Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (2)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 68 -

Ấn Tượng Ðẹp

 

Trong một tập bút của báo Tuổi Trẻ số ra đầu tháng 10 năm 1999, Tác giả Uông Thái Biểu có ghi lại một kinh nghiệm như sau: Chuyện cách đây đã hơn 10 năm, ngày ấy lần đầu tiên tôi làm lục lăn vượt sông Giang lên miền Tây Nghệ an đi buôn bè gỗ đường dài. Lần đầu vào rừng sâu, người đưa đường cho tôi là Vi văn Suối, người dân tộc Thái. Trong cuộc luồng rừng với tôi, Suối là một người chuyên sống về rừng, anh thuộc tên từng loại côn trùng, thảo mộc, và với núi rừng là cuộc sống, là máu thịt của anh.

Trời ngã sang chiều, chúng tôi dừng chân trong căn lều cạnh nương từ lâu đã bị ai đó bỏ hoang, căn lều xiêu vẹo, trống hoác, nhưng dưới nền đất vẫn nguyên vẹn 3 viên đá kê làm bếp. Lủng lẳng trên bếp một ống nứa đựng muối còn sạch sẽ, trong đó vẫn còn một dúm muối khô như ai đó vừa bốc bỏ ra. Tôi và Suối mở cơm nắm ra ăn, lội bộ đường rừng mệt lã, hai chúng tôi chỉ ăn hết phân nửa mo cơm. Theo thói quen, tôi định hất phần cơm còn lại ra rừng. Suối nhặt lấy, tôi lạ lẫm nhìn anh gói ghém phần cơm và treo lên bên dưới mái lều, anh không quên bốc một nắm muối mang theo bỏ vào ống nứa và bỏ lại bên hòn đá dăm bảy que diêm. Thấy tôi ngạc nhiên, Vi văn Suối giải thích: lần đầu tiên đi rừng, cậu không hiểu là phải. Ðây là tập quán của những người quanh năm sống và gắn bó với rừng: một nắm cơm thừa, vài ba hột muối đôi lúc đã cứu được cả mạng người trong khi lạc đường đói khát, một viên ký ninh cắt tạm cơn sốt và một que diêm có thể đốt lên ngọn lửa sưởi ấm một người lạc đường đang bị cô đơn và bệnh tật hành hạ. Những túp lều hoang trơ trọi giữa rừng núi điệp trùng này là nơi trú chân tránh nạn cho những người lỡ đầu đường giữa mênh mông đại ngàn. Là người đi rừng, ai cũng có thể bị lâm vào hoàn cảnh như thế.

Bao nhiêu năm đã qua, tôi không thể nào quên được lời của Vi văn Suối, người bạn Thái chỉ chung một chuyến đi rừng, và ấn tượng về một nét đẹp dành riêng cho những người bạn rừng vẫn theo tôi mãi.

Quí vị và các bạn thân mến,

Nét đẹp của người bạn rừng trên đây hẳn phải là sự quan tâm đến người khác. Cử chỉ ấy còn đẹp hơn nữa vì được thực thi trong một nơi khuất ẩn, không chờ đợi một sự đáp trả hay nhìn nhận nào. Cử chỉ ấy gợi lại tinh thần vô vị lợi mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các tín hữu Kitô chúng ta: Khi làm việc lành phúc đức, anh em hãy coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy, bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời thưởng cho. Vậy, khi bố thí đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá cốt để cho người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo, và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho anh.

Thiên Chúa trao ban và trao ban nhưng không. Ngài quảng đại đến độ không chỉ làm cho mặt trời mọc lên cho người lành, mà còn để cho nó chiếu soi cho cả kẻ dữ. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta do đó cũng chỉ có thể được nhìn nhận và tôn thờ cho phải đạo như là người Cha yêu thương vô vị lợi mà thôi.

Cảm nhận được tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi để làm chứng cho tình yêu vô vị lợi ấy của Thiên Chúa. Hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương vô vị lợi chỉ có thể chiếu sáng qua tình yêu vô vị lợi của con người mà thôi.

* * *

Lạy Chúa, mang lấy hình ảnh của Chúa, xin cho chúng con biết sống sao cho phải đạo làm người.

Trong mọi sự, xin cho chúng con biết làm cho chiếu sáng hình ảnh của Chúa bằng lòng quảng đại và sự hy sinh vô vị lợi của chúng con. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page