Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 77 -

Lời Xin Lỗi

 

Theo một bản tin có tính thời sự, với một cử chỉ hầu như gần thành một nghi thức. Thủ Tướng Nhật Bản, ông Ôbuchi một lần nữa đã chính thức lên tiếng xin lỗi một nhà lãnh đạo Á châu khác vì những lỗi lầm của nước ông trong quá khứ.

Lần này người được xin lỗi là Tổng Thống Kim Ða Dung của Ðại Hàn và cũng lần này lời xin lỗi được viết xuống trên giấy trắng mực đen, hy vọng rằng đây là một nghi thức cần được lặp lại.

Theo một tuyên ngôn chung được hai vị nguyên thủ quốc gia đồng ký tên vào. Thủ Tướng Ôbuchi khiêm tốn nhìn nhận sự kiện lịch sử là chế độ cai trị thực dân của Nhật Bản đã gây ra vô số thiệt hại và đau khổ cho nhân dân Ðại Hàn. Thủ Tướng Nhật cũng đau đớn bày tỏ sự ăn năn sám hối và thành thật xin lỗi vì những thiệt hại đã gây ra cho Ðại Hàn. Ðại Hàn đã bị Nhật Bản cai trị từ năm 1910-1945. Về phía mình, Tổng Thống Kim Ða Dung đã đại diện nhân dân Ðại Hàn để đón nhận lời xin lỗi của Nhật Bản. Ông khẳng định như sau: Ðã đến lúc để Ðại Hàn và Nhật Bản vượt qua quá khứ và xây dựng mối quan hệ hướng về tương lai, đặt nền tảng trên mối quan hệ hướng về tương lai, đặt nền tảng trên tinh thần hòa giải và thân hữu.

Một lần khác, với lời tạ tội được viết xuống trên giấy trắng mực đen, Thủ Tướng Ôbuchi đã đại diện nhân dân Nhật Bản để bày tỏ sự sám hối vì những khổ đau đã gây ra cho nhân dân Trung Quốc trong suốt thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng đất nước này trong hai thập niên 30 và 40. Một lần nữa, người ta cũng hy vọng rằng, lời xin lỗi công khai này sẽ giúp đóng lại một trang sử và mở ra một trang mới đầy hy vọng hơn cho mối quan hệ của hai nước. Chủ Tịch hành pháp của Hồng Kong là ông Ðổng Kiến Hoa đã có lý để tuyên bố khi tưởng niệm những người đã chết trong thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng như sau:

Chúng ta cần học những bài học của quá khứ, nhưng chúng ta cũng cần chôn vùi quá khứ để không làm nô lệ cho nó. Ðóng lại quá khứ để hướng về tương lai, điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi quá khứ là một động lực thúc đẩy con người tiến tới bằng những hành động tích cực. Có lẽ đây là điều mà Tổng Thống Ðại Hàn muốn nhắc nhở cho thủ Tướng Nhật Bản khi ông đề cập đến số phận của những người phụ nữ Ðại Hàn bị cưỡng bắt phải phục vụ sinh lý cho quân đội Nhật Bản. Quá khứ chỉ thực sự được khép lại khi lòng sám hối được thực hiện bằng những đền bù cụ thể.

Quý vị và các bạn thân mến,

Hành động xin lỗi mà Nhật Bản cử hành như một nghi thức trên đây không thể không gợi lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một viên thủ lĩnh thu thuế tên là Giakêu được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Luca. Thay cho lời tạ lỗi, ông Giakêu cam kết với Chúa Giêsu:

"Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn." (Lc 19:8). Ðây mới thực sự là một lời tạ lỗi, bởi vì nếu không có quyết tâm cải thiện và đền bù đi kèm thì lời tạ lỗi chỉ là một lời nói suông hay vô nghĩa. Ðây có thể là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta. Biết bao lần, chúng ta tìm đến với Bí tích Giải tội để nói lên lòng sám hối của chúng ta, nhưng rồi đâu lại vào đó, niềm vui và sự bình an chưa kịp bén rễ trong tâm hồn đã vụt bay đi và chúng ta lại trở về với quá khứ. Quá khứ tội lỗi chỉ thực sự được khép lại bằng chính quyết tâm đền bù và cải thiện cuộc sống mà thôi.

Lạy Chúa, không có ơn Chúa, chúng con không thể làm được việc gì.

Xin cất khỏi những gì đang đè nặng lương tâm chúng con, và xin đỡ nâng chúng con trong quyết tâm cải thiện cuộc sống. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page