấy mà thôi.
Quý vị và các bạn thân mến,
Chúng ta là người mù có thể nhìn thấy, nhưng chúng ta không thèm nhìn thấy. Với câu nói xem ra có vẻ ngớ ngẩn và coi câu chuyện về thành phố mù lòa này ai cũng biết rằng: văn sỹ Hose Saramago muốn phơi bày cái thảm kịch triền miên của nhân loại. Những cuộc chiến phi lý, cuộc diệt chủng dã man của Ðức Quốc xã và ngày nay những quyền cơ bản của con người vẫn còn tiếp tục bị chối bỏ và chà đạp trong một số nước. Ðây quả là cảnh tăm tối ghê rợn mà văn sỹ Hose Saramago muốn mượn câu chuyện của thành phố mù lòa để diễn tả. Ðây quả là sự tối tăm và vô tâm của con người.
Chúng ta là người mù có thể nhìn thấy, nhưng chúng ta không thèm nhìn thấy. Lời lý giải cuối cùng của nhân vật trong tác phẩm mù lòa của văn sỹ Hose Saramago đã diễn tả đúng cái thảm kịch của rất nhiều những kẻ mù quáng: người mù bẩm sinh hay do tai nạn còn có thể thấy, họ có thể thấy bằng một số giác quan khác của đôi mắt và nhất là họ vẫn còn nhìn thấy với trái tim của mình. Nhưng khi con người khước từ ánh sáng và không muốn nhìn thấy nữa, họ đã trở thành mù quáng. Mù quáng chính là có thể nhìn thấy nhưng không muốn thấy.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu lên án gắt gao thái độ như thế nơi có nhiều người biệt phái. Họ nhận ra bao nhiêu dấu chỉ trong lời rao giảng và việc làm của Chúa Giêsu, nhưng vì quyền lợi cá nhân và danh vọng hão huyền họ đã khước từ. Họ vẫn biết Ngài là người vô tội, nhưng vì ích kỷ và ganh tị, họ đã nhẫn tâm sát hại Ngài.
Lạy Chúa, ít hay nhiều cũng có lúc chúng con nhìn mà không thấy. Ðó là những lúc chúng con nhắm mắt làm ngơ nỗi khổ đau của người đồng loại. Ðó là những lúc trái tim chúng con sẽ trở nên chai lỳ trước những lời mật ngọt trao ban và san sẻ.
Xin ban cho chúng con ánh mắt luôn biết nhạy cảm và một tâm hồn luôn rộng mở trước nỗi khổ đau của người đồng loại. Amen.